Em dâu Trương Mỹ Lan nói rất sửng sốt, không nghĩ hậu quả lớn như vậy
Bị cáo Nhã nói không hiểu biết trái phiếu, tin tưởng tuyệt đối vào Trương Mỹ Lan, chỉ biết ký vào các hồ sơ chứ không quản lý, điều hành hoạt động các công ty.
Chiều 20/9, TAND TP.HCM tiếp tục ngày thứ hai phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Đây là giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.
Tại tòa, được Chủ toạ hỏi, bị cáo Trần Thúy Ái (Kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho SCB - Chi nhánh Sài Gòn) trình bày đã làm theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB - đã mất). “Có những hôm bị cáo phải làm việc sau giờ làm cho một số khách hàng ký rút, chuyển tiền”, bị cáo Ái nói.
“Bị cáo thắc mắc về việc một số khách hàng ký rút sau giờ làm việc thì chị Hồng không giải thích mà nói bị cáo cứ yên tâm. Đây là việc nội bộ, bị cáo chỉ cần làm theo chỉ đạo và không cần quan tâm những vấn đề khác”, bị cáo Ái khai.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Thúy Ái đã tiếp nhận, xử lý các chứng từ nộp và rút tiền mặt liên quan đến dòng tiền khống để tạo lập trái phiếu của hai công ty An Đông và Sunny World, giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt hơn 26.581 tỷ đồng của 30.744 bị hại.
Còn bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng SCB phụ trách tín dụng và xử lý nợ SCB), khi được Chủ toạ hỏi, bị cáo Dung thừa nhận cáo trạng truy tố không oan sai. Tuy nhiên, cựu Tổng giám đốc SCB đề nghị HĐXX xem xét một số chi tiết, như không bàn bạc, trao đổi với bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB) về việc lên phương án chạy dòng tiền khống.
Về cáo buộc chỉ đạo cấp dưới, bị cáo Dung nói chỉ trao đổi chung về chủ trương chứ không trực tiếp trao đổi với từng bị cáo.
Bị cáo Dung thừa nhận đã tiếp nhận chỉ đạo này từ Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc SCB) và biết Hoàng nhận chủ trương từ Trương Mỹ Lan và Nguyễn Phương Hồng.
Cáo trạng nêu, Dung đã tiếp nhận chỉ đạo của Trương Khánh Hoàng và nhận phương án dòng tiền khống do Trịnh Quang Công, Nguyễn Phương Anh lập, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.
Bị cáo Dung cho biết chỉ tiếp nối công việc do nhóm Nguyễn Phương Hồng thực hiện; không bàn bạc với Trịnh Quang Công, Nguyễn Phương Anh, không lên phương án dòng tiền và không biết dòng tiền như thế nào.
Đối với bị cáo Ngô Thanh Nhã, bị cáo này là em dâu của bị cáo Trương Mỹ Lan. Nhã được Lan giao cho làm Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông. Bị cáo Nhã đã thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, ký toàn bộ hồ sơ, tài liệu hợp thức việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông; từ đó tạo lập 2 mã trái phiếu phát hành vào năm 2018.
Cụ thể, sau khi tiếp nhận chủ trương phát hành trái phiếu, bị cáo Nhã đã chủ trì họp với các cán bộ chủ chốt của Công ty An Đông, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty SPG, Công ty Sunny World, yêu cầu họ phối hợp thực hiện.
Sau đó, bị cáo Nhã ký quyết định phê duyệt phương án phát hành trái phiếu An Đông để các cấp dưới thực hiện. Theo đó, Công ty An Đông hợp tác đầu tư dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ với chủ đầu tư là Công ty SGP.
Khi Công ty An Đông phát hành trái phiếu, với tư cách người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, Nhã ký ủy nhiệm chi 5 giao dịch thanh toán tiền mua bán trái phiếu. Hành vi này giúp hoàn thành chuỗi các giao dịch khống để tạo lập 2 mã trái phiếu.
Bị cáo Nhã bị cáo buộc giúp sức cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát phát hành trái phiếu, chiếm đoạt gần 25.000 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Nhã nói không hiểu biết trái phiếu, tin tưởng tuyệt đối vào Trương Mỹ Lan, chỉ biết ký vào các hồ sơ chứ không quản lý, điều hành hoạt động các công ty.
Bị cáo Nhã nói khi nhận kết luận điều tra, cáo trạng, đã rất sửng sốt, không nghĩ hành vi của mình gây ra hậu quả to lớn như vậy. Bị cáo Ngô Thanh Nhã xin HĐXX được khắc phục hậu quả, mong xem xét giảm nhẹ hình phạt.