Môi trường

Phút "sinh tử" ở Thủy điện Thác Bà

Tuấn Dũng - Đức Sơn - Minh Lý 14/09/2024 19:57

Trước tình hình nguy cấp khi lượng nước đổ về liên tục vượt ngoài sức tưởng tượng, đã có lúc những người vận hành Thủy điện Thác Bà phải chuẩn bị cho phương án xấu nhất - vỡ đập, miền Bắc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lượng nước rất lớn của hồ chứa Thủy điện Thác Bà.

thuy-dien-1-.png
thuy-dien(1).png
1-1-(1).png

Hồ Thác Bà là một trong những hồ nhân tạo với vẻ đẹp thơ mộng nằm ở địa giới hai huyện Lục Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hồ nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 180km về phía Tây Bắc. Hồ có tổng diện tích khoảng 23.400 ha, với kết cấu gồm 1 đập chính và 18 đập phụ, mực nước dao động từ 46-58m, chứa được từ 3-3,9 tỉ mét khối nước.

Các góc nhìn tại Thủy điện Thác Bà.

Nguồn nước của hồ chủ yếu đến từ dòng sông Chảy và các nguồn từ ngòi Hành, ngòi Cát… đổ về. Hồ được xây dựng phục vụ công trình thủy điện Thác Bà - “cánh chim đầu đàn” của ngành thủy điện Việt Nam. Đây là công trình được Nhà nước Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô xây dựng từ năm 1952 và hoàn thiện năm 1971.

Tại thời điểm lên kế hoạch xây dựng, các chuyên gia tính toán số liệu các đợt lũ lịch sử đã từng xuất hiện trên sông Chảy để thiết kế công trình hệ thống đập và Nhà máy thủy điện Thác Bà. Trong đó, mức lũ cao nhất từng ghi nhận là 4.000m3/s, vì vậy, 3 cửa xả mặt cùng với các tổ máy được thiết kế và thi công, xây dựng với khả năng xả tối đa là 3.000m3/s, đủ để ứng phó với mức lũ nói trên.

Thế nhưng, bão số 3 (siêu bão Yagi) đã phá tan mọi hiểu biết thông thường, càn quét toàn bộ các con số “cực đại” từng ghi nhận trong lịch sử, chính thức đánh bật vị trí trí số 1 của những “siêu bão” từng đổ bộ vào Việt Nam như Haiyan (2013), Nuru (2020).

Sức mạnh của dòng nước sông Chảy.

Trước khi đổ bộ vào Việt Nam, siêu bão Yagi đã được các chuyên gia trong nước và thế giới đánh giá là “siêu bão mạnh nhất khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương” trong năm 2024. Vùng gió của cơn bão này mạnh trên cấp 8 với bán kính lên tới 250km. Vùng gió cực mạnh lên tới cấp 12 kéo dài 80km xung quanh tâm bão.

Tại thời điểm di chuyển vào biển Đông, dù đã càn quét đảo Hải Nam (Trung Quốc), siêu bão Yagi vẫn "bướng bỉnh", không suy yếu mà tiếp tục duy trì sức mạnh của một cơn bão cấp 16, giật cấp 17, chính thức trở thành siêu bão mạnh nhất 30 năm qua đổ bộ vào Việt Nam.

Để ứng phó với siêu bão Yagi, lần đầu tiên trong lịch sử, Quảng Ninh, Hải Phòng ban hành cảnh báo thiên tai cấp độ 4.

Ngày 7/9, Yagi đánh thẳng vào hai tỉnh, thành phố ven biển nói trên, chính thức mở đầu chuỗi ngày reo rắc tai họa, gây ra khung cảnh hoang tàn, đau thương và đầy nước mắt cho miền Bắc Việt Nam.

