Chuyện người bác sỹ bỏ “phồn hoa” ra đảo
Đời sống - Ngày đăng : 13:34, 28/02/2017
“Buông áo lính, khoác áo blu”
Trạm y tế xã đảo Thạnh An mới được xây dựng lại khá khang trang nằm bên con lộ chính. Nhân viên của trạm có một bác sĩ, ba y sĩ, hai điều dưỡng viên, hai nữ hộ sinh, một dược tá và 12 cộng tác viên y tế ấp…, đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe miễn phí cho gần 1200 hộ với hơn 5000 dân trên đảo.
Nếu các trạm y tế đất liền chỉ khám một số bệnh thông thường thì anh chị em ở đây phải đảm trách đủ loại bệnh, bao gồm cả đỡ đẻ hay cấp cứu ngoại khoa. Không ngoa khi nói rằng, từ trẻ nhỏ đến người già của ba ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng đều biết tiếng bác sĩ Trường. Nhà nào trong xã cũng lưu số điện thoại, coi anh như bác sĩ riêng của gia đình mình, có thể gọi bất cứ khi nào… nên bác sĩ cũng luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” với bệnh tật.
Bác sĩ Luân Thanh Trường
Chuyện anh Trường được khoác trên mình tấm áo blu và bén duyên với xã đảo này cũng không hẳn là một sự tình cờ mà đó là cả một câu chuyện dài về sự nỗ lực, kiên trì vượt khó. Bởi từ nhỏ, Trường đã mang trong mình giấc mơ trở thành bác sĩ, thế nhưng khi học hết phổ thông, anh thi vào trường y cả ba lần đều trượt do nhà nghèo nên không có điều kiện học hành, ôn luyện.
Không nản chí, Trường đăng ký nhập ngũ và trở thành chiến sĩ thuộc Sư đoàn 9 đóng tại huyện Củ Chi. Sau ba năm, anh xuất ngũ và tiếp tục đăng ký dự thi và tiếp tục… trượt thêm hai lần nữa. Ngày đó, Trường làm đủ nghề từ phụ hồ, bảo vệ trường học, dạy thêm để có tiền ôn luyện.
Cuối cùng, “trời không phụ lòng người”, sự kiên trì, bền bỉ của Luân Thanh Trường cũng đã được đền đáp khi anh đỗ liền ba trường đại học. Chọn theo học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngoài khoản học bổng được cấp, suốt sáu năm anh vẫn làm bảo vệ tại Trường mầm non Bình Thạnh để có thêm tiền ăn học. Sau khi tốt nghiệp, anh nắm được thông tin mình có thể được phân công về hai huyện Củ Chi hoặc Gò Vấp công tác. Vừa lúc đó, huyện Cần Giờ cũng đang cần gấp 4 bác sĩ tăng cường cho tuyến xã nên anh xung phong xin đi.
Khoác hành trang về xã cù lao Lý Nhơn công tác giữa bộn bề thiếu thốn, nhưng không làm nao núng tinh thần người thanh niên từng được tôi luyện trong quân ngũ đang tràn đầy khát vọng được mang trên mình màu áo trắng và hoài bão phục vụ cộng đồng. Sau bốn năm công tác tại Lý Nhơn, anh được bổ nhiệm làm Quyền Đội trưởng Đội Y tế Dự phòng của Trung tâm Y tế huyện.
Năm 2005, khi có cơ hội được về nội thành thì cũng là lúc anh biết chuyện có một bác sĩ do quá buồn chán và không chịu nổi thiếu thốn đã từ bỏ trạm y tế Thạnh An về đất liền. Từng đến đảo nhiều lần, anh luôn nhói lòng khi chứng kiến những cơn đau hành hạ bà con chỉ vì không được khám chữa kịp thời. Vậy là một ngày nắng, đất và người Thạnh An được đón anh bác sĩ trẻ có cái tên đẹp như người Luân Thanh Trường tình nguyện ra đảo công tác.
