Việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa được quy định thế nào?
TANDTC vừa ban hành Công văn 156/TANDTC-PC trả lời kiến nghị của cử tri gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu về nội dung quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại phiên tòa.
Công văn cho biết, TANDTC nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 với nội dụng kiến nghị: “Đề nghị xem xét bỏ quy định cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại phiên tòa, trừ những trường hợp thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng của quốc gia.”, TANDTC xin được trả lời như sau:
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (ngày 24/6/2024), Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND. Theo đó, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 141, Luật Tổ chức TAND quy định:
“3. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, được thực hiện như sau:
a) Việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp;
b) Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định;
c) Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
4. Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, nội dung quy định về việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa tại Điều 141 Luật Tổ chức TAND nêu trên vừa bảo đảm được quyền con người, quyền công dân, vừa bảo đảm cho phiên tòa, phiên họp được tiến hành đúng pháp luật, chất lượng, trang nghiêm, công khai, minh bạch.