Doanh nghiệp - Doanh nhân

Gói thầu 'nhiệt khí thải phát điện' của Vicem Bỉm Sơn: Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu 'chưa đạt' có bị coi là vi phạm?

K.Nguyên 16/09/2024 - 16:14

Bị Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn) đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật "không đạt", một nhà thầu đã liên tục có đơn kiến nghị và chỉ ra nhiều “lỗ hổng” trong quá trình lựa chọn nhà thầu, có thể dẫn đến sự thiếu khách quan, minh bạch trong việc thực hiện dự án đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước...

Nhà thầu bổ sung “Cam kết tín dụng” nhưng bị từ chối

Vicem Bỉm Sơn là công ty cổ phần với khoảng 75% phần vốn thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 29/3/2024, Công ty này đăng Thông báo mời thầu gói thầu “cung cấp thiết kế, vật tư - thiết bị, GCCT, xây lắp và dịch vụ kỹ thuật của dự án: Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện- Vicem Bỉm Sơn với trị giá gần 500 tỷ đồng (Gói thầu Nhiệt khí thải). Việc lựa chọn nhà thầu được tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, theo phương thức “1 giai đoạn hai túi hồ sơ”, đóng thầu 14h00 ngày 20/5/2024.

Tổng cộng, đã có 5 nhà thầu gửi hồ sơ dự thầu, nhưng sau bước “đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật”, chỉ có duy nhất một nhà thầu đáp ứng yêu cầu để vào “vòng trong” (đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính) là liên danh C-HOPE-NARIME.

nha-thau-kt.png
Liên danh nhà thầu C-HOPE-NARIME là nhà thầu duy nhất được chủ đầu tư đánh giá "đạt kỹ thuật".

Trong số 4 nhà thầu bị loại ở khâu đánh giá đề xuất kỹ thuật thì liên danh nhà thầu SINOMA-T&TCONS-PETROCONS (S-T-P) “không đạt” với lý do: Có một thành viên liên danh không đáp ứng về nguồn lực tài chính đối với phần công việc đảm nhận. Thành viên liên danh này đảm nhận 37,5% khối lượng công việc (thể hiện trong thỏa thuận liên danh) nhưng đã không đủ nguồn lực tài chính tương đương là 33,75 tỷ đồng. Cụ thể, Hợp đồng cấp hạn mức tín dụng (22 tỷ đồng) không có nội dung cấp tín dụng cho gói thầu Nhiệt khí thải và Hợp đồng này cũng đã hết hiệu lực từ 11/8/2024. Cùng với đó, số liệu kiểm kê tiền mặt không thống nhất.

bim-son.jpg
Trụ sở Vicem Bỉm Sơn

Ngay sau khi nhận được thông báo về kết quả đánh giá hồ sơ kỹ thuật, đại diện liên danh nhà thầu S-T-P đã có văn bản kiến nghị gửi Vicem Bỉm Sơn cho rằng, lý do họ “bị loại” là không đúng. Bởi, theo hồ sơ mời thầu và theo Luật Đấu thầu thì “nguồn lực tài chính” của nhà thầu thuộc nhóm tiêu chuẩn đánh giá về “năng lực và kinh nghiệm”.

Đồng thời, nội dung Hồ sơ mời thầu có nêu “Trường hợp hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực kinh nghiệm”. Theo đó, với trường hợp này, bên mời thầu phải có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu bổ sung làm rõ, để tăng tính cạnh tranh, công bằng và hiệu quả trong đấu thầu.

Thực hiện hướng dẫn tại Điều 28, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, trong thời gian Chủ đầu tư đánh giá hồ sơ dự thầu, đại diện liên danh nhà thầu S-T -P đã chủ động gửi Chủ đầu tư bổ sung tài liệu nhằm chứng minh năng lực kinh nghiệm (nguồn lực tài chính) gồm: Cam kết cung cấp tín dụng ngày 24/6/2024 của Ngân hàng cho gói thầu Nhiệt khí thải trị giá hơn 22,1 tỷ đồng; Biên bản kiểm kê tiền mặt ngày 25/4/2024 với số dư 28.230.606.500 đồng.

Với tài liệu này, đại diện liên danh nhà thầu S-T-P cho rằng, họ đáp ứng đủ năng lực tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Tuy nhiên, Vicem Bỉm Sơn đã không chấp nhận tài liệu trên vì cho rằng: Bản cam kết tín dụng của ngân hàng là “không hợp lệ”, vì được nhà thầu bổ sung mới sau thời điểm đóng thầu. Còn Bảng kiểm kê tiền mặt ngày 25/4/2025 là “không hợp lý”. Theo quy định tại khoản 1, Điều 28, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, thì “chỉ thiếu các tài liệu về tư cách hợp lệ, hợp đồng tương tự, năng lực sản xuất, báo cáo tài chính, nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế, tài liệu nhân sự, thiếu bị mới được phép làm rõ, bổ sung”.

