Ký sự pháp đình

An ninh được thắt chặt phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2

Minh Đức - Quang Trung 19/09/2024 - 08:05

Sáng nay (19/9), TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Theo ghi nhận, từ sáng sớm các lực lượng gồm: Cảnh sát giao thông, Công an, Cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ... được huy động làm nhiệm vụ phục vụ phiên tòa.

z5844834043610_ac0266b819bdcfd833888a9f6b73e0b7.jpg
Từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du đã có lượng lực chức năng đứng chốt.

Các lực lượng kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông.

Trước khu vực trụ sở TAND TP.HCM và các tuyến đường lân cận, lực lượng chức năng túc trực, rào chắn, những người không liên quan không được phép vào bên trong.

Phía bên trong phòng xử án, công tác chuẩn bị khai mạc phiên tòa đã được hoàn tất. Đến gần 7h sáng cùng ngày, các bị cáo được dẫn giải đến tòa.

Phiên tòa do Thẩm phán Nguyễn Thị Hà - Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM làm chủ tọa. Hợp thành HĐXX 5 người còn có Thẩm phán Vũ Hoài Nam và 3 hội thẩm nhân dân.

z5844834036402_671f266728f439d227012d360fc98bb7.jpg
An ninh, CSCĐ, CSGT, dân quân tự vệ... được bố trí túc trực trước cổng TAND TP.HCM.

Đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa có 5 kiểm sát viên gồm các ông: Vũ Tất Ba, Đào Lê Văn, Nguyễn Hồng Hiệp; bà Bùi Thanh Hằng và Lê Trương Hà Linh.

Tham gia phiên tòa còn có gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị hại. Tổng cộng 534 tổ chức, cá nhân được triệu tập với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

dsc_8305.jpg
Lực lượng giữ trật tự được bố trí trước cổng TAND TP.HCM.

Ông Phạm Ngọc Duy (Chánh văn Phòng TAND TP.HCM) cho biết, các khâu chuẩn bị cho phiên xét xử đã được hoàn tất.

TAND TP.HCM đã dựng rạp, bố trí ghế ngồi ở sân tòa cho gần 1.000 người, gồm: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và luật sư, lực lượng hỗ trợ phiên tòa.

Ngoài ra, phiên tòa còn sự tham dự của phiên dịch viên, đại diện cơ quan lãnh sự quán...

Đáng chú ý, trong vụ án này TAND TP.HCM sẽ xét xử vắng mặt đối với gần 35.824 bị hại.

Dự kiến phiên toà sẽ kéo dài tới ngày 19/10.

Trước đó, TAND TP.HCM đã phát đi nhiều thông báo đề nghị tất cả bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án theo dõi, đối chiếu thông tin trong danh sách người mua trái phiếu trong phụ lục kèm theo quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của TAND TP.HCM.

Một số hình ảnh trước cổng TAND TP.HCM:

dsc_8308.jpg
Phóng viên tập trung bên ngoài cổng TAND TP.HCM đợi đến giờ được vào trong tác nghiệp.
z5844834037741_7062a17648be0ffcd22d7ea4c1cb8b00.jpg
z5844834037939_29eafc2da7da461957c346c9aa41dddf.jpg
Một số phóng viên tranh thủ đưa tin bên ngoài TAND TP.HCM.
dsc_8331.jpg
An ninh được thắt chặt.
dsc_8334.jpg
dsc_8310.jpg
dsc_8312.jpg
dsc_8315.jpg

Bị cáo Trương Mỹ Lan là một trong 4 bị cáo bị VKSNDTC truy tố về cả 3 tội. Theo đó, trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Trương Mỹ Lan đã họp với các nhân sự chủ chốt của tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB để chọn và sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành 25 mã trái phiếu “khống”; không có tài sản đảm bảo; với mục đích để tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ.

Đối với 25 mã trái phiếu được phát hành bởi 4 công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, có giá trị là 30.869 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo rút tiền ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.

Đối với tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, cơ quan tố tụng cũng xác định được trong khoảng thời gian từ năm 2012-2020, 23 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại với tổng số tiền là 4,5 tỷ USD.

Với tội “Rửa tiền”, 445 tỷ đồng là số tiền được Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng nhiều phương thức để cắt đứt dòng tiền do phạm tội mà có. Trong đó, hơn 415.000 tỷ đồng là từ "rút ruột" SCB và 30.000 tỷ đồng là lừa đảo chiếm đoạt của nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu.

Minh Đức - Quang Trung