Nghiệp vụ

Hiểu thế nào là "người già yếu” trong pháp luật hình sự?

Mai Đỉnh 15/09/2024 - 06:43

TANDTC vừa có văn bản trả lời cử tri nhằm làm rõ về khái niệm "người già yếu" để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Bộ luật hình sự

Mới đây, TANDTC đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời kiến nghị của cử tri về nội dung: Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, tình tiết "phạm tội với người già yếu" được quy định là tình tiết định khung của một số tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản giải thích thế nào là "người già yếu". Cử tri kiến nghị sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Luật.

bao-hanh-nguoi-gia-16850018101601326549518.jpg
Tình tiết "phạm tội với người già yếu" được quy định là tình tiết định khung của một số tội phạm (ảnh minh họa)

Về kiến nghị trên, TANDTC cho biết:

Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (Nghị quyết số 41/2017/QH14), thời gian qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

Trong đó, Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP ngày 10/6/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, đã hướng dẫn tình tiết "Đã quá già yếu" như sau:

"Đã quá già yếu" quy định tại Điều 64 của Bộ luật Hình sự là người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Từ đủ 70 tuổi trở lên; b) Từ đủ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau, phải nằm điều trị tại bệnh viên liên tục từ 03 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ 03 lần trở lên (mỗi lần từ 01 tháng trở lên), không có khả năng tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên hoặc bệnh viện.

TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Thông tư liên tịch số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 11/10/2021 (quy định phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại) đã hướng dẫn trường hợp "Người đã quá già yếu" như sau: "Người đã quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau".

TANDTC cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn xét xử để ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về các vấn đề vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xét xử để thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao cho TANDTC tại Nghị quyết số 41/2017/QH14.

Mai Đỉnh