Bác sỹ của dân nghèo
Đầu những năm 2000, vùng cù lao Cần Giờ là nơi “thiếu đủ thứ”. Xa nội đô 70km, đường toàn rừng đước rậm rạp, lại cách trở cầu phà, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, dân trí thấp, các trạm y tế được xây dựng tạm bợ, nước sạch thiếu trầm trọng...Nhưng chính tại Cần Giờ, bác sĩ Luân Thanh Trường đã trưởng thành trên đất khó với 1001 kiểu khám chữa bệnh “hổng giống ai”.
“Người bị tai biến, người bị trúng gió hay đau dạ dày cấp thì làm sao đi. Bác sĩ phải chạy tới, trên xe sẵn hai giỏ cứu thương để đảm bảo điều trị trong mọi tình huống. Rồi những ca nặng phải chuyển viện giữa mùa gió bão, bác sĩ phải lênh đênh theo kèm bệnh nhân. Rồi gặp hoàn cảnh khó khăn, bác sĩ phải lựa lời xin bà con hỗ trợ…
Từ ngày về Thạnh An công tác, bác sĩ Trường phải đảm nhiệm đủ chuyên ngành: nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, lão khoa và cả…đỡ đẻ khi nữ hộ sinh đi vắng. Anh bảo áp lực công việc lớn, nhiều ca chưa từng được học trong trường, chưa từng thực nghiệm. Nhưng cứ nghĩ bà con tin tưởng, giao tính mạng cho mình thì lại phấn chấn hơn. Vừa làm, vừa mày mò nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước… chả mấy mà dần thành thạo.
Bác sĩ vì thương dân mà tận tụy; dân tin bác sĩ mà trăm sự cậy nhờ. Thế nên nhiều ca bệnh “oái oăm” song bác sĩ Trường vẫn chữa trị thành công. Năm 2008, trạm xá Thạnh An tiếp nhận một bệnh nhân bị xơ gan cổ chướng bị suy hô hấp cấp do dịch ổ bụng ép cơ hoành làm cho tim không giản nở được. Nhưng nhằm mùa gió, nếu di chuyển lên tuyến trên e bệnh nhân không chịu nổi cơn đau do kích thích phúc mạc bụng, mà để lại thì chắc chắn cũng không qua khỏi. Vậy là bác sĩ Trường đành gọi điện tham khảo chỉ dẫn của bác sĩ Hạnh là Phó Giám đốc bệnh viện huyện Cần Giờ về kỹ thuật và tự chế bộ dụng cụ dẫn lưu lấy dây, kim và chai truyền nước biển thành công cụ hút dịch. Vừa nghe hướng dẫn qua điện thoại, vừa cẩn thận xác định vị trí cắm ống tiêm, lần lần rút dịch…anh đã cứu sống bệnh nhân giữa lằn ranh sinh tử.
Chị Oanh, nhà ở ấp Thạnh Hòa rơm rớm nước mắt kể cho chúng tôi nghe lần bố chị suýt chết khi lên cơn khó thở vì bệnh hen suyễn và bệnh tim cách đây vài năm. Khi tới được trạm y tế thì ông đã ngừng thở, các con ông sẵn sàng đưa bố về lo hậu sự. Vậy mà bác sĩ Trường vẫn cố công giành lại mạng sống cho ông cụ đã 75 tuổi.
Khi thấy ông cụ ngừng tim, ngừng thở anh vội hô hấp nhân tạo. Đờm dãi và cả thức ăn trong dạ dày cụ trào ra, bác sĩ vừa lau, vừa hô hấp và vừa ói mửa… Sau gần 15 phút ông cụ bất ngờ thở lại được và dần tỉnh lại. “Tui biết ơn bác sĩ lắm. Nhìn bác sĩ làm mà xấu hổ vì chúng tôi là con cái mà chắc gì đã dám hút đờm dãi cho cha mình”, chị Oanh xúc động.
Làm việc thiện trả ơn đời
Xem qua sổ thống kê của trạm xá, mới thấy hết tầm quan trọng của “bệnh viện đảo” Thạnh An này với tần xuất khám chữa bệnh dày đặc. Xã có quá nửa số hộ dân là hộ nghèo và cận nghèo. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trạm y tế xã tiếp nhận 6.604 lượt người đến khám chữa bệnh với 23 loại bệnh tật khác nhau.
“Việc vào đất liền chăm lo sức khỏe là điều xa xỉ đối với bà con nghèo. Vì vậy anh chị em ở Trạm y tế không chỉ làm hết chuyên môn mà còn làm hết tâm sức. Trước đây tui khó khăn, nhờ tình thầy, nghĩa bạn mới có được ngày hôm nay. Nhưng tui không có cơ hội gặp lại họ để đáp đền, nên mang ơn nghĩa đó trả cho bà con nghèo ở đây” – anh Trường tâm sự.
Một góc xã đảo Thạnh An
Vậy là, suốt 18 năm công tác nơi biển trời này, bất cứ khi nào bệnh nhân cần là anh đến, không tính công khám, kê thuốc hợp lý, trúng bệnh trong khoản tiền thuốc cũng chỉ “gọi là” từ 15.000-20.000 đồng. Có người nghèo quá phải nợ tiền thì anh tặng lại luôn. Tình cảm của người thầy thuốc được bà con đền đáp bằng nắm cá khô, bịch chè đậu đỏ, hũ mắm cá, chục trứng gà…
Đơn cử như mới đây anh đã cứu mạng bà Trà Thị Hoa khi tim đã ngưng đập. Hoàn cảnh bà Hoa neo đơn, đã 60 tuổi nhưng vẫn phải đi bán chè, bán bánh bao dạo quanh vùng nên bác sĩ Trường không lấy tiền thuốc, chỉ dặn bà cố gắng nghỉ ngơi dưỡng sức. Vậy mà chưa được một tuần đã thấy bà đi bán lại, ngang trạm xá chỉ len lén nhờ người mang biếu bác sĩ bịch chè chứ không dám vào vì sợ anh rầy.
Anh Trường kể: “Năm 2006, khi tui chuẩn bị đi thi chuyên khoa nội để nâng cao trình độ, một bà cụ đến tận trạm xá hỏi “bác sĩ thi đậu rồi có về đây làm nữa không?”. Tui thật thà thưa rằng, nếu được học lên cao nữa thì con cũng muốn có cơ hội để phát triển. Nào ngờ bà cụ bảo: “Tôi vái bác sĩ đi thi… rớt cho bà con nhờ!”. Nghe lời tâm sự buốt lòng đó, cộng với ý nghĩ “chắc gì thành phố phồn hoa đã cần một bác sĩ như anh bằng 5.000 người dân ở xã đảo xa xôi này”. Vậy là anh Trường dẹp suy nghĩ đi học nâng cao sang một bên để chuyên tâm làm “bác sĩ của người nghèo”. Song khi Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở lớp Bác sĩ gia đình anh xung phong đi học ngay bởi anh xác định đã theo ngành y không chỉ là học nữa học mãi mà còn phải học bài bản, có hệ thống và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Giờ thì anh Trường đã “bén duyên” với đảo theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một thiếu nữ xứ đảo đã làm chủ trái tim ở tuổi 43 của người bác sĩ và sinh cho anh cô con gái nay đã học lớp 1. Có lần bạn học trên thành phố hỏi : “Bộ đất lành chim đậu hay sao không chịu về”, người Trạm xá trưởng của đảo đáp: “Chim đậu đất lành thì chim còn bay. Chứ tui đậu đất bùn, chim lún làm sao bay?”. Anh bảo, lún trong tình thương yêu của một cộng đồng biết sẻ chia thì âu cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời.