Cán bộ TAND hai cấp tỉnh Yên Bái chịu nhiều thiệt hại hậu siêu bão Yagi
Yên Bái là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của bão số 3 – siêu bão Yagi. Mưa lũ đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, làm hư hỏng về nhà ở, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, nước, thông tin liên lạc.
Ảnh hưởng nặng nề của bão lũ
Cầm trên tay chiếc bếp ga còn nguyên hộp và bình ga đi kèm tại trụ sở TAND tỉnh Yên Bái, chị Đỗ Thu Hương, Phó Chánh tòa Tòa Hình sự, TAND tỉnh Yên Bái ân cần trao cho đồng nghiệp mình là anh Đỗ Nam Thái - Kế toán trưởng TAND tỉnh Yên Bái món quà chị tự bỏ tiền ra mua hỗ trợ cho đồng nghiệp của mình.
Nhà anh Thái bị ngập nước hoàn toàn, gia đình phải di tản từ mấy hôm trước, tất cả tài sản đều bị nước nhấn chìm làm hư hỏng nhiều ngày nay.
Trong tâm trạng mệt mỏi, nhiều đêm không được ngủ, anh Thái chia sẻ, gia đình phải chuyển tạm ra khu nhà công vụ tại trụ sở để tá túc, chờ khi nước rút hết, thu dọn bùn đất, mua sắm đồ đạc sinh hoạt mới chuyển về ở được, cuộc sống gia đình bị đảo lộn nhiều sau mưa lũ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Phạm Hồng Quân - Phó Chánh án TAND tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, trụ sở làm việc và chỗ ở của nhiều cán bộ, công chức công tác tại hệ thống tòa án hai cấp tỉnh Yên Bái nằm trong khu vực bị ngập lụt nặng, bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở phải di rời.
Ngay sau khi nước rút, TAND tỉnh Yên Bái đã thống kê sơ bộ những thiệt hại do bão lũ gây ra. Trụ sở làm việc không bị thiệt hại về hạ tầng, cơ sở vật chất, không bị thất lạc, ướt, hỏng hồ sơ, giấy tờ. Trước khi bão lũ về, ban lãnh đạo TAND tỉnh Yên Bái đã tổ chức cán bộ, công chức chủ động chằng chống, phát quang cây xanh, chuyển tài liệu hồ sơ lên các tầng cao, nên không có thiệt hại nào đáng kể.
Theo ông Quân, TAND tỉnh Yên Bái có 37 cán bộ, rất may mắn không có thiệt hại về người, nhưng hầu hết các cán bộ, công chức và người thân đều bị thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng của lũ bão, trong đó, 22/37 cán bộ có nhà ở bị ngập lụt và sạt lở, 3 Thẩm phán có nhà ở bị ngập nặng. Nhà của đồng chí Lê Thái Hưng - Chánh án TAND tỉnh Yên Bái cũng bị nước lũ làm ngập hoàn toàn tầng 1.
“Tối hôm nước dâng, đồng chí Hưng vẫn phải trực tại trụ sở cơ quan, đến sáng hôm sau mới nhờ người phá cửa đưa con gái và hai cháu ngoại ra khỏi nhà được”, ông Quân chia sẻ.
TAND TP. Yên Bái có 13 cán bộ, công chức nhà bị sạt lở và ngập lụt. Đối với TAND các huyện có con số sơ bộ như sau: huyện Văn Chấn 5 cán bộ, công chức; huyện Lục Yên 8 cán bộ, công chức; huyện Yên Bình có 2 cán bộ, công chức; huyện Văn Yên có 5 cán bộ, công chức có tài sản, nhà cửa bị ngập lụt, sạt lở, còn một số huyện tính đến thời điểm ngày 12/9 vẫn bị chia cắt, mất liên lạc mất nên chưa thể thống kê sơ bộ.