Sau khi tàn phá khu vực đồng bằng sông Hồng, siêu bão Yagi suy yếu và chỉ còn hoàn lưu, trút xuống toàn bộ miền Bắc những cơn mưa dày đặc, trắng xoá cả bầu trời. Cũng từ lúc những hạt mưa trút xuống, cuộc đối đầu “sinh tử” giữa đập Thủy điện Thác Bà và siêu bão Yagi bắt đầu.

2-1-(1).png

Sáng 13/9, nhóm phóng viên Báo Công lý có mặt tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Lúc này, các tổ máy và cửa xả vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất. Tiếng sóng vỗ như tiếng pháo nện vào hai bên bờ sông Chảy, bọt nước bắn tung lên bờ, Nhà máy phải căng dây để ngăn người dân sống gần khu vực đập tới gần.

Cận cảnh Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

Bên trong trụ sở điều hành Nhà máy là khung cảnh làm việc bận rộn và gấp rút, người xếp đồ, người gọi điện báo cáo số liệu, người ghi nhận hồ sơ kiểm tra các khu vực của đập thủy điện từng giờ, từng phút.

img_3070.jpg
Trụ sở Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà.
z5829987499586_7ada98a4b892167dc2b11e1aa8683248.jpg
Hình ảnh hồ sơ, tài liệu của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà được sắp xếp để di chuyển lên cao trước thời điểm "sinh tử".

Sau ít phút chờ đợi, chúng tôi gặp gỡ với ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà. Ông Cường chia sẻ, sau hơn 3 ngày đêm không ngủ, ông mới chợp mắt được vài tiếng vào đêm qua.

img_3017.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà chia sẻ với phóng viên về những khoảnh khắc căng thẳng, áp lực nhất.

Theo ông Cường, suốt những ngày qua, tình hình ở Nhà tháy Thủy điện Thác Bà lúc nào cũng trong tình trạng “căng não”. Do ảnh hưởng hoàn lưu của siêu bão Yagi, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có Yên Bái bắt đầu xuất hiện mưa lớn trên diện rộng.

Ngày 6/9, để ứng phó với siêu bão Yagi, Thủy điện Thác Bà đã tiến hành mở xả đáy với công suất 1000m3/s. Mức xả này được duy trì liên tục suốt 3 ngày cho tới rạng sáng 9/9 theo Công điện chỉ đạo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Chúng tôi ghi nhận vào khoảng 0h ngày 9/9 cho tới sáng, mực nước tăng đột biến. Chỉ vài tiếng trước thời điểm này, lượng nước đổ về hồ chỉ loanh quanh khoảng 500m3/s. Đùng một cái, trời đổ mưa rất to. Mực nước đổ về từ 500m3/s tăng chóng mặt lên các mốc 2.000, rồi 3.000, đỉnh điểm là khoảng 4.000-4.500m3/s”, ông Cường nhớ lại phút giây bắt đầu tình trạng “cân não”.

img_3169.jpg

img_3154.jpg
Dòng sông trắng xóa trước sức mạnh của nước đổ từ Nhà máy.
img_3165.jpg
Góc nhìn từ Nhà máy Thủy điện Thác Bà.
img_3086.jpg
Mực nước tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà ngày 13/9.
img_3083.jpg
Những dòng nước cuộn chảy, bọt tung trắng xóa, "gầm thét"
img_3153.jpg
Các tổ máy và cửa xả hoạt động hết công suất.

Ngay trong đêm đó, tất cả các thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thuộc Công ty đã được triệu tập tại trụ sở để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Tình huống nguy cấp được báo cáo đến Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai. Nhận được báo cáo, Cục đã lập tức yêu cầu mở toàn bộ công suất cửa xả đáy.

“Trước đó, chúng tôi đã cảnh báo tới chính quyền địa phương và nhân dân về việc Nhà máy có thể sẽ xả lũ với lưu lượng lớn với công suất từ 1.800-2.200 m3/s. Khi Cục yêu cầu xả đáy, dù có công điện nhưng chúng tôi cũng không thể xả vào giữa đêm khi nhân dân đang ngủ, nên giờ xả lũ được xác định là 6 giờ sáng 9/9.

11(1).png
img_3054.jpg
Mực nước sát mép đường khu vực Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà ngày 13/9.

Để đảm bảo an toàn tối đa cho bà con trước khi xả lũ, ngay trong đêm, chúng tôi đã gửi các văn bản, các thông báo gửi vào các hội, nhóm zalo của các huyện, xã, thị trấn. Ngoài ra, chúng tôi còn huy động 2 xe gắn loa phóng thanh, chạy hai bên bờ từ 3 giờ sáng 9/9 để thông báo cho bà con di dời”, ông Cường kể lại cuộc chạy đua giữa đêm.

Đúng 6 giờ sáng 9/9, người dân một số xã, thị trấn thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã di chuyển đến nơi an toàn, các tổ máy của Thủy điện Thác Bà chạy hết công suất, cửa xả mở tối đa, công cuộc xả lũ để ngăn chặn thảm họa bắt đầu.

3-1-(1).png

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, với công suất tối đa của công trình từ lúc bắt đầu mở cửa xả lũ, cả 3 cửa xả đạt công suất khoảng hơn 2.600m3/s, trong khi mực nước đổ về vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao là khoảng 4.000-4.500 m3/s.

“Như vậy có nghĩa là chúng tôi xả hết công suất vẫn không bằng mực nước đổ về, đồng nghĩa với việc là lượng nước trong hồ vẫn tăng lên, toàn bộ kết cấu công trình đập thủy điện vẫn đang bị đe dọa”, ông Cường cho hay.

Cuộc chiến giằng co giữa lượng nước về và lượng xả lũ kéo dài từ 0 giờ ngày 9/9, cho tới 9 giờ ngày 10/9. Lúc này, nước đổ về hồ đạt mức cực đại 5.620m3/s, gần gấp đôi so với công suất tối đa của 3 cửa xả đáy, cũng là lúc mực nước trong hồ đạt con số 59,28m, vượt mức Báo động 1 - 58,85m, chính thức báo động nguy cơ ở đập thủy điện.

img_3132.jpg
img_3091.jpg
img_3125.jpg
14(1).png
Một số hình ảnh tại khu vực Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

“Đây cũng là lúc mà chúng tôi phải đưa ra những quyết định để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đối với Thủy điện Thác Bà. Cũng lúc này, mạng xã hội xuất hiện những tin đồn về việc vỡ đập Thác Bà, gây hoang mang trong dư luận và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều này khiến chúng tôi vừa phải ứng phó với tình huống khẩn cấp, vừa phải kết nối tới các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, truyền thông để đính chính tin đồn thất thiệt, rất vất vả”, ông Cường nhớ lại.

Trưa 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lúc thị sát tình hình lũ lụt ở tỉnh Bắc Giang đã dừng lại để tham gia họp trực tuyến, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ với các điểm cầu Trụ sở Chính phủ, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Cũng trong cuộc họp, tình trạng nguy cấp của hồ Thác Bà được báo cáo tới Thủ tướng.

Đối mặt với nguy cơ hồ Thác Bà “vỡ trận”, rất có khả năng toàn bộ miền Bắc sẽ chìm trong biển nước, tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh sản xuất khác, những quyết định quan trọng được Thủ tướng đưa ra. “Lá bài tẩy” con đập số 4 bất kỳ lúc nào cũng có thể được sử dụng.

Vấn đề là ngoài việc chuẩn bị “dự lệnh” cho việc phá con đập số 4, thì thực tế cho thấy trước khi triển khai phương án, chính quyền địa phương phải khẩn cấp di dời người dân của hơn 1.000 hộ nằm trong hướng nước chảy khi phá con đập số 4 và tổng số 3.186 hộ dân có thể bị ảnh hưởng tới nơi an toàn. Đây là công tác khẩn cấp, cần phải thực hiện ngay lập tức trước khi “dự lệnh” trở thành “động lệnh”.

