Thủ tướng: Phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới
Chúng ta phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Sáng nay (21/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây là cuộc làm việc đầu tiên theo chuyên đề được tổ chức và các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tổ chức các hội nghị chuyên đề tiếp theo.
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.
Trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực, hiệu quả để cùng cả dân tộc vượt qua đại dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường.
Trong bối cảnh đại dịch, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột diễn ra ở nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp đã khẳng định vai trò đối với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 34 trên thế giới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đây là kết quả có được nhờ nỗ lực lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng cũng cho biết, ông cảm nhận rất rõ sự tham gia của các doanh nghiệp trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi vừa qua, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao.
Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa – một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, phát huy vai trò, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, chúng ta phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.
Thủ tướng cho biết Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã thảo luận về những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới, như đột phá thể chế, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng những công trình hạ tầng chiến lược, biểu tượng phát triển đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam…; thực hiện các chương trình bảo đảm an sinh xã hội như xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước từ nay tới năm 2025, phấn đấu không còn hộ nghèo từ nay tới năm 2030…; triển khai các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu như sắp xếp dân cư, di dân tại các địa bàn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ứng phó hạn mặn, sụt lún, sạt lở tại ĐBSCL…
Thủ tướng nêu rõ, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị cho rằng, doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, mở rộng quy mô về vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Đặc biệt đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, SOVICO, TH.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Quy mô nền kinh tế từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023.
Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại.
Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới. Bối cảnh mới cũng đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước như: phải tăng trưởng xanh, bền vững, là mục tiêu đạt net zero vào năm 2050; thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.