Thế giới của “thần bài”- Kỳ 2: Lớp học đặc biệt đào tạo “thần bài”

Đời sống - Ngày đăng : 09:14, 07/03/2017

Muốn trở thành “thần bài” không khó, trong thế giới “cờ gian bạc lận” hiện nay, không chỉ dừng lại ở kĩ năng khéo léo hay nhanh tay nhanh mắt mà còn có sự trợ giúp đắc lực của những chiếu thức tinh vi, hiện đại, những đồ nghề “ma quỷ”.

Thâm nhập lớp học đặc biệt

Qua giới thiệu của Tuệ “gà”, tôi gặp Long “lé”, một bậc thầy bạc bịp có tiếng tại đất Hà thành. Qua nhiều năm tháng lăn lộn khắp các sới bạc từ Nam ra Bắc, Long “lé” rửa tay gác kiếm về lại Hà Nội mở ra các lớp học đặc biệt đào tạo “thần bài”.

Theo Long cho biết hiện tại ở Hà Nội hắn có 2 cơ sở đào tạo trên phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) và tại phố Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội). Cả 2 cơ sở này đang dạy theo 2 hình thức: dạy trực tiếp tại nhà và dạy qua mạng. Theo như giới thiệu, học tại nhà học viên sẽ học hiệu quả hơn khi được tận mắt chứng kiến các kỹ thuật, có được không gian học thuật tiện nghi với đầy đủ dụng cụ, “thầy” hướng dẫn tận tình đến khi thuần thục, có nhiều cơ hội giao lưu học hỏi với những học viên khác. 

Mỗi khóa học trực tiếp tại đây chỉ mất 2-3 tiếng, với cam kết nếu người học không thực hiện được kĩ thuật khi kết thúc khóa học sẽ không lấy tiền. Chi phí cho 2-3 giờ "học nghề" là 3 triệu đồng/người.

Dẫn chúng tôi đến một cơ sở trên phố Định Công, Long chỉ cho PV những chiêu trò hết sức tinh vi của một tay “bạc già”. Nhưng chủ yếu là những kỹ năng xếp bài, trộn bài sao cho khi chia bài lấy được những lá bài như ý muốn.

Thế giới của “thần bài”- Kỳ 2: Lớp học đặc biệt đào tạo “thần bài”

Những lá bài như được múa trên tay của bạc già lão luyện Long "lé"

Cầm bộ bài trên tay, Long vừa “nháo” bài vừa cho biết: “Sau khi ván bài kết thúc, trong những cây bài người chơi ngửa ra, làm sao để ý và vơ bài hoặc xếp những cây bài mình cần vào dưới cùng, dùng kỹ thuật trộn bài khéo léo để cho những lá bài này xếp xen kẽ cách một số cây bài khác tùy số lượng người chơi. Sau đó trộn bài nhanh để những cây bài xếp sẵn lên trên đầu và bắt đầu chia. Nếu cầm chương, ván nào cũng phải ngắt bài thì yêu cầu phài có “chân gỗ”, tức người của mình ngắt để được theo ý muốn".

Khi vào sới bạc, thợ bài nào thuần thục được cách chơi trên thì dù cho các cửa khác có tinh vi bao nhiêu cũng là vô hiệu vì tất cả đã bị đưa vào guồng quay theo sự tính toán cùng kỹ thuật qua mắt "cú vọ" của thợ. “Cho nên một thợ bài đánh giỏi, chuyền đẹp sẽ được sánh như một nhà ảo thuật tài ba”.

Như lời kể của Long, trong cách chơi bài bịp truyền thống còn một cách chơi nữa. Trong cách này, người chơi sẽ sử dụng những lá bài được cất giữ ở những vị trí rất nhạy cảm như cổ tay, cổ áo, thắt lưng lai quần...rồi sau đó là màn diễn xuất làm phân tâm để ém bài, búng bài... đưa lá bài cần lấy vào bộ bài mình cầm.

Công nghệ “bịp”

Tại góc phòng của Long, một chiếc tủ kính chừng 2m x 3m bày ra đa dạng chủng loại dụng cụ chơi bạc bịp. Những dụng cụ này thường để bán cho những người muốn ăn xổi, có nghĩa là không muốn học mà vẫn chiến thắng trong mọi ván bài.

