Học kỹ năng khởi nghiệp từ … oshin, lao công, phục vụ phòng
Đời sống - Ngày đăng : 22:47, 19/02/2017
Có thể học hỏi ngay từ những con người “bình thường” nhất xung quanh, ví như từ nhân viên, từ bác bảo vệ, hoặc ngay cả những người lao công, phục vụ phòng khách sạn…
Đãi cát tìm vàng… trên ngàn dặm đường xa
Trên thế giới, cứ 5 phút sẽ có một doanh nghiệp start-up đăng ký mới, và cứ 8 phút thì có một doanh nghiệp ngừng hoạt động. Như vậy, cần nhìn nhận rằng để trở thành một cái tên được chú ý trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp thành lập mới mỗi ngày, bạn phải chuẩn bị khả năng chịu áp lực cao, và sẵn sàng trở thành người làm công của chính mình bất kỳ lúc nào, khi doanh nghiệp bạn đang trong dòng chảy cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Và bởi vậy, khả năng linh hoạt và nhạy bén đối với sự thay đổi liên tục đòi hỏi bạn phải có nhiều kỹ năng cả “cứng” và “mềm”.
Hồi năm 2011, thị trường kinh doanh ẩm thực Việt chứng kiến sự ra đời của một thương hiệu mới Gánh Hàng Rong – Hồn Việt, với người sáng lập là một phụ nữ kiên cường, rắn rỏi. Chị là người dễ khiến bất cứ phóng viên nào tiếp xúc cũng ấn tượng với phát ngôn: “Tôi tự hào, nếu phải phá sản để đi kiếm tiền lại từ đầu, tôi vẫn có thể làm oshin tốt nhất Việt Nam vì tôi chà bồn cầu siêu sạch, ủi đồ rất đẹp, lau nhà rất kỹ và dọn dẹp gọn gàng logic nhất.”.
Phát ngôn của chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn như một “cú tát” vào giấc mơ làm giàu của những CEO bàn giấy trẻ tuổi mơ mộng rằng, cứ khởi nghiệp là sẽ chỉ cần tập trung vào … làm lãnh đạo!
Chị Nhàn hồi tưởng: “khi khởi nghiệp với nghề bán online món ăn tươi nóng đầu tiên trên mạng, tất cả những gì tôi cần làm là áp dụng những gì tôi đã học, đã biết trong quãng thời gian tôi còn đi làm thuê. Trải qua 6 năm cho đến ngày hôm nay, từ cách nấu ăn của những anh đầu bếp kỳ tài, đến phong thái đón tiếp của anh giữ xe, hoặc cả những thủ thuật giữ chân khách hàng, quản lý nhân sự nội bộ, và việc nhỏ nhặt nhất mà có lẽ chẳng người chủ nhà hàng nào tận tay làm: cắm từng bình hoa tươi… chị Nhàn cũng luôn tự tin với “tay nghề” của mình!
Chị còn hồ hởi khoe với chúng tôi về những năng khiếu “bí mật” của mình: “cuồng công việc đến nỗi, chỉ cần nghe điện thoại tư vấn khách xong, tôi đã ước lượng trong đầu bao lâu sau món ăn sẽ đến được địa chỉ đó, nếu giao hàng mới sẽ đi bao lâu, tuyến nào, giao hàng rành rẽ sẽ chạy kèm thêm được bao nhiêu hoá đơn khác!”
Phần thưởng chỉ đến với những ai chịu đánh đổi
Người lần đầu tiên tiếp xúc có lẽ sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự hào sảng, tính phóng khoáng và tỉ mẩn, chịu khó của bà chủ này. Đây là khí chất khó có thể nhận thấy ở những người không có quá trình vùi mặt làm “oshin”, kinh qua nhiều vị trí, nhiều nhiệm vụ công việc không tên.
Qua 6 năm phát triển, đến nay, đứa con tinh thần của chị đã được biết đến như một không gian nhỏ gói hồn quê Việt, cho những người con xa đất tổ quê nhà, cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Chúng tôi cho rằng, phần thưởng chỉ đến với những ai đánh đổi nó.
Theo các chuyên gia quan sát nguồn nhân lực, năm 2017, chúng ta sẽ có thêm 200. 000 cử nhân thất nghiệp! Và một thực tế là, rất nhiều cử nhân – thạc sỹ trong số này sẽ bắt đầu nghĩ đến chuyện khởi nghiệp từ chỗ… thất nghiệp này! Và từ chỗ khởi nghiệp ấy, dẫn đến… thất bại cũng không ít, phần nhiều là bắt nguồn từ tâm lý muốn hái trái ngọt mà thiếu đi khoảng thời gian rèn giũa, vun trồng cho bản thân mình, cũng như cho cơ ngơi của mình. Dù đã đạt được những thành công bước đầu, bà chủ trẻ Thanh Nhàn vẫn cho rằng mình còn phải học, và liên tục học, giữ cho mình sự “ngây ngô” của một người trẻ chưa biết gì, với những chân trời kiến thức mới mẻ trong quá trình xây dựng start-up.
“Điều này sẽ giúp giữ nguyên được ngọn lửa đam mê cho công việc, bất chấp bao khó khăn, vất vả, thậm chí trả giá bằng máu, nước mắt, tủi hổ, nhưng bù lại rất nhiều niềm vui và sự tự hào”. - chị Nhàn chia sẻ.