Cán bộ là cái gốc của mọi công việc
Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012
“Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân...”
Như chúng ta đã biết, lúc sinh thời, trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trước khi qua đời, trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 40 năm, nhưng vẫn nguyên giá trị lớn lao và còn nóng hổi tính thời sự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sự gương mẫu đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm của cán bộ, đảng viên là sự thuyết phục cao nhất, có hiệu quả nhất để lôi cuốn nhân dân vào các phong trào cách mạng, nhất là trong công việc và thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Ảnh: TL
Đảng chỉ mạnh khi mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều mạnh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt nhưng phải có cái chất của người đảng viên…”. Cái “chất” như quan điểm của Bác, đó không gì khác chính là phẩm chất, đạo đức. Cụ thể hơn, đó là mỗi đảng viên, mỗi cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: “Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân. Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt...”. Rõ ràng theo tư tưởng của Bác thì sức mạnh tư tưởng của Đảng là sức mạnh về tinh thần cũng như ý chí đấu tranh vì mục tiêu, sự nghiệp cách mạng do Đảng đề ra. Tuy nhiên thực hiện mục tiêu ấy phụ thuộc vào sức mạnh của đội ngũ cán bộ cách mạng. Xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức là để có một tổ chức và đội ngũ cán bộ ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ của Đảng, một tổ chức và đội ngũ cán bộ thực sự đoàn kết thống nhất cả ý chí và hành động; là xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ đó có đủ năng lực, trí tuệ, bản lĩnh và niềm tin để lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi những yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng trong các giai đoạn lịch sử của đất nước.
Xây dựng Đảng - vấn đề cấp bách hiện nay
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta; công tác xây dựng Đảng luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn thừa nhận: “Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp; chúng ta đã tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ, trưởng thành; song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…”.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới tình trạng trên và chỉ rõ: để tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác này trong thực tế, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 3 vấn đề cấp bách sau đây:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trong 3 vấn đề đó, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các quy định đã có về xây dựng Đảng, Nghị quyết nhấn mạnh cần tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp. Trong đó nhấn mạnh đến nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, nhấn mạnh đến việc mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác. Và nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đặc biệt chú trọng tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả.
Thiết nghĩ đây là một nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng hết sức vẻ vang trước lịch sử, dân tộc và thời đại. Để thực hiện thành công nhiệm vụ ấy, vấn đề có ý nghĩa quyết định là vấn đề tổ chức và cán bộ, như Bác dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, cùng với đó là phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Đó là mục tiêu tập trung nhất của nhiệm vụ xây dựng Đảng, là nhiệm vụ then chốt trong toàn bộ sự nghiệp của Đảng cũng như sự đòi hỏi cấp bách của dân tộc, của đất nước trong tình hình hiện nay.
Quang Minh