Tin địa phương

Nghệ An: Hiểm họa từ những cây cầu treo xuống cấp

Trần Tú - Hải Yến 20/09/2024 - 16:09

Những cây cầu treo hàng chục năm tuổi tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An hiện đã xuống cấp, hư hỏng, mất an toàn, có thể đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Thế nhưng, người dân vẫn phải qua lại mỗi ngày bất chấp hiểm nguy luôn rình rập, nhất là vào mùa mưa bão.

Những cây cầu treo xuống cấp cần thay thế hoặc tu sửa

Những cây cầu treo bắc qua sông, suối giúp người dân rút ngắn thời gian lưu thông, góp phần phát triển kinh tế, tuy nhiên, đến nay, những chiếc cầu treo hàng chục năm tuổi đã xuống cấp đang là ẩn hoạ, nhất là mỗi mùa mưa lũ về.

Tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cầu treo Sông Giăng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cầu được thiết kế chịu xe tải trọng 10 tấn, nhưng nay cây cầu này chỉ cho phép xe tải trọng dưới 5 tấn lưu thông. Đây cũng là giải pháp tạm thời để người dân yên tâm phần nào. Do cầu quá yếu nên cơ quan chức năng cắm nhiều biển cảnh báo ở hai đầu cầu để hạn chế xe tải lớn qua cầu.

a2.jpg
Cầu treo Sông Giăng có tuổi đời gần 40 năm

Hồi tháng 10/2020, tại cầu treo Sông Giăng đã xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người rơi xuống sông tử vong. Vụ tai nạn để lại nỗi ám ảnh và bất an cho người dân mỗi khi đi qua cầu. Đây là cây cầu dân sinh quan trọng, kết nối 10 xã với hàng vạn người dân của vùng Cát Ngạn và trung tâm huyện nên hàng ngày có rất nhiều phương tiện qua lại.

Tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An), hiện cũng có 4 cây cầu treo gồm Đò Rô, An Ngãi, Tân Thanh Hồng và Tiên Kỳ cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Theo ông Vi Văn Quang, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Kỳ cho biết, 4 cây cầu treo trên đều được xây dựng cách đây hơn 15 năm nên đã xuống cấp. Từ năm 2022, UBND huyện đã tiến hành tu sửa, bảo dưỡng cả 4 cây cầu.

"Kinh phí cho việc duy tu sửa chữa có hạn, chỉ được sửa chữa khi có hư hỏng. UBND huyện chỉ đạo các xã huy động lực lượng nghiêm cấm xe có tải trọng đi qua, cấm người và phương tiện lưu thông khi có mưa bão", ông Vi Văn Quang cho biết.

Đặc biệt, vào trưa ngày 6/3/2024 vừa qua, cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bất ngờ đổ sập. Rất may sự cố không gây thiệt hại về người. Được biết, cầu treo Kẻ Nính được xây dựng vào năm 2011 với tổng kinh phí trên 24 tỉ đồng.

a1.jpg
Cầu treo Kẻ Nính tại huyện Quỳ Châu bị đổ sập hoàn toàn, hiện vẫn chưa có cầu mới.

Nguyên nhân sập cầu được ngành chức năng xác định, do đất nền đường đầu cầu phạm vi dưới thanh neo bị sụt lún làm thanh neo phía hạ lưu mố neo M2 bị chuyển vị, gãy sập, làm dây cáp chủ kéo đỉnh trụ tháp phía hạ lưu mố M2 chuyển vị theo phương ngang, gây mất ổn định trụ tháp, làm sập toàn bộ nhịp treo của cầu.

Đó chỉ là một trong hàng chục cây cầu treo tại tỉnh Nghệ An hiện đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Qua đánh giá, các cầu treo ở Nghệ An hầu hết nằm trong những khu vực miền núi chia cắt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và có tuổi đời hàng chục năm. Các hạng mục đã rỉ sét, bào mòn, đứt gãy nên mỗi lần mưa lũ xuất hiện, người dân đi qua cầu đều có cảm giác lo sợ, bất an.

“Thót tim” mỗi khi đi qua cầu

Cùng chung tình trạng, tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An), cầu treo Thành Nam được đưa vào sử dụng từ năm 2000, có chiều rộng 3,5 mét, chiều dài hơn 200 m. Cầu do Sở Giao thông Vận tải Nghệ An quản lý, là tuyến giao thông huyết mạch nối liền các xã Mẫu Đức, Đôn Phục, Bình Chuẩn, Thạch Ngàn…Tuy nhiên, sau hàng chục năm sử dụng, nhiều ốc vít trên cầu bị gỉ sét, mặt cầu có nhiều đoạn bị bong tróc, rạn nứt, cáp treo cũ kỹ.

Anh Đậu Khắc Tùng, người dân xã Mậu Đức, huyện Con Cuông thường xuyên lưu thông trên chiếc cầu này cho biết: “Mỗi khi có nhiều phương tiện cùng lúc đi qua, cầu rung lắc làm mọi người hết sức lo lắng. Tôi làm nghề vận tải taxi, thường xuyên đi lại qua cầu nên cảm thấy rất bất an. Có hôm, vì đông người quá, tôi phải đợi cho hết người qua mới dám đi. Khi qua được bên kia cầu người dân mới thở phào nhẹ nhõm".

a3.jpg
Cầu treo Thành Nam tại huyện Con Cuông hiện đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn cho người qua lại, ban quản lý cầu đã ngăn chặn các phương tiện có trọng tải lớn vào cầu, hướng dẫn bà con đi lại trong những ngày mưa bão.

Cách cầu treo Thành Nam khoảng 5 km là cầu treo Bãi Ổi, thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Cầu này được xây dựng vào năm 2011, có chiều dài 255,2 m, chiều rộng 2,6 m. Hiện tại, cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, với nhiều vị trí bị gỉ sét và bê tông nứt nẻ.

Theo đại diện phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Con Cuông, trên địa bàn hiện có 6 cây cầu treo bắc qua sông Lam, nằm ở các xã như Bồng Khê, Lạng Khê, Chi Khê... Do các cầu treo này đã được xây dựng từ lâu, nên hầu hết đều đang trong tình trạng xuống cấp.

Ông Nguyễn Trọng Quang, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải Nghệ An) cho biết, hệ thống cầu treo ở tỉnh Nghệ An được xây dựng từ khá lâu, nên hiện có nhiều cầu xuống cấp. Các huyện cũng gặp khó khăn về kỹ thuật trong việc bảo trì và sửa chữa cầu. Cầu treo có ưu điểm là kinh phí đầu tư thấp, thời gian thi công ngắn và đáp ứng ngay nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, cầu treo lại có trọng tải thấp. Các cầu treo chủ yếu là dạng cầu dây võng, với trụ cổng làm bằng thép hoặc bê tông, dầm thép, mặt cầu bằng thép hoặc gỗ, và quang treo bằng thép.

Ngoài ra, việc bảo dưỡng và sửa chữa cầu lẽ ra cần được thực hiện thường xuyên. Nhưng xem ra công tác duy tu bảo dưỡng còn rất hạn chế. Chính vì vậy, "tuổi thọ" và độ an toàn của các cây cầu treo luôn là điều đáng lo lắng trước mỗi mùa mưa lũ. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có tới 70 cầu treo. Trong đó, Sở và Khu Quản lý đường bộ 2 (Cục Đường bộ Việt Nam) quản lý 2 cầu treo, 68 cầu còn lại do các huyện quản lý. Do quá trình sử dụng khá lâu năm, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên không ít cầu treo ở các địa phương cũng đang bị xuống cấp, hư hỏng.

Trần Tú - Hải Yến