Nhiều phương tiện và tài sản bị cuốn trôi hoặc gây hư hỏng, gây thiệt hại trực tiếp tới cán bộ, công chức TAND tỉnh Yên Bái. Theo thống kê, có khoảng hơn 10 xe ô tô, vài chục xe máy và các thiết bị gia dụng như tivi, tủ lạnh, hệ thống điện trong nhà đều bị hư hỏng.
Đoàn kết, tương trợ vượt qua bão lũ
Ông Phạm Hồng Quân - Phó Chánh án TAND tỉnh Yên Bái cho hay, ngay sau khi mưa lũ giảm, nước rút, đường phố ngừng ngập lụt, TAND tỉnh Yên Bái đã thành lập 4 tổ công tác, lực lượng nhân sự là cán bộ, công chức của với tinh thần “nhà thiệt hại ít hỗ trợ nhà thiệt hại nhiều” để giúp các đồng nghiệp, người dân dọn dẹp nhà cửa, bùn đất để cuộc sống sinh hoạt nhanh chóng ổn định.
Trong buổi làm việc với TAND tỉnh Yên Bái, nhóm phóng viên Báo Công lý đã đồng hành cùng lực lượng công đoàn của đơn vị có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Xuân Hương, Tổ trưởng Tổ HCTP, TAND tỉnh Yên Bái. Nhà chị Hương thuộc khu vực chính quyền địa phương vận động di dời, vì có nguy cơ sạt lở cao. Nhiều anh em đồng nghiệp đã có mặt từ sáng sớm để giúp gia đình di chuyển đồ đạc, vật dụng đến nơi ở mới.
Với trường hợp anh Đỗ Nam Thái, nhiều ngày qua, gia đình anh đã không được về nhà do nước lũ chưa rút, mọi vật dụng trong gia đình bị ngâm trong nước lũ.
“Ngay cả bộ quần cáo trên người tôi đang mặc cũng không phải của tôi. Anh em trong cơ quan mỗi người một chân, một tay giúp đỡ thu dọn, mua sắm đồ đạc cơ bản để gia đình tôi nhanh chóng ổn định cuộc sống”, anh Thái gượng cười chia sẻ với nhóm PV Báo Công lý.
Cũng trong buổi làm việc với TAND tỉnh Yên Bái, nhóm PV Báo Công lý đã đến thăm nhà anh Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ TAND tỉnh Yên Bái ở phường Nam Cường, TP. Yên Bái - là khu vực bị ngập lụt đầu tiên và ngập nặng của thành phố. Chia sẻ với PV, anh Hùng cho biết các phương tiện đi lại của gia đình anh bị thiệt hại, đồ đạc sinh hoạt bị hỏng toàn bộ.
“Chắc phải mất một tuần mới có thể dọn dẹp, lau chùi bùn đất xong. Hiện, vợ chồng tôi và các con phải ở tạm nhà người quen gần đây”, anh Cường nói.
Mặc dù chính gia đình và người thân chịu thiệt hại của bão lũ. Tuy nhiên, nhiều cán bộ thuộc TAND tỉnh Yên Bái còn chưa kịp về dọn dẹp nơi ở của mình mà tham gia Ban chỉ đạo khắc phục bão lũ giúp người dân tại các địa phương khác.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 12 giờ ngày 14/9, bão số 3 đã khiến 54 người tử vong và mất tích, 36 người bị thương; 25.000 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 224 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 232 nhà bị hư hỏng nặng, phải di dời khẩn cấp 201 nhà, còn lại là tốc mái.
Đặc biệt đã có 1.594 nhà bị sạt lở, taluy ảnh hưởng; bị thiệt hại do ngập nước là 22.451 nhà; các tuyến đường giao thông cơ sở bị sạt lở trên 1.000 điểm với tổng khối lượng đất đá khoảng 1.082.000 m3. 179 công trình thủy lợi bị hư hỏng và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng khác… Ước thiệt hại theo thống kê sơ bộ đến thời điểm này là 1.240 tỷ đồng.