Tài sản riêng có bị xử lý cho khoản nợ chung của vợ chồng?
Không ít người vẫn nghĩ rằng tài sản riêng hình thành trong thời kỳ hôn nhân là độc lập và không được dùng để giải quyết các nghĩa vụ chung của hai vợ chồng. Trên thực tế, pháp luật lại có những quy định rất khác biệt và cụ thể cho từng trường hợp.
Chị Đoàn Ngọc Diễm (53 tuổi) ngụ tại TP.HCM chia sẻ: "Vợ chồng tôi có vay 6 tỷ từ ngân hàng để kinh doanh, thế chấp bằng 1 ngôi nhà. Hiện nay, chúng tôi đã mất khả năng trả nợ. Trong thời kỳ hôn nhân, tôi được bố mẹ tặng riêng cho một ngôi nhà trị giá 3 tỷ, liệu tài sản này có bị đem ra xử lý cho khoản vay"?
Theo Luật sư Nguyễn Hoài Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Nếu chị Diễm chứng minh được căn hộ này do ba mẹ tặng riêng cho mình thì đó vẫn hoàn toàn là tài sản riêng của chị. Tuy nhiên, ở trường hợp này, vợ chồng chị còn có nghĩa vụ trả nợ chung vì thế hướng xử lý có thể sẽ có phần khác biệt.
Căn cứ Khoản 1 Điều 37 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định, nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng là "Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm".
Cho nên, tại trường hợp của chị Diễm, khoản vay của vợ chồng chị với ngân hàng được hiểu là nợ chung của hai vợ chồng. Hiện anh chị đã mất khả năng thanh toán nên ngân hàng có quyền khởi kiện vợ chồng anh chị.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết và có thể buộc anh chị phải thanh toán đầy đủ cả tiền nợ gốc, tiền lãi và lãi quá hạn cho ngân hàng.
Về nghĩa vụ trả nợ, Tòa án có thể xác định mỗi người phải chịu trách nhiệm 50% số tiền nợ nói trên.
Do anh chị không còn khả năng thi hành bản án một cách chủ động nên cơ quan thi hành án dân sự có thể ra quyết định thi hành án mà theo đó, chị Đoàn Ngọc Diễm có thể sẽ bị buộc phải trả một nửa số tiền nợ trên. Khi đó, dù tài sản được ba mẹ tặng cho riêng chị Diễm vẫn có thể bị đem ra để thi hành án.
Với một câu hỏi khác về khoản nợ của chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì theo quy định pháp luật vợ có phải trả hay không?
Chị Hoàng Thanh Thủy (43 tuổi, ngụ Long An) hỏi:
“Tôi và chồng đã ly hôn được 5 tháng. Cách đây 2 tháng tôi được biết chồng tôi vay nợ hơn 1 tỷ đồng để cờ bạc, đá banh. Số nợ được vay khi chúng tôi chưa ly hôn và tôi không hề hay biết. Giờ chủ nợ kéo đến nhà tôi đòi. Xin hỏi vậy tôi có nghĩa vụ, trách nhiệm trả số nợ này không? Khi ly hôn chúng tôi đã phân chia tài sản chung rõ ràng”.
Căn cứ theo tại Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về “Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn.
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.”
Theo đó, khoản nợ được chồng chị vay trong thời kỳ hôn nhân. Nghĩa vụ trả nợ được xem là 1 trong các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.
Nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn.
Tuy nhiên, không phải bất cứ khoản nợ nào được hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều được xem là nợ chung của hai vợ chồng.
Vậy thì, trong thời kỳ hôn nhân những trường hợp nào có thể phát sinh nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng?
Căn cứ tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”
Bên cạnh đó, tại Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.”
Như vậy, tuy khoản nợ do chồng chị vay trong thời kỳ hôn nhân nhưng đây là giao dịch riêng của chồng chị, vì chồng chị không hề thông báo, cũng như thỏa thuận với chị về việc vay nợ.
Đồng thời, số nợ này được vay không vì nhu cầu của gia đình, việc cờ bạc của chồng chị còn được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, số nợ này là nợ riêng của chồng chị và chị Thủy không có nghĩa vụ trả nợ thay cho chồng.