Vấn đề quan tâm

Phạm nhân là người đồng tính, chuyển giới có thể giam giữ riêng?

Nguyễn Cúc 18/09/2024 - 15:43

Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi. Trong đó đề xuất phạm nhân người đồng tính, người chuyển giới, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.

Cụ thể, Điều 33 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi nêu rõ, trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân như sau:

Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm;

phamnhan.jpg
Hình minh họa

Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại dưới 15 năm; phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành một phần hai thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án; Buồng kỷ luật đối với phạm nhân bị kỷ luật.

Trong các khu giam giữ trên, những phạm nhân được bố trí giam giữ riêng gồm: Phạm nhân nữ; Là người dưới 18 tuổi; Là người nước ngoài; Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;

Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam; Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.

Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.

Phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh hoạt. Căn cứ vào tính chất của tội phạm, mức hình phạt, đặc điểm nhân thân của phạm nhân, kết quả chấp hành án, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam quyết định việc phân loại, chuyển khu giam giữ.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về chế độ lao động của phạm nhân. Theo đó, phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam. Thời giờ lao động của phạm nhân không quá 8 giờ/1 ngày và 5 ngày trong 1 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

Trại giam phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.

Phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính; không được bố trí làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động.

Phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì tùy mức độ, tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động, giảm chỉ tiêu, định mức lao động.

Phạm nhân được nghỉ lao động trong trường hợp: Bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận; Đang điều trị tại cơ sở y tế;

Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh; Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định; Phạm nhân thực hiện các chế độ học tập, học nghề, chế độ gặp thân nhân, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự và chế độ liên lạc

Nguyễn Cúc