Hà Nội: Chỗ trọ giá 0 đồng cho người bệnh ung thư
Đời sống - Ngày đăng : 10:25, 28/02/2017
Đêm đầu tiên ngon giấc...
Bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1972) ở Hà Nam bị ung thư vú, đang phải lưu trú tại bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều (Hà Nội) để xạ trị. Hoàn cảnh khó khăn, bà Tâm không dám đi ngủ trọ vì giá tới 100 nghìn đồng/tối, phòng rẻ nhất cũng mất 80 nghìn đồng. Bà Tâm kể: “Tôi và các bệnh nhân khác cứ ngủ vật vờ ở hành lang phòng mổ thôi. 3 tháng nay rồi, cứ ở 2 tuần ở viện rồi lại về vì nhớ nhà. 1 đợt xạ là 23 mũi, có khi máy móc lại hỏng, 1 tuần chỉ được 1 mũi. Ban ngày lang thang vật vờ ở ngoài. Đêm thì chui vào gầm cầu thang, rải chiếu mà ngủ thôi”.
Bệnh nhân tại nhà lưu trú bệnh viện K
Bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3, bà Lê Thị Thắm (50 tuổi, Lào Cai) đã 6 tháng điều trị ở Bệnh viện K. Nhà xa, hai mẹ con đi về mất 1,2 triệu đồng, là một khoản tiền không hề nhỏ với hoàn cảnh gia đình của bà.
“Nhà nghèo, bệnh trọng, con trai phải nghỉ làm trông mẹ nên hai mẹ con không dám đi thuê nhà trọ, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, dù không biết mình có thể sống được đến bao giờ. Tìm được chỗ nào nằm thì nằm, lạnh thì đắp thật nhiều chăn”, bà Thắm nói.
Ở giường bên cạnh, cô gái trẻ 27 tuổi Đinh Thị Yến (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cũng tươi tắn vì “có một đêm ngon giấc” sau gần 1 tuần điều trị xạ trị.
Yến cho biết, mấy ngày trước gió rét, em nằm ngủ hành lang bệnh viện không thể yên giấc, đêm xoay cả chục lần vì gió rít lạnh lưng. “Đêm qua sau khi liên hoan xong, thực sự em ngủ không biết gì đến tận sáng”, Yến chia sẻ.
Bệnh nhân yên tâm điều trị
Những trường hợp như bà Thắm, chị Yến không phải hiếm gặp tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Thuê trọ ở gần bệnh viện rẻ nhất 40.000 đồng, không thì 80.000-100.000 đồng một ngày. Số tiền này trong một vài ngày có thể không nhiều, nhưng với bệnh nhân ung thư phải điều trị dài ngày nhân lên là một con số không hề nhỏ. Rất nhiều người bệnh chấp nhận nằm vạ vật ở hành lang, gầm cầu thang hay bất cứ chỗ nào có thể tranh thủ nằm được tại bệnh viện.
Khu nhà lưu trú xong giai đoạn 1 có sức chứa hơn 200 giường.
Vì thế, nhằm giúp đỡ người bệnh một phần nào đó, bệnh viện đưa vào hoạt động khu nhà lưu trú cho người bệnh, người nhà bệnh nhân đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Nhiều người bệnh chia sẻ “từ nay sẽ không phải lo tìm chỗ ngủ, thậm chí là tranh nhau vị trí gầm cầu thang”.
PGS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có chỗ nghỉ lưu trú để chăm sóc bệnh nhân, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện K đã xây dựng khu nhà lưu trú cho người nhà người bệnh trị giá gần 3 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô 240 giường. Có nhà lưu trú mới, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hết sức phấn khởi, họ mua bánh kẹo vào liên hoan nhà mới trong phòng.
Theo PGS Thuấn, thời gian đầu người bệnh, người nhà sẽ được ở trọ miễn phí, về sau có thể tính toán với giá thấp nhất 15.000 đồng (tiền điện, nước). Bệnh viện sẽ cố gắng tìm nguồn kinh phí để bệnh nhân, người nhà được ở miễn phí.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc đưa khu nhà lưu trú vào hoạt động, nhất là với bệnh viện ung thư, có ý nghĩa đặc biệt bởi bệnh nhân có thời gian nằm điều trị dài và chủ yếu là người dân nghèo sẽ được hỗ trợ phần nào, giảm bớt khó khăn, yên tâm điều trị bệnh.
“Hiện ung thư vẫn là bệnh nan y, nhân viên y tế nơi đây chứng kiến nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Vì thế, tôi rất vui khi bệnh viện đã quan tâm hơn đến người bệnh, người nhà bệnh nhân, không để họ nằm ngoài hành lang, vỉa hè vừa nhếch nhác vừa rất khổ”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.