TP.HCM sẽ kiểm tra 'sức khoẻ' những cây cầu cao tuổi
TP.HCM sẽ tổng kiểm tra, rà soát 'sức khỏe' các cây cầu yếu, cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh, cầu sắt cũ đã hư hỏng sau sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn TP.HCM trong mùa mưa bão.
Động thái này được đưa ra sau sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) sau cơn bão Yagi.
Sở GTVT nhận định, việc tổng kiểm tra, rà soát "sức khỏe" các cây cầu yếu, cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh, cầu sắt cũ đã hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo đó, Sở đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện kiểm tra, khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng, cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn và hầm đường bộ trên bàn thành phố.
Trường hợp khi phát hiện công trình có nguy cơ sụp đổ, mất an toàn giao thông gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông phải thực hiện tạm dừng ngay việc khai thác công trình và có biện pháp ngăn chặn người, phương tiện lưu thông, cảnh báo, rào chắn công trình kịp thời; đồng thời có phương án tổ chức phân luồng giao thông tạm thay thế.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công lý, nhiều cây cầu tuổi thọ cao trên địa bàn hiện đã xuống cấp, giấy lên nỗi lo sợ cho người dân khi di chuyển qua khu vực này.
Như cầu Tân Thuận 1 dài 241m, rộng 8m, bắc qua kênh Tẻ (một nhánh của sông Sài Gòn) kết nối quận 7 và quận 4.
Với tuổi đời gần 120 năm, Tân Thuận 1 là một trong những cây cầu lâu đời nhất TP.HCM đến nay vẫn còn được sử dụng.
Tuy nhiên, qua thời gian dài đưa vào khai thác, cầu đang có dấu hiệu xuống cấp, nhiều hạng mục trên cầu đã gỉ sét, bị ăn mòn theo thời gian.
Bên hông thành cầu, hệ thống dây điện được cố định tạm bợ, bó cuộn chằng chịt, có nguy cơ rơi rớt khi mưa to gió lớn. Thậm chí, sau mưa lớn, mặt cầu còn xuất hiện tình trạng đọng nước.
Hay tại cầu Bình Triệu 1, nhiều hạng mục cũng đã xuống cấp, mặt cầu bong tróc, thành cầu rỉ sét... thời gian dài nếu không được duy tu, sửa chữa sẽ tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường.
Tương tự, cầu Rạch Đỉa, Rạch Dơi, Rạch Tôm là 3 cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) được xây dựng từ trước năm 1975 cũng đang xuống cấp vì gánh hàng ngàn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.
Thống kê của Sở GTVT cho thấy, đến cuối năm 2023, toàn thành phố có khoảng 200 cây cầu phục vụ người dân.
Trong đó, nhiều cây cầu có tuổi thọ cao như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)…
Hầu hết những cây cầu này được xây dựng từ trước năm 1975 và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần.