Văn hóa - Du lịch

Cần tháo gỡ khó khăn cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL

Tạ Tuấn 20/09/2024 - 09:30

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã và đang phát triển tại khu vực ĐBSCL, đóng góp nhất định vào sự phát triển của ngành dịch vụ “không khói”. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hoạt động, loại hình du lịch này vẫn gặp những khó khăn rất cần sự quan tâm, tháo gỡ kịp thời của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Năm 2023, tổng số khách đến ĐBSCL là 44.952.080 lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 0,3% so với cùng kỳ 2019); trong đó, khách quốc tế là 1.880.126 lượt, tăng 257,4 % với cùng kỳ năm 2022 (giảm 46,4% so với cùng kỳ 2019). Doanh thu uớc đạt 45.743 tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ 2022 (tăng 13,98% so với cùng kỳ 2019).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số khách đến ĐBSCL gần 30 triệu lượt, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch là 34.871,782 tỉ đồng, tăng 33,02% so với cùng kỳ 2023.

Vùng du lịch cộng đồng Khóm Cầu Đúc, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Theo xu hướng du lịch hiện nay, bên cạnh nhiều loại hình du lịch thì du lịch xanh hay còn gọi là du lịch sinh thái đang rất phổ biến và thu hút nhiều du khách. Không nằm ngoài sự phát triển đó, du lịch nông nghiệp và nông thôn tại ĐBSCL đã và thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Du lịch nông nghiệp và nông thôn tại ĐBSCL có nhiều lợi thế bởi ĐBSCL là vùng đất phì nhiêu, sông nước, núi non, bốn mùa cây trái đặc thù của vùng khí hậu nhiệt đới. Nơi đây là địa bàn sinh sống của 4 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm), tất cả đã kết hợp và tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Theo ông Lê Quốc Dũng, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Long An, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL còn có những khó khăn, bất cập sau:

Thứ nhất, đa số các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL còn hoạt động tự phát. Người dân tận dụng ruộng vườn của mình để làm điểm du lịch, trong đó loại hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng homestay và farmstay để du khách đến lưu trú và trải nghiệm với các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thưởng thức các thực phẩm sạch tự nuôi trồng, chế biến tại chỗ hiện nay đang “nở rộ”.

Du lịch cộng đồng tại Cồn Mỹ Phước, tỉnh Sóc Trăng

Việc sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện mô hình homestay và farmstay chưa đáp ứng điều kiện về việc đăng ký kinh doanh, chưa đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ.

Nhiều hộ gia đình kinh doanh một cách tự phát mà không tiến hành đăng ký với cơ quan chức năng, tự đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm kiếm khách du lịch.

Tại một số địa phương, việc kinh doanh theo mô hình du lịch homestay, farmstay một cách tự phát thiếu sự kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch dẫn đến các hộ gia đình, cá nhân lợi dụng để xây dựng các công trình kiên cố như nơi lưu trú, các công trình, vậy kiến trúc trên đất nông nghiệp phục vụ kinh doanh du lịch là không đúng quy định của Luật Đất đai và pháp luật có liên quan.

Thứ hai, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL chưa có hành lang pháp lý cụ thể để được hưởng các chính sách ưu đãi khi đầu tư nhằm phát triển bền vững, ổn định. Luật Du lịch 2017 chưa đề cập cụ thể loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng chưa được quy định cụ thể.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đề ra các chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ngày 20/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/08/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Du khách trải nghiệm du lịch trên sông nước tại ĐBSC

Để tạo hành lang pháp lý cho mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng hướng, đúng quy định và đảm bảo phát triển du lịch bền vững, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả cần bổ sung thêm quy định về loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn vào Luật Du lịch và quy định tiêu chuẩn cụ thể, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo các điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú, an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và phòng, chống cháy nổ… vừa đáp ứng nhu cầu tập trung phát triển du lịch vừa giữ vững bản sắc dân tộc.

Điều 9 Luật Đất đai năm 2024 quy định 3 nhóm đất gồm: đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác), đất phi nông nghiệp (đất ở; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp,…) và nhóm đất chưa sử dụng. Trong 3 nhóm đất trên không có nhóm đất sử dụng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do đó, cần bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đa mục đích nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa theo quy hoạch, phù hợp với quy định của pháp luật.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn là một loại hình du lịch có trách nhiệm, hỗ trợ cho các mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, phát triển cộng đồng, đã và đang đem lại những lợi ích kinh tế góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương nói riêng, toàn vùng ĐBSCL nói chung. Do đó, việc xây dựng các cơ chế mới để điều chỉnh loại hình du lịch này là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo thống nhất sự quản lý và phát triển bền vững.

Hôm nay (20/9), tại TP Cần Thơ, Báo Công lý phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL".

Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị:
1. Công ty TNHH Thẩm mỹ Linh Anh Sai Gon
2. Tập đoàn Vingroup-Công ty CP
3. Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Kim Thủy Lâm
4. Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu
5. Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank)

Tạ Tuấn