Lấy từ trong tủ ra một chiếc ví màu đen, Long giới thiệu: “Loại ví điện tử thần tốc” (hay còn gọi là ví đổi bài). Thường được dùng vào các thể loại chơi 3 cây hoặc chơi liêng. Chỉ cần đưa nhẹ một lá bài không mong muốn vào “miệng” ví, nhanh như cắt chỉ trong vòng 1 giây lá bài của bạn đã được đổi như mong muốn”.

Thế giới của “thần bài”- Kỳ 2: Lớp học đặc biệt đào tạo “thần bài”

Ví đổi bài: Chỉ cần đẩy nhẹ lá bài bên trong sẽ tự động được đẩy ra với tốc độ rất nhanh

Chiếc “ví đổi bài" rất nhỏ gọn, chỉ nhỉnh hơn quân bài một chút, được gắn vào bên trong ví tiền và hoạt động bằng điện. Khi cần, người chơi sẽ lén bỏ một quân bài vào trong máy, khi muốn đổi thì đẩy nhẹ quân bài khác vào, cây bài bên trong sẽ tự động được đẩy ra với tốc độ rất nhanh và rất khó phát hiện.

Tiếp theo, Long ném ra một bộ bài và bảo tôi nhìn thật kỹ. Tôi bóc tem ngoài và giơ lá bài lên xem xét, kiểm tra kỹ. "Tất cả đều không có gì đặc biệt, chỉ là quân bài bình thường như bao quân bài khác"- tôi trả lời. Long tiếp tục lấy một lá bài ra, cầm trên tay vo mạnh nhiều lần cho đến khi lá bài nhàu nát. "Vẫn không thấy gì đúng không? Với bộ bài này, có thể cho con bạc kiểm chứng thả cửa tại sòng. Nhưng cái gì cũng có sự huyền bí của nó. Và điều huyền bí ở đây". Nói rồi, gã dùng tay tỉ mỉ tách lá bài ra thành nhiều lát thật mỏng. Một miếng giấy nhỏ, rất mỏng, vừa bằng nửa đầu móng tay hiện ra. Đây được gọi là chíp cảm ứng, là sự "huyền bí" của một cỗ bài gian xảo.

Thế giới của “thần bài”- Kỳ 2: Lớp học đặc biệt đào tạo “thần bài”

Kính áp tròng nhìn xuyên bài 

Với hình thức gian lận này, người đánh bài bịp sẽ làm "phù phép" vào 16 quân bài chủ chốt. Khi vào sòng, người thợ sẽ được trang bị một thiết bị khác gọi là tụ kích, có kích thước rất nhỏ và được ngụy trang ở những điểm nhạy cảm, kín đáo nhất. Khi hốt bài chuẩn bị chia, người đánh bài bịp sẽ nhận được các tín hiệu rung từ bộ kích do bắt sóng được với lá bài có chíp và dễ dàng tìm được các quân bài chủ lực. Kết quả khả năng ăn lên tới 90% trong một ván bài. Bộ bài này (kèm dụng cụ), Long đang bán với giá 10 triệu/bộ.

Một dụng cụ khác là cặp kính áp tròng gắn vào mắt và bộ bài chuẩn bị sẵn đã bôi dung dịch hóa học. Khi người đeo kính vào sẽ nhìn thấu được quân bài của đối phương. Giá mỗi bộ thiết bị này khoảng 3-4 triệu đồng.      

Thế giới của “thần bài”- Kỳ 2: Lớp học đặc biệt đào tạo “thần bài”

Lá bài được nhìn qua kính áp tròng 

Trong không gian căn phòng chỉ rộng chừng hơn 20m2, nhưng tại đây không thiếu một thứ gì, từ những thiết bị thô sơ, thủ công cho đến những thiết bị tinh vi hơn là bài mã vạch và máy điện thoại điều chỉnh từ; bộ quân từ, điện thoại, bê, thảm; quân vị, đĩa gắn từ; nam châm kẹp, quân bài kẹp; thuốc lá tẩm hóa chất; tờ tiền Việt Nam mệnh giá 100.000 đồng nhiễm từ… cũng được Long và đàn em tận dụng triệt để.

Quang Thành