Cầu Hàm Rồng vẫn đảm bảo an toàn
Cơ quan quản lý cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) xác nhận cầu vẫn an toàn, đảm bảo việc di chuyển của người dân và tàu chạy qua cầu. Do ảnh hưởng của mưa bão, một số khe co giãn bị bong, hư hỏng, đơn vị đã bố trí nhân lực sửa chữa ngay trong đêm.
Thực hiện Công điện số 464/CĐ-ĐS ngày 09/9 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng cường kiểm tra, trực chốt các công trình xung yếu và chủ động ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra, Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa đã triển khai Công điện khẩn số 1004/CĐ-ĐSTH ngày 09/9/2024 chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các đơn vị hiện trường tổ chức chốt trực, theo dõi mưa đảm bảo an toàn chạy tàu.
Công ty báo cáo tình hình mưa bão trên địa bàn quản: Vào lúc 16h00 ngày 11/9 khe co giãn số 2 phía thượng, mố nam (phía phải đường sắt) phần đường bộ cầu Hàm Rồng bị bong bật bản cao su chưa xác định được nguyên nhân.
Sau khi phát hiện, Phân Ban quản lý khu vực 1 và Công ty đã kiểm tra hiện trường. Hiện tại trạng thái công trình chưa có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, tuy nhiên gây ảnh hưởng đến việc lưu thông bình thường của phương tiện giao thông đường bộ khi qua khe co giãn trên.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho phương tiện đường bộ lưu thông qua cầu; Công ty đã triển khai ngay việc gia cố tạm bằng tấm thép bản với kích thước: dài 5,2m; rộng 45cm; dày 20mm tạo êm thuận và bố trí nhân lực trực chốt thường xuyên kiểm tra theo dõi. Về lâu dài kính đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có biện pháp xử lý các khe co giãn trên cầu Hàm Rồng để đảm bảo an toàn giao thông qua cầu.
Cầu Hàm Rồng nối đôi bờ Sông Mã, gối đầu lên núi Ngọc, núi Rồng bao quanh là dòng sông xanh uốn khúc chở nặng phù sa. Cầu Hàm Rồng bất tử nối liền hạt ngọc với miệng thần long, sông Mã. Cầu Hàm Rồng được thực dân Pháp khởi công xây dựng lần đầu tiên vào năm 1901 do hai kỹ sư người Đức thiết kế và thi công.
Năm 1904, cầu mái vòm được xây xong rộng 9m. Ngày 17/3/1905 cây cầu đã được khánh thành và cho thông xe. Năm 1946, trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, cây cầu đã bị phá hủy. Đến năm 1962, cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng lại.
Cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Nơi đây từng là trọng điểm của cuộc chiến tranh, hàng trăm máy bay Mỹ bị bắn hạ, hàng chục giặc Mỹ bị bắt sống. Sau bao lần bị đánh phá ác liệt, cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang, đứng vững tựa vào sườn núi bên bờ sông Mã, trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí, quật cường dân tộc “Hàm Rồng – tức là miệng Rồng, nó đã chiến đấu như một thần thoại phi thường”.
Theo nhiều nguồn tư liệu, để bảo vệ cầu Hàm Rồng, quân dân ta đã bố trí tại đây nhiều đại đội pháp và lực lượng vũ trang trực sẵn sàng chiến đấu quyết tâm bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng. Trong 2 ngày 3 và 4/4, tại khu vực Hàm Rồng- Nam Ngạn, không quân Mỹ liên tục tổ chức các đợt đánh phá dữ dội. Trọng điểm của bom đạn địch là cầu Hàm Rồng. Bom đạn địch rơi xuống khắp nơi. Các khu vực như núi Ngọc, chợ Chớp, Nam Ngạn... đều bị bom đạn địch tàn phá.
Quân và dân Hàm Rồng đã lập nên kỷ lục đầu tiên về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ trên miền Bắc. Chiến thắng Hàm Rồng đã làm nức lòng quân, dân cả nước, trở thành động lực để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước.