Ồn ào chuyện bà Phó Giám đốc Sở Tư pháp bẻ hoa

Đời sống - Ngày đăng : 16:52, 06/03/2017

Câu chuyện về bà Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Minh Hiếu, bẻ hoa anh đào khi lên thăm quan Đà Lạt đang làm nóng dư luận những ngày gần đây.

Bẻ hoa để chụp ảnh

Câu chuyện ồn ào bắt đầu từ thông tin trên trang facebook có tên Ngô Anh Tuấn, chủ tài khoản này cho biết: Vào khoảng 16h40 ngày 4/3, anh Tuấn cùng bạn đang chụp ảnh hoa anh đào tại khu vực hồ Tuyền Lâm thì cạnh đó có một nhóm du khách đi xe ô tô 7 chỗ mang biển số tỉnh Bình Thuận cũng đang chụp ảnh. Bất chợt anh Tuấn nghe tiếng một người phụ nữ ăn mặc sang trọng từ phía nhóm du khách này nói với những bạn trẻ trong nhóm: “Tụi em không dám bẻ thì để chị bẻ cho, có ai nói gì đâu”. Nghe vậy anh Tuấn liền nhắc: “Đừng bẻ hoa chị ơi, hoa này bẻ về héo liền, ai mà cũng bẻ hoa như chị thì làm gì còn cái đẹp để mọi người chiêm ngưỡng”.

Một lát sau anh Tuấn hết sức ngỡ ngàng khi người phụ nữ này đã bẻ nhiều cành hoa rất lớn cầm trên tay. Quá bức xúc, anh Tuấn và người bạn đi cùng hỏi tại sao lại bẻ hoa như vậy, thì người phụ nữ này tỏ vẻ như không có chuyện gì, thậm chí còn hỏi ngược lại: “Em là ai mà nói chị vậy? Em là chủ ở đây à? Em cho chị xem giấy tờ...”, anh Tuấn viết.

Hai bên lời qua tiếng lại, người phụ nữ vẫn giữ thái độ kiểu "mình thích thì mình bẻ thôi", trong khi các thành viên đi cùng đoàn thì nín lặng.

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải trên facebook, đã có hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, hàng triệu lượt bình luận và ngay lập tức danh tính người phụ nữ “bẻ hoa” cũng được hé lộ. Theo đó, người phụ nữ là bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận.

Lời xin lỗi chưa chân thành?

Khi thông tin này được đưa ra trao đổi, bà Hiếu xác nhận sự việc và cho rằng, cành hoa anh đào đó sắp gãy, lái xe đã nhặt lại đưa cho bà. Bà là người “yêu hoa” nên bà đã cầm nó để chụp hình, bà cũng xác nhận việc có tranh cãi với du khách khác. "Tôi đã biết lỗi rồi. Đáng lẽ cành anh đào như thế tôi nên để nó tự nhiên. Tôi thành thật xin lỗi vì đã gây ra sự cố này", bà Hiếu nói.

Xung quanh việc này, dư luận cũng đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người rất gay gắt với hành vi của bà Hiếu, trong khi nhiều người lại thông cảm và cho rằng nên bỏ qua cho đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận vì bà đã biết nhận lỗi.

Ồn ào chuyện bà Phó Giám đốc Sở Tư pháp bẻ hoa

Hình ảnh bà Phạm Thị Minh Hiếu với cành hoa anh đào đang làm nóng dư luận những ngày qua.

Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Ngọc Cường, Phó Chủ nhiệm CLB hoa lan Đà Lạt cho hay, qua báo đài, mạng xã hội ông cũng nắm bắt được sự việc. Tuy nhiên, với con mắt của người yêu hoa và lấy hoa làm cảm hứng cuộc đời, ông đánh giá hành vi của bà Hiếu không quá tiêu cực.

"Thông qua báo đài, mạng xã hội tôi cũng đã nắm bắt được sự việc. Tôi thấy phía bà Hiếu cũng đã lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi thì chúng ta cũng nên nhìn nhận sự việc một cách nhẹ nhàng, bởi dù cố ý hay không cố ý thì họ cũng đã nhận ra được cái sai của mình. Khi họ đã làm được điều này thì không cần phải dồn ép người ta quá đáng mà nên thông cảm. Còn nếu họ vẫn khăng khăng hành vi của mình là đúng thì sẽ có những khiển trách, nhắc nhở đến nơi đến chốn", ông Cương bày tỏ quan điểm.

Phó Chủ nhiệm CLB hoa lan Đà Lạt cũng chia sẻ, việc khách tham quan du lịch bẻ ngắt hoa không phải là chuyện hiếm. Không phải cứ vi phạm là sẽ xử lý mạnh tay, bởi họ là người mê hoa và hành vi của họ cũng có thể thông cảm được.

"Việc khách du lịch đến tham quan và bẻ, ngắt cành hoa đem về cũng khá phổ biến. Phía Hiệp hội hoa Đà Lạt, chính quyền địa phương thường không làm căng bởi rất thông cảm với tâm lý khách du lịch, cũng bởi người ta mê hoa quá nên đôi khi họ vô tình ngắt bẻ mà không ý thức được việc mình làm. Đối với những trường hợp này, những người làm công tác bảo vệ sẽ trực tiếp nhắc nhở, cảnh cáo nhẹ nhàng và yêu cầu khách du lịch không được tái diễn. Đa số những người được nhắc nhở đều tỏ ra hối lỗi, rút kinh nghiệm nên Hiệp hội cũng không xử lý mạnh tay", ông Cương chia sẻ.

Thế nhưng dường như lời xin lỗi của bà Hiếu lại không được dư luận chấp nhận, vì họ cho rằng đó là sự không thành khẩn, không chân thành, bởi trước khi xin lỗi, bà vẫn kịp “đổ lỗi” cho lái xe của mình đã bẻ cành hoa sắp gãy đưa cho bà, đó chính là điều khiến dư luận phẫn nộ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bà là một cán bộ Nhà nước, nhất là làm trong ngành Tư pháp, đáng ra bà phải nhìn thẳng vào sự thật và đàng hoàng nhận lỗi thì chính bà lại “bẻ cong” nó khi đá “quả bóng trách nhiệm” sang cho anh lái xe.

Chúng ta không còn quá lạ lẫm với cách hành xử kiểu đổ lỗi của rất nhiều người trong cuộc sống. Ai cũng biết rằng, khi có lỗi trước hết phải nhận lỗi, sau đó mới xét dần đến các hành vi, lỗi đến đâu xử lý đến đó, thế nhưng dường như hiện thực không như vậy. Mỗi ngày, anh đánh máy, anh lái xe… bỗng trở thành người gánh mọi trách nhiệm thay cho lãnh đạo của mình.

Con người chúng ta ai cũng yêu cái đẹp, đặc biệt khó ai có thể cầm lòng trước những bông hoa đẹp và chắc chắn đều muốn được sở hữu nó. Thế nhưng có lẽ cái đẹp sẽ nhân lên rất nhiều nếu nó được tồn tại trong tự nhiên, được chăm sóc đúng cách. Trong cuộc sống cũng vậy, con người sống không chỉ đáp ứng những nhu cầu vật chất mà còn phải biết nuôi dưỡng tâm hồn đẹp, cách ứng xử đẹp.

“Nhân vô thập toàn”, con người mấy ai dám tự hào mình là người hoàn hảo, chưa khi nào mắc lỗi, chưa từng làm ai đó phiền lòng. Và xin lỗi chính là một hành vi ứng xử để cứu vãn một hành động sai trái mà bản thân đã gây ra trước đó.

Trong câu chuyện này, ai đúng ai sai chưa rõ ràng, bởi ai cũng có lý lẽ của riêng mình, thế nhưng có lẽ câu chuyện sẽ không quá ồn ào nếu như bà Hiếu biết hành xử đẹp hơn.

Hành vi có thể bị xử phạt

Xét trên phương diện pháp lý, hành vi bẻ cành, ngắt hoa của bà Phó Giám đốc Sở cũng có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Mục III Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 quy định cây xanh đô thị bao gồm: cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường); cây xanh sử dụng hạn chế là tất cả các loại cây xanh trong các khu ở, các công sở, trường học, đình chùa, bệnh viện, nghĩa trang, công nghiệp, kho tàng, biệt thự, nhà vườn của các tổ chức, cá nhân; cây xanh chuyên dụng là các loại cây trong vườn ươm, cách ly, phòng hộ hoặc phục vụ nghiên cứu.

Mục V Thông tư 20 quy định các hành vi xâm hại cây xanh đô thị sẽ bị cấm gồm: Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây; Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.

Theo quy định vừa trích dẫn, tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý. Việc người dân tự ý hái hoa, hái quả, chặt cành, xâm hại cây xanh đô thị là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (khoản 1 Điều 49 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013).

 

Duy Uyên