12(1).png
Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

13 giờ chiều 10/9, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái và sự chỉ đạo của Trung ương, hàng nghìn hộ dân thuộc các xã, thị trấn gồm Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh, Thác Bà của huyện Yên Bình đã được di chuyển tới nơi an toàn.

Tối 10/9, báo cáo ghi nhận mực nước trong hồ đã vượt mức Báo động 2-59,65 m. Thủy điện Thác Bà đã lập tức báo cáo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời thông báo cho UBND các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang để nắm được tình hình khẩn cấp của hồ Thác Bà. Nếu như mực nước tăng, việc phải phá đập phụ số 4 sẽ đổ một lượng nước lớn về phía hạ du các tỉnh nói trên, dẫn tới lũ lụt dâng cao.

Đêm 10/9, cả Yên Bái căng thẳng, người dân toàn miền Bắc theo dõi sự kiện này nín thở, “dự lệnh” của Chính phủ rất có khả năng thành “động lệnh” khi nước đổ về hồ tiếp tục tăng, giữa mức Báo động 2 và Báo động 3 tại hồ Thác Bà.

“Không một ai trong chúng tôi dám ngủ. Các số liệu được cập nhật theo từng phút. Tình huống xấu nhất đã được dự đoán, nhưng không ai trông mong việc phải phá đập phụ. Để chuẩn bị cho phương án đó, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương và quân đội túc trực, đưa máy móc, cơ giới, trang thiết bị, phong tỏa hoàn toàn con đập số 4 từ khi Thủ tướng thông qua phương án. Chỉ chờ đợi lệnh”, ông Cường chia sẻ.

13(1).png
Sự tập trung cao độ hiện trên gương mặt cán bộ, công nhân viên Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà khi đảm nhận những trách nhiệm quan trọng.

Trong những giờ phút đối đầu kịch tính, giữa lằn ranh “sinh tử” không chỉ của hệ thống Thủy điện Thác Bà, mà còn là sự an nguy tính mạng của hàng nghìn người dân chịu ảnh hưởng của mưa lũ, tín hiệu tốt xuất hiện - mưa bắt đầu giảm mạnh cho tới khi ngừng hẳn vào các ngày sau đó. Tín hiệu tốt này được Tổng Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận thông qua việc quan trắc khí tượng đầu nguồn.

22h30 đêm 10/9, sau nhiều thời gian dao động ở mức 4.000-4.500m3/s, lượng nước đổ về hồ giảm xuống mức 3.750m3/s.

1 giờ sáng 11/9, lưu lượng nước đổ về hồ giảm xuống mức 3.600m3/s.

10 giờ sáng 11/9, mực nước trong hồ bắt đầu giảm xuống mốc 59,83 - dưới Báo động 2.

11 giờ sáng 11/9, lưu lượng nước đổ về hồ giảm xuống mức 3.180m3/s - tương đương với mức xả của 3 cửa đáy thuộc Thủy điện Thác Bà.

Như vậy, Thác Bà đã đứng vững. Tờ “dự lệnh” đặt trên bàn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã may mắn không trở thành “động lệnh”.

e-magazine.png

Trên quãng đường chúng tôi rời khỏi khu vực Thủy điện Thác Bà, vẫn có những đoạn đường bị ngập, úng nước, sạt lở, vẫn có những khu vực cấm người và phương tiện qua lại, thậm chí là cấm cả tuyến đường. Thế nhưng, đã có sự khác biệt với những ngày đầu chuyến công tác tới Yên Bái của chúng tôi, người dân ở một số địa bàn đang dọn dẹp nhà cửa, bắt đầu quay lại cuộc sống yên bình thường nhật; không còn cảnh chạy lũ, không còn những lời cầu cứu hay những tiếng gọi xé lòng giữa đêm mưa bão.

Thực hiện: Tuấn Dũng - Đức Sơn - Minh Lý

Tuấn Dũng - Đức Sơn - Minh Lý