Vứt rác, tiểu bậy bị phạt tiền triệu: Phạt nặng mới “chữa” được “bệnh” vô ý thức
Đời sống - Ngày đăng : 09:35, 23/02/2017
Người dân vẫn lơ mơ về Nghị định 155
Nghị định 155/2016/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thay thế cho Nghị định 179/2013/NĐ – CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017. So với Nghị định 179, Nghị định 155 đã tăng mức phạt đối với những vi phạm về vệ sinh nơi công cộng gấp 10 lần so với trước đây.
Cụ thể, Nghị định 155 quy định, hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng thay vì 200.000 - 300.000 đồng như trước. Những hành vi như vứt, thải, bỏ rác thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị sẽ bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng.
Theo Nghị định 155, thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm môi trường là UBND các cấp, Công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban quản lý rừng, Ban quản lý các vườn quốc gia.
Rác thải sinh hoạt được vứt vô tư ngay dưới biển báo cấm đổ rác . Ảnh Phạm Dự
Sau gần 1 tháng kể từ khi Nghị định 155 chính thức có hiệu lực, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt một số trường hợp người dân vi phạm. Đi “tiên phong” trong việc xử phạt này là Đội Cảnh sát Môi trường Công an quận Hoàng Mai, (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt 3 trường hợp tài xế lái xe taxi đi vệ sinh (tiểu tiện) không đúng nơi quy định với mức phạt là 2 triệu đồng/1 người. Mức phạt được căn cứ vào điểm b, khoản 1, điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ – CP.
Khi xem lại những hình ảnh “xấu xí” do lực lượng chức năng hóa trang ghi lại, 3 tài xế đã tâm phục khẩu phục và đồng tình với mức xử phạt này. Còn tại TP.HCM, theo số liệu từ Đội quản lý trật tự đô thị quận 1, từ khi Nghị định 155 có hiệu lực đã lập biên và xử phạt hơn 10 trường hợp vi phạm.
Về vấn đề xả rác bừa bãi, dạo quanh một số tuyến phố ở Hà Nội có thể thấy tình trạng người dân tập kết rác thải sinh hoạt ra một số vỉa hè hay lề đường vẫn diễn ra một cách tùy tiện. Sáng ngày 22/2, theo quan sát của phóng viên, chỉ một đoạn đường ngắn từ khu vực Nguyễn Trãi đến cầu vượt Ngã Tư Sở, tồn tại khá nhiều đống rác được vứt bừa bãi tại trên vỉa hè, dưới lề đường. Thậm chí, nhiều con phố có biển báo cấm đổ rác nhưng ngay dưới chân tấm biển báo người dân vẫn “hồn nhiên” vứt rác.
Mặc dù Nghị định 155/2016/NĐ – CP của Chính phủ quy định rõ vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3-7 triệu đồng, tuy nhiên khi hỏi về Nghị định này, nhiều người dân vẫn rất mơ hồ và đều không nghĩ mức xử phạt lại cao như vậy!?
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Hùng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Từ trước đến nay khu phố này (phố Triều Khúc – PV) vẫn duy trì thói quen vứt rác dưới lề đường sau đó có công nhân quét rác đến dọn. Việc pháp luật quy định vứt rác bữa bãi bị phạt tôi chưa nắm cụ thể và cũng chưa thấy ai bị xử phạt bao giờ”.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, (quận Hà Đông, Hà Nội) thì cho hay, bà cũng được biết Nghị định 155 qua xem vô tuyến, nhưng không nghĩ việc vứt rác lại bị xử phạt mức cao như thế. Tuy nhiên, bà Nguyệt đồng tình với mức xử phạt này vì như thế mới thay đổi ý thức người dân. “Nếu nhà nào cũng vứt rác bừa bãi ra cổng, công nhân quét rác không dọn thì sẽ thành cái bãi rác, nhìn rất mất vệ sinh”, bà Nguyệt nói.
Tuyên truyền để từ bỏ thói quen xấu
Theo luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự (Đoàn luật sư Hà Nội) hành vi vệ sinh không đúng nơi quy định, vứt rác bừa bãi nơi công cộng đã trở thành một một thói quen “mãn tính” của một bộ phận không nhỏ người Việt. Thói quen xấu xí này bắt nguồn từ văn hóa nhận thức của mỗi người. Vì vậy, việc tăng mức xử phạt gấp nhiều lần đối với hành vi vứt rác bừa bãi, vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định là cần thiết và phù hợp để thay đổi, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Luật sư Đặng Văn Sơn
“Đảm bảo vệ sinh môi trường khang trang sạch đẹp là điều mọi người dân đều mong muốn. Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân vẫn hành động theo một thói quen xấu như một căn bệnh trầm kha. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân thì việc tăng mức phạt là cần thiết để răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, giáo dục người dân không vi phạm pháp luật”, luật sư Sơn nêu quan điểm.
Theo ông Sơn, qua thông tin trên báo chí có thể thấy việc xử phạt các trường hợp vi phạm còn khá khiêm tốn, tuy nhiên nó cũng đã phần nào thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc thực thi nhiệm vụ.
Đề cập đến Nghị định 155/2016/NĐ – CP của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành, luật sư Đặng Văn Sơn cho biết, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50 triệu đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50 triệu đồng. Chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng. Trạm trưởng, đội trưởng CAND có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1,5 triệu đồng. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 2,5 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2,5 triệu đồng. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh (Cảnh sát môi trường và quản lý xuất nhập cảnh) đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25 triệu đồng.
Nghị định 155 quy định rõ, trong trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm thông qua việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi lại hình ảnh, cá nhân, tổ chức vi phạm có nghĩa vụ hợp tác để xác định đối tượng, hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, để Nghị định 155 có hiệu quả cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, vận động, giáo dục, nhắc nhở giúp người dân hiểu được các quy định pháp luật và ý thức văn hóa nơi công cộng, thấy được hành vi xả rác, đi tiểu bừa bãi là thiếu văn hóa, là vi phạm các quy định của pháp luật. Quan trọng hơn là để người dân thấy được lợi ích của mình từ việc không xả rác, đi tiểu bừa bãi từ đó tự giác thay đổi những thói quen xấu.
Theo luật sư Hòe, song song với việc tuyên truyền, cần phải xử phạt thật nghiêm minh những tập thể, cá nhân cố ý vi phạm để làm gương. Việc xử phạt nặng các hành vi vi phạm là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa được những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị.