Bình Thuận: Khu du lịch Bàu Trắng nổi lên thành điểm đến hấp dẫn
Tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ tập trung khai thác du lịch dựa vào các lợi thế cốt lõi “Biển xanh – Cát trắng – Nắng vàng”. Và sau thành công của Khu du lịch Quốc gia Mũi Né (TP Phan Thiết), Bàu Trắng sẽ là địa danh tiếp theo được ưu tiên phát triển, để trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất.
Theo đánh giá của nhiều công ty lữ hành, Khu du lịch Quốc gia Mũi Né (TP Phan thiết, tỉnh Bình Thuận) dần trở thành một trong những lựa chọn nghỉ dưỡng hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Đến với “Thiên đường resort” Mũi Né, du khách được chiêm ngưỡng những đồi cát trắng mênh mông, vùng bờ biển trong xanh như ngọc, cùng nhiều điểm đến thú vị khác như: Bãi biển Mũi Né; đồi Cát Đỏ; làng chài Mũi Né; mũi Kê gà và hải đăng Kê Gà; suối Tiên; lâu đài rượu vang.
Một địa danh khác của tỉnh Bình Thuận là Bàu Trắng cũng đang nổi lên thành điểm du lịch không thể bỏ qua, vì sức hút của “Tiểu sa mạc Sahara” thật quá lớn. Khi đến đây, du khách sẽ có dịp thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo của “Biển xanh – Cát trắng – Nắng vàng”, được trải nghiệm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù mà ít nơi nào có được như: Thuê xe địa hình ATV; thuê xe Ô tô địa hình; cưỡi Lạc Đà; cưỡi Đà Điểu; trò chơi cưỡi Trâu; tham quan nơi sản xuất nước mắm; tham quan thắng cảnh; tham quan cánh đồng quạt gió; dựng lều, cắm trại.
Đặc biệt, với dịch vụ Jeep tour và Mô tô vượt địa hình, du khách sẽ hoàn toàn yên tâm, vui thú trải nghiệm vì có bảo hiểm an toàn và các “bác tài” cũng đều có bằng lái A2, B2 trở lên…
Bàu Trắng nằm cách TP Phan Thiết khoảng 60km về hướng Đông Bắc (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình). Địa danh này được xem là một trong những điểm du lịch “hot” nhất hiện nay. Giữa “Tiểu sa mạc Sahara”, du khách vẫn tìm thấy “ốc đảo xanh mát” tại Khu du lịch Sinh Thái Bàu Trắng hay Khu du lịch Bàu Trắng U&Me, vẫn được trải nghiệm cảm giác cưỡi lạc đà du ngoạn trong biển cát mênh mông và sở hữu những tấm ảnh cực kỳ sang chảnh, như đang tận hưởng kỳ nghỉ dài ở Trung Đông xa xôi.
“Khi đến Bàu Trắng mà du khách bỏ qua dịch vụ Jeep tour hay Mô tô vượt địa hình để “phượt” thì thật là thiếu sót. Dịch vụ xe khám phá ở khu du lịch Bàu Trắng ngoài chất thì còn “chiều khách” số 2 không ai số 1. Các “bác tài” không những tay lái đỉnh mà còn đảm nhận luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch, giúp du khách khám phá nhiều địa điểm mới lạ, tay nghề chụp hình thì khỏi phải bàn, chẳng cần lo không có hình check in Facebook”, du khách Nguyễn Thị Cẩm Vân chia sẻ kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Minh cho biết, Bình Thuận là tỉnh nằm trong cụm liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ 3 gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên; Bình Thuận với nguồn tài nguyên phong phú về biển, rừng, khoáng sản, suối khoáng, các khu bảo tồn thiên nhiên.
Bình Thuận hiện có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú và mang đặc trưng của vùng đất Nam Trung Bộ với nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa độc đáo được xếp hạng cấp quốc gia như: Tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Vạn Thủy Tú, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự, Linh Sơn Trường Thọ (chùa Núi Tà Cú). Trên địa bàn tỉnh có 35 dân tộc cùng sinh sống như: Dân tộc Kinh, Raglai, Hoa, Chăm, Giarai, Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng... với những nền văn hóa, phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống, lễ hội, lịch sử mang đậm bản sắc riêng.
Ngoài ra, Bình Thuận cũng là một trong những tỉnh phát triển ngành du lịch đầu tiên của Việt Nam, với những sản phẩm đặc trưng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận như: Thương hiệu nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, đồi cát bay Mũi Né, bãi đá Bảy Màu (Cà Dược), Resort - hotel nằm ven biển nhiều nhất, lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân, Rồng xanh dài nhất, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài nhất, diện tích trồng Thanh long nhiều nhất, nuôi trồng tảo quý Spirulina…
Dù vậy, du lịch tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số hạn chế như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, thiếu các dịch vụ hỗ trợ, phân tán nguồn lực đầu tư, trình độ nguồn nhân lực chưa cao. Đặc biệt, hệ thống sản phẩm du lịch hiện tại còn rời rạc, trùng lặp, chưa có sản phẩm đặc trưng, chưa khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thị trường vùng Nam Trung Bộ và phạm vi cả nước; Nhất là trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa phát triển nông thôn mới toàn diện theo định hướng của tỉnh và Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Việc xây dựng “Đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” sẽ giúp tỉnh Bình Thuận hệ thống hóa các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh đi vào chiều sâu, có trọng tâm, tạo sự tương đồng và khác biệt về sản phẩm.
Ngoài ra, Đề án này còn là một định hướng, để góp phần mời gọi đầu tư, ưu tiên đầu tư, phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước đưa ngành du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV).
Cụ thể, Bình Thuận sẽ quy hoạch lại không gian du lịch bài bản hơn, tránh tình trạng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng về biển, cảnh quan thiên nhiên, đặc trưng văn hóa để làm phong phú hơn các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch.