Ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL
“Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch nói chung và nguồn nhân lực du lịch chất lượng (NNLDLCL) đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành phải được xem như là công tác thường xuyên, liên tục, xem đó là một trong những giải pháp mang tính đột phá để góp phần phát triển du lịch ĐBSCL”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh.
Ngày 20/9, trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã có bài tham luận xoay quanh một số vấn đề trong việc phát triển NNLDLCL vùng ĐBSCL đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch vùng ĐBSCL nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước, khẳng định vai trò, vị thế du lịch ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, với sự cạnh tranh gay gắt của các điểm đến du lịch trong nước và quốc tế nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch đòi hỏi mỗi vùng, địa phương cần có hướng đi mới, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng để có thể nắm bắt được cơ hội, đối diện với những khó khăn, thách thức để biến tiềm năng du lịch đang có tạo thành những sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, tạo nên lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch nói chung và NNLDLCL đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành phải được xem như là công tác thường xuyên, liên tục, xem đó là một trong những giải pháp mang tính đột phá.
Trong quá trình phát triển du lịch của vùng, việc hoạch định và thực hiện tốt về NNLDLCL sẽ không chỉ mang lại giá trị trực tiếp đối với ngành du lịch, mà còn góp phần phát triển mối quan hệ kinh tế giữa các ngành, các vùng trong phạm vi nhất định, nâng cao trình độ quản lý, nhận thức đối với vai trò của ngành du lịch trong sự phát triển chung về kinh tế - xã hội.
Để phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là NNLDLCL vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Anh Tuấn đưa ra nhiều giải pháp góp phần phát triển nhanh, giải quyết các vấn đề còn tồn tại cần được quan tâm, chú trọng và thực hiện đồng bộ.
Cụ thể, cần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra về nhân lực du lịch; tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và địa phương trong và ngoài vùng về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực ở vùng ĐBSCL, ưu tiên lĩnh vực phát triển theo từng giai đoạn, dựa trên thế mạnh của 13 tỉnh, thành trong vùng, theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động sang ngành dịch vụ - du lịch;
Xây dựng chiến lược phát triển, chương trình, kế hoạch du lịch vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, trong đó chú trọng yếu tố nguồn lực con người, để có sự ưu tiên, phân bổ nguồn lực phát triển phù hợp.
Trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác đào tạo, vừa chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch, quy hoạch hạ tầng, đô thị… nhằm kêu gọi sự tham gia và ủng hộ của các bên liên quan, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện và môi trường chuyên nghiệp cho người lao động trong và ngoài vùng được làm việc, phát huy sở trường là hết sức quan trọng.
“Con người là yếu tố quyết định mọi hoạt động, và để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển về du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vùng ĐBSCL cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng mang tính dài hạn, đảm bảo chuẩn về chuyên môn, tay nghề về phục vụ du lịch, về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin vừa đảm bảo được về mặt số lượng mới có thể phát huy tối đa tiềm lực cũng như tranh thủ được các thời cơ thuận lợi trong điều kiện mới.
Vì vậy, việc phát triển NNLDLCL đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững vùng ĐBSCL, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng trong thời gian tới là thực sự cần thiết, không ngừng nâng cao vị thế, hình ảnh du lịch ĐBSCL trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh.
Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL” đang diễn ra có sự đồng hành của các đơn vị:
1. Công ty TNHH Thẩm mỹ Linh Anh Sai Gon
2. Tập đoàn Vingroup-Công ty CP
3. Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Kim Thủy Lâm
4. Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu
5. Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank)