Dâng hương Kỷ niệm 1983 năm Ngày Nữ tướng Lê Chân thắng trận
Sáng 17/9, Đoàn đại biểu TP. Hải Phòng và quận Lê Chân tổ chức Lễ dâng hương Kỷ niệm 1983 năm Ngày Nữ tướng Lê Chân thắng trận (15 tháng 8 Âm lịch).
Tham dự Lễ dâng hương có các ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các Ban, sở, ngành thành phố và quận Lê Chân.
Theo đó, Đoàn đại biểu TP. Hải Phòng và quận Lê Chân tới dâng hương tại đền Nghè - Di tích lịch sử được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1975, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân.
Đoàn tới dâng hương tại Di tích đình An Biên - là nơi thờ Nữ tướng Lê Chân. Năm 2009, đình An Biên đã vinh dự được nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, là nơi hội tụ và phản ánh cuộc sống, tình cảm và những nét văn hóa đặc trưng của con người đất Cảng.
Đoàn cũng tới dâng hương tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, tại khu vực dải Trung tâm thành phố. Tại đây, Đoàn thành kính tri ân công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân; đồng thời bày tỏ quyết tâm phát huy trí tuệ, đoàn kết thống nhất xây dựng thành phố, quận Lê Chân ngày càng phát triển.
Lễ dâng hương và các hoạt động lễ hội, kỷ niệm hàng năm tổ chức tại đền Nghè, Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân nhằm phát huy nét đẹp văn hóa, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân - Người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa (TP. Hải Phòng ngày nay) và đóng góp to lớn của Bà trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Tương truyền, Nữ tướng Lê Chân (20 - 43) quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Thủy An, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Sau khi cha mẹ Nữ tướng bị sát hại, bà phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm khai hoang đất đai, lập trại và đặt tên vùng này là An Biên trang.
Cùng với phát triển sản xuất, Nữ tướng đã chiêu mộ, quy tụ trai tráng để luyện binh, phục vụ bảo vệ đất nước. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Nữ tướng Lê Chân cùng nghĩa quân ở căn cứ An Biên đã lập nên chiến công vang dội.
Sau khi lập nhiều chiến công vang dội trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Nữ tướng Lê Chân được Trưng Vương phong chức “Chưởng quân binh quyền nội bộ”, giao trọng trách trấn giữ miền Hải Tần.
Năm 42, Mã Viện đưa quân sang xâm lược nước ta. Trước sự đàn áp mạnh của quân, tướng Mã Viện, Hai Bà Trưng phải lui về Cấm Khê (TP Hà Nội ngày nay), sau đó trầm mình xuống sông Hát tự vẫn.
Trước tình hình trên, Nữ tướng Lê Chân đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn (nay thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam) để tiếp tục khôi phục cơ đồ. Sau đó, Mã Viện tiếp tục quân tới tấn công, nghĩa quân ta chống trả quyết liệt, nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng, Nữ tướng Lê Chân đã lên núi gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết, quyết không sa vào tay giặc.
Để tri ân, tưởng nhó công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân, sau khi bà tuẫn tiết, nhân dân trang An Biên dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ (khu vực đền Nghè, quận Lê Chân, TP Hải Phòng ngày nay) để thờ phụng. Đến đời vua Trần Anh Tông, bà được phong là Thành hoàng xã An Biên huyện An Dương. Hàng năm, vào tháng 2 Âm lịch, TP Hải Phòng, quận Lê Chân và nhân dân địa phương lại tổ chức Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân.
Lễ hội được tổ chức nhằm phát huy những nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống; giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân - Người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, (TP. Hải Phòng ngày nay). Lễ hội đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện nay, TP Hải Phòng có một quận nội thành mang tên Lê Chân và Tượng đài Nữ tướng Lê Chân cũng trở thành một biểu tượng của thành phố.