Không đồng ý, liên danh nhà thầu S-T-P vẫn cho rằng, việc bên mời thầu không xem xét, đánh giá tài liệu trên là không đúng quy định nêu tại hồ sơ mời thầu, không đúng với quy định tại khoản 2, Điều 28, Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Vì những tài liệu nào để làm rõ “tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm” thì đều được phép bổ sung. Chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, đánh giá.

Kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu có lợi cho ai?

Cũng theo đại diện liên danh nhà thầu S-T-P, một lý do khiến họ bị “loại thầu” oan uổng là việc thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật kéo quá dài đến 89 ngày (từ 20/5 đến 19/8/2024), dẫn đến Hợp đồng tín dụng của họ bị quá hạn.

Đánh giá về vấn đề này, một số luật sư cho biết, khoản 6, Điều 16, Nghị định 24/2024/NĐ-CP, quy định: “Căn cứ quy mô, tính chất, tiến độ của dự án, gói thầu, người có thẩm quyền quyết định thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với mỗi gói thầu là số ngày tính từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả thời gian thẩm định”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Chủ đầu tư quy định rõ thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu Nhiệt khí thải là 120 ngày. Như vậy, đối với gói thầu trên, nếu thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu qua mạng được tính từ ngày 29/3/2024 (ngày đăng tải thông báo mời thầu và hồ sơ mời thầu) thì thời điểm kết thúc việc lựa chọn nhà thầu là 29/7/2024.

Tuy nhiên, đến ngày 19/8/2024, Chủ đầu tư mới có Quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Đồng nghĩa với việc, chỉ ở phần đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật thì đã bị quá thời điểm kết thúc việc lựa chọn nhà thầu khoảng 20 ngày (tính đến nay, thời gian lựa chọn nhà thầu cũng đã bị quá khoảng hơn 40 ngày).

120-ngay.png
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thể hiện thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu là 120 ngày

Như vậy, nếu việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật tiến hành sớm hơn và tuân thủ đúng thời hạn thì “Hợp đồng cấp hạn mức tín dụng” của Liên danh nhà thầu S-T-P vẫn còn hiệu lực và có thể được chấp nhận! Trao đổi với phóng viên về nội dung này, ông Phạm Văn Phương, Phó tổng Giám đốc Vicem Bỉm Sơn thừa nhận, “đúng là nếu Tổ đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện chấm thầu sớm hơn 8 ngày thì Hợp đồng tín dụng của liên danh nhà thầu S-T-P vẫn còn hiệu lực”.

Như vậy, trong vụ việc này, việc đánh giá “đạt” hay “không đạt” đối với nhà thầu sẽ bị phụ thuộc phần lớn vào việc tiến hành chấm thầu sớm hay muộn. Đây có phải là “kẽ hở” thể hiện sự thiếu khách quan hay không? Về câu hỏi này, ông Phạm Văn Phương cho rằng, “việc đánh giá là do đơn vị chấm thầu, Công ty không có có khả năng đánh giá hồ sơ thầu nên mới phải thuê đơn vị khác làm”.

Khi được phóng viên đề nghị cung cấp một số tài liệu liên quan đến quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, ông Phạm Văn Phương cho biết: "Hồ sơ vẫn đang do Tổ chấm thầu quản lý. Chúng tôi khẳng định việc tổ chức lựa chọn nhà thầu là đúng quy định và sẽ cung cấp hồ sơ sau khi kết thúc toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu"...

Tuy ông Phương khẳng định "đúng quy định", nhưng trong một văn bản trả lời nhà thầu vào ngày 5/9/2024, ông Lê Huy Quân (Quyền Tổng Giám đốc Vicem Bỉm Sơn) lại có văn bản thừa nhận: Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu “chưa đạt”. Cụ thể, văn bản này cho biết, “thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa đạt so với Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhưng vẫn trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu của các nhà thầu (180 ngày kể từ ngày đóng thầu) và không ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nhà thầu, bảo đảm công khai, minh bạch”...

vb-2.png
vb(1).png
Tại văn bản số 2503/XMBS-QLDA ngày 5/9/2024, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn cho biết, thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu “chưa đạt" so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Trước trả lời này, liên danh nhà thầu S-T-P cho rằng, không thể đánh đồng giữa "thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu "và "thời gian lựa chọn nhà thầu", đồng thời tiếp tục khẳng định, Chủ đầu tư đã có sự “vi phạm” (chứ không thể nói là “chưa đạt”) trong việc thực hiện quy định về thời gian lựa chọn nhà thầu, thể hiện sự thiếu bình đẳng, thiếu khách quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, khiến cho liên danh nhà thầu S-T-P gặp bất lợi. Đó là chưa kể những dấu hiệu không minh bạch trong việc niêm phong hồ sơ đề xuất tài chính, khiến cho việc lựa chọn nhà thầu không bảo đảm được sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch, cũng như không bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách Nhà nước. Vì vậy, cần sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm làm rõ những dấu hiệu khuất tất mà nhà thầu chưa được giải thích thỏa đáng.

Công lý sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của việc “chấm thầu” trong gói thầu gần 500 tỷ đồng nêu trên.

K.Nguyên