Vị Thẩm phán đam mê giải quyết án dân sự
Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, Thẩm phán Lâm Cao Sơn, TAND quận 8, TP.HCM đã giải quyết án đạt tỷ lệ gần 100%, không có án hủy trong suốt 3 năm được bổ nhiệm làm Thẩm phán.
Trưởng thành từ công tác Đoàn
Thẩm phán Lâm Cao Sơn sinh năm 1985, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Ninh Bình, sau khi trúng tuyển đại học, ông một mình vào TP.HCM học tập và tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP.HCM. Năm 2009, ông về công tác tại TAND quận 8, TP.HCM cho đến nay.
Với nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm đam mê nghề, quá trình công tác, ông luôn cần mẫn với công việc được giao, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận.
Tham gia công tác Đoàn tích cực, ông được các đoàn viên tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư 2 nhiệm kỳ và 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi đoàn TAND quận 8. Trong thời gian này, Chi đoàn TAND quận 8 hoạt động năng nổ, tích cực, luôn đạt danh hiệu chi đoàn xuất sắc, vững mạnh. Bản thân ông được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.
Thẩm phán Lâm Cao Sơn chia sẻ, thời gian làm công tác Đoàn, đã giúp ông có được nhiều bài học để trưởng thành. Đoàn là môi trường tốt để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, khơi dậy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến của đoàn viên, thanh niên.
Trong công tác chuyên môn, ông làm Thư ký cho 3 Thẩm phán, là những Thẩm phán rất kỹ tính nhưng rất giỏi, nhờ đó, ông học hỏi được rất nhiều điều. Xuất thân từ gia đình không có điều kiện về vật chất nên bản thân ông luôn tự nhủ và ý thức phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì thế, ông chịu khó học hỏi, tìm tòi nghiên cứu pháp luật, chuyên tâm vào công việc để nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ.
Mặc khác, từ công tác Đoàn đã giúp ông có mối quan hệ tốt với các cơ quan, ban ngành của quận, nhất là các bạn cùng sinh hoạt đoàn trước đây nay đã là Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND phường, đã hỗ trợ rất nhiều cho ông trong công việc như: tống đạt, xác minh, thu thập chứng cứ…
Với bề dày kinh nghiệm và kiến thức vững vàng, tháng 10/2021, ông Lâm Cao Sơn được Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm làm Thẩm phán lần đầu.
Trăn trở giải quyết án dân sự
Án dân sự thường liên quan đến những vấn đề khó, phức tạp, trong đó có tranh chấp đất đai, tài sản, con cái, quyền thừa kế… Ngoài yếu tố khách quan thì nhiều vụ án kéo dài chưa được giải quyết với lý do đương sự không hợp tác. Vì thế, Thẩm phán thường ngại giải quyết án dân sự, nhưng Thẩm phán Lâm Cao Sơn lại “đam mê” án dân sự.
Trong gần 3 năm được bổ nhiệm làm Thẩm phán, ông Lâm Cao Sơn được lãnh đạo phân công giải quyết 100% án dân sự. Khi được làm công việc đúng sở thích, Thẩm phán Lâm Cao Sơn đã phát huy được năng lực, sở trường của mình. Cụ thể, trong năm thi đua 2022, 2023, mỗi năm Thẩm phán Lâm Cao Sơn chỉ còn tồn 01 vụ, không có án quá hạn, án tạm đình chỉ không đúng pháp luật. Năm 2024, dự kiến tồn chỉ từ 1-2 vụ.
Mặc dù, tỷ lệ giải quyết án cao nhưng chất lượng giải quyết án luôn được đảm bảo, 3 năm qua không có án bị hủy, chỉ có 02 vụ án bị cấp phúc thẩm sửa do có tình tiết mới.
Theo Thẩm phán Lâm Cao Sơn, trong giải quyết án dân sự, việc khó nhất và mất nhiều thời gian là xác minh, cung cấp tài liệu, chứng cứ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Việc cung cấp tài liệu chứng cứ thường rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp đương sự không cung cấp.
Để giải quyết vấn đề này, Thẩm phán luôn bám sát, đôn đốc, khi đi xác minh, đương sự hẹn 1-2 ngày, đến ngày làm việc, ông sẽ gọi điện nhắc nhở. Ông xác định phải kiên trì đeo bám, thậm chí phải “lì” để có kết quả.
Bên cạnh đó, Thẩm phán phải xử lý tình huống “lúc mềm, lúc cứng” và kiên trì giải thích các quy định pháp luật về trách nhiệm của các đơn vị trong việc hỗ trợ Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, để đương sự hiểu, chia sẻ với Tòa án. Đổi lại, khi các cơ quan có vấn đề pháp luật chưa hiểu, cần hỗ trợ thì Tòa án sẵn sàng trợ giúp.
Nói về “bí quyết” giải quyết án dân sự, Thẩm phán Lâm Cao Sơn chia sẻ, “Khi được lãnh đạo giao án, tôi chỉ nghĩ đơn giản là lãnh đạo giao án bao nhiêu thì cố gắng giải quyết cho hết, không suy nghĩ nhiều về tỷ lệ giải quyết”.
Khi nhận hồ sơ phân công, ông nghiên cứu kỹ và lên kế hoạch, phương án cần phải làm gì, dự báo sẽ có những khó khăn từng vụ án, từ đó đề ra phương án giải quyết để không bị động. Đồng thời sắp xếp hồ sơ gọn, dễ tìm, xâu chuỗi nội dung vụ án, liệt kê những nội dung còn mâu thuẫn trong lời trình bày của đương sự, chứng cứ mà đương sự cung cấp để chứng minh cho yêu cầu của mình là gì. Xác định lại chứng cứ trong vụ án, những chứng cứ nào đương sự phải giao nộp, chứng cứ nào Tòa án cần thu thập.
Thẩm phán Sơn chia sẻ, việc xem xét đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện, chính xác chứng cứ là một việc vô cùng quan trọng khi nghiên cứu hồ sơ. Việc này không chỉ giúp Thẩm phán định hình được những công việc cần phải làm để làm rõ các tình tiết, sự việc mà còn giúp Thẩm phán có cái nhìn khách quan bằng cách tự xây dựng câu chuyện cho chính mình không bị ảnh hưởng bởi phần trình bày của đương sự. Việc này giúp thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng phát huy hiệu quả tối đa, làm rõ sự thật khách quan của vụ án, cùng với việc áp dụng chính xác các văn bản pháp luật, Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết có tình, có lý.
Theo Thẩm phán Lâm Cao Sơn, một thuận lợi khác giúp ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là tập thể TAND quận 8 rất đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Lãnh đạo luôn quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho công chức, cán bộ, Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh án TAND quận 8 chia sẻ, Thẩm phán Lâm Cao Sơn được phân công giải quyết toàn án dân sự, mặc dù vậy tỷ lệ giải quyết án hàng năm rất tốt và đều trong nhiều năm, gần 100%, không có án bị hủy. Trong quá trình giải quyết án, Thẩm phán Sơn xử lý hồ sơ rất nhanh, tạo điều kiện cho các bên đương sự hòa giải. Đồng thời, chuẩn bị trước các phương án, nếu không hòa giải được thì tiến hành ngay các bước tố tụng tiếp theo, để đủ điều kiện đưa vụ án ra xét xử. Về các mặt công tác khác, Thẩm phán Lâm Cao Sơn rất năng nổ, tham gia tích cực tất cả phong trào của đơn vị.