Siêu bão Yagi: Hiệu quả ứng phó từ sự chủ động vào cuộc và phối hợp liên ngành
Siêu bão Yagi đã cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa đã giúp giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra và chỉ ra những bài học kinh nghiệm quan trọng trong ứng phó bão, lũ.
Siêu bão Yagi (bão số 3) là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua. Chính vì vậy, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa và huy động được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở...
Thực hiện khối lượng công việc khổng lồ
Xác định bão số 3 là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công. Người dân cũng đã vào chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó. Tất cả sự đồng lòng trong thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để ứng phó với bão đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện, theo dõi sát tình hình kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo là phải chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất.
Thủ tướng Chính phủ và tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp tới tất cả các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ để cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; kịp thời động viên, thăm hỏi người dân vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Các Bộ, ngành, các địa phương cũng đã chủ động chỉ đạo, theo sát tình hình diễn biến bão, mưa lũ.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện, theo dõi sát tình hình kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo là phải chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất.
Trước khi bão vào Việt Nam, các lực lượng đã hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người và phương tiện, tàu vận tải hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, nhà yếu đến nơi an toàn. Khi bão vào gây mưa lũ, 74.526 hộ/130.246 người dân tại các vùng ngập sâu do lũ đã được di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Để ứng phó với bão số 3, lực lượng quân đội đã huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện ứng phó với bão; 107.911 lượt người và 2.142 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; lực lượng công an huy động hơn 150.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Các cấp chính quyền cơ sở, lực lượng xung kích, đoàn thanh niên… được huy động tối đa triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
Trong suốt thời gian ứng phó với bão và sau bão, các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với ngập úng, lũ lụt, đảm bảo an toàn các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu; tổ chức ứng trực vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tổ chức nhắn tin khẩn cấp đến người dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Trong đợt bão, lũ vừa qua các cơ quan chức năng đã triển khai 65,1 triệu lượt tin nhắn SMS và 115,3 triệu lượt tin nhắn Zalo nhằm cung cấp thông tin diễn biến cơn bão số 3, các nội dung cảnh báo mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các khuyến cáo kỹ năng ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.
Các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương đã vào cuộc rất tích cực, bám sát diễn biến, tăng thời lượng, tần suất đưa tin về thiên tai để kịp thời truyền tải đầy đủ các thông tin về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp có thẩm quyền đến người dân và hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Người đứng đầu có vai trò quyết định trong ứng phó thiên tai
Mặc dù công tác ứng phó với bão số 3 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện khẩn trương nhưng sức tàn phá của cơn bão lớn vẫn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Những bài học kinh nghiệm cho công tác ứng phó với bão, lũ cũng được đúc rút từ thực tế ứng phó với siêu bão.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương. Đặc biệt, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.
“Điển hình như anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất hay 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng.
Để khắc phục tư tưởng chủ quan trong ứng phó với bão lũ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo cần thay đổi theo hướng phải được đưa ra bằng những hình ảnh minh hoạ dễ hiểu, thể hiện tác động cho từng đối tượng (nhà ở, cây xanh, tàu thuyền…). Việc minh hoạ cụ thể sẽ giúp hiểu biết rõ hơn về mức độ tàn phá của bão lũ, từ đó nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền.
Vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan
Kinh nghiệm triển khai trong thực tế cho thấy công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình thực hiện trong tổ chức chỉ đạo, nhất là tình huống khẩn cấp cần xử lý ngay.
Trong công tác khắc phục hậu quả, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp từ trung ương, địa phương, các tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài trong công tác khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất; hướng dẫn kịp thời các giải pháp cụ thể, phù hợp trước mắt và lâu dài đối với từng khu vực, từng đối tượng thiệt hại để khắc phục nhanh, trong đó ưu tiên công trình phòng, chống thiên tai theo hướng xây dựng lại tốt hơn để phát triển bền vững.
Cần lập bản đồ cảnh báo thiên tai chi tiết đến cấp thôn, bản
Bên cạnh việc cần tiếp tục ứng phó khẩn cấp với mưa lũ, sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, các giải pháp căn cơ, lâu dài trong ứng phó với bão, mưa lũ cũng đã được đưa ra.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng công tác dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cần được tăng cường, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất; cần hoàn thành phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh cần xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu; xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới.
Đối với việc quản lý, vận hành các hồ chứa nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị rà soát, sửa đổi các bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình (thời gian mùa lũ, quy định về tích nước sớm, quy định, quy trình trong tình huống khẩn cấp); củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ hồ chứa; vận hành hiệu quả, an toàn công trình hồ chứa và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa quan trọng đặc biệt: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang theo quy định.
Cần hoàn thành phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan
Về bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định của Luật Đê điều và Nghị Quyết 24-NQ/TW, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng cần bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, trước hết cho sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu và các sông lớn khác; mở rộng khẩu độ thoát lũ các công trình qua sông, suối không đảm bảo khả năng thoát lũ; thanh thải vật cản dòng chảy trên sông, suối để phòng ngừa nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét.
Các địa phương cũng cần tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Đối với hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất cần tu bổ, nâng cấp, nhất là các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển đảm bảo chống chịu được với các trận bão rất mạnh như bão số 3 và kiểm tra, rà soát, có phương án xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí bị sự cố trong đợt mưa lũ vừa qua.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trước mắt, đối với vùng đồng bằng, ven biển cần tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều sông Hồng-Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ vì hiện nay, lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao (báo động 3, trên báo động 3), uy hiếp đến an toàn hệ thống đê điều; các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác hộ đê, xử lý kịp thời các sự cố đê.
"Chúng ta tránh tình trạng chủ quan, lơ là vì khi lũ rút cũng sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê. Sau khi lũ rút, tập trung xử lý các sự cố đê điều để đảm bảo an toàn chống lũ," Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.