Vĩnh Phúc: Triển khai Đề án 06 hiệu quả, góp phần chuyển đổi số quốc gia
Việc triển khai Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) của Chính phủ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trong những năm gần đây, việc triển khai Đề án 06 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của ngành. Trọng tâm là tập trung tăng cường hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các tiện ích, tính năng của ứng dụng bảo hiểm xã hội số - VssID. Kết quả bước đầu đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Nằm trong nhóm dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, việc liên thông dữ liệu khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi đang được Bảo hiểm xã hội tỉnh khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Việc triển khai liên thông nhóm thủ tục này góp phần quản lý chặt chẽ hơn thông tin nhân thân và cư trú của người dân, khắc phục tình trạng trẻ em đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế, giúp người dân tiết kiệm công sức, chi phí và thời gian đi lại giải quyết thủ tục hành chính.
Đến nay, 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế qua trục liên thông với Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần là có thể giải quyết được 3 thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian, công sức khi làm hồ sơ, thủ tục. Việc đẩy mạnh liên thông cũng giúp cơ quan Bảo hiểm xã hội giảm áp lực cho cán bộ giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh dịch vụ liên thông, việc thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu khác cũng được Bảo hiểm xã hội tỉnh tập trung đẩy mạnh, triển khai đúng quy trình, quy định. Các dịch vụ này bao gồm: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí; tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên Cổng dịch vụ công; giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh thông tin, truyền thông với nhiều hình thức đa dạng như lồng ghép thông qua các hội nghị, truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, đăng tải thông tin, bài viết lên cổng thông tin điện tử... Điều này góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức toàn ngành; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân, người lao động trong quá trình triển khai Đề án 06.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường chia sẻ, cập nhật thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Y tế... Đến nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% người tham gia bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp và chế độ ngắn hạn qua tài khoản ngân hàng.
Kết quả bước đầu trong triển khai Đề án 06 của Bảo hiểm xã hội tỉnh đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ, nhân viên, giúp cán bộ, đảng viên chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số.
Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, viên chức toàn ngành; xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu của Ngành và sẵn sàng chia sẻ, đồng bộ, liên thông với các bộ, ngành, địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị triển khai hiệu quả Đề án 06, nhất là các nhiệm vụ về thực hiện nhóm thủ tục liên thông, chi trả chế độ qua phương thức không dùng tiền mặt, sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VssID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy.