Diễn biến vụ thi hành án hành chính ở TP.HCM: Việc giải thích bản án đã rõ ràng
Với 2 lần TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có văn bản giải thích bản án hành chính có hiệu lực pháp luật thì mọi “băn khoăn” đã được giải toả. Giờ đây bên phải thi hành chỉ cần thực hiện đúng theo phán quyết của Toà án thì vụ việc đi đòi lại tài sản cho mượn kéo dài gần nửa thế kỷ này sẽ sớm khép lại.
Từ năm 2022 đến nay, Báo Công lý đăng nhiều bài về vụ án hành chính đã được TAND hai cấp toà án xét xử, có hiệu lực pháp luật 2021 nhưng vẫn chưa được thi hành dứt điểm.
Cụ thể, cả TAND TP. HCM và TAND cấp cao tại TP. HCM đều chấp nhận khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hồng Điệp yêu cầu hủy Quyết định số153/QĐ-UBND-SHNN ngày 3/11/2009 của UBND TP. HCM về việc xác nhận quyền sở hữu nhà nước căn nhà 161 Lê Hồng Phong, phường 3, quận 5. Bản án có hiệu lực pháp luật này được đánh giá là thấu tình, đạt lý đã chấm dứt hành trình gần nửa thế kỷ đi đòi lại tài sản cho mượn và khiếu kiện của gia đình bà Điệp.
Ngay sau khi nhận được bản án, ngày 4/11/2021, Văn phòng UBND TP. HCM đã có Văn bản số 8336/ VP-TĐ truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình giao Sở Xây dựng, Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố và UBND quận 5 khẩn trương tổ chức thực hiện bản án này theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả cho UBND thành phố trước ngày 15/11/2021.
Tuy nhiên, quá trình đưa ra xem xét, còn có những vấn đề cần thống nhất về quan điểm nên vụ việc này đã được UBND TP. HCM yêu cầu các ngành hữu quan tham mưu giải quyết. Trên cơ sở ý kiến của Sở Tư pháp, ngày 7/8/2023, Sở Xây dựng Tp HCM có Công văn số 11957/ SXD-QLN& CS kiến nghị UBND thành phố giao UBND quận 5 chủ trì phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố “khẩn trương tổ chức thực hiện bản án phúc thẩm số 310/2021/ HC- PT ngày 25/5/2021 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật, theo đúng quy định”.
Cũng trong quá trình đưa ra thi hành, do vẫn còn quan điểm cho rằng cần phải được Toà án giải thích rõ ràng về nội dung bản án đã tuyên nên ngày 14/11/2023, UBND TP. HCM có Công văn số 5659/UBND-NCPC đề nghị Thẩm phán chủ toạ phiên toà phúc thẩm giải thích nội dung tuyên xử của bản án. Ngày 27/11/2023, TAND cấp cao tại TP. HCM có Công văn số 2305/ CV-TACC về việc giải thích bản án phúc thẩm nêu trên, nêu rõ: Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án. Việc thi hành được thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính “Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã huỷ toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính…thì quyết định hoặc phần quyết định bị huỷ không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định của Toà án để thi hành” …
Sau khi nhận được văn bản giải thích trên, UBND TP. HCM đã chuyển đến Sở Xây dựng để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất. Tại Văn bản số 1509/SXD-QLN&CS ngày 21/2/2024 gửi UBND thành phố, Sở Xây dựng đã nêu kiến nghị rằng “Dó đó, UBND TP. Hồ Chí Minh phải tổ chức thi hành bản án theo quy định”
Tuy nhiên, bản án hành chính phúc thẩm này vẫn chưa được thi hành. UBND thành phố tiếp tục đề nghị Toà án giải thích rõ hơn.
Ngày 15/7/2024, TAND cấp cao tại TP. HCM có Văn bản số 1808/2024/CV-TACC gửi UBND TP. HCM về việc giải thích bản án hành chính phúc thẩm nêu trên. Sau khi nhắc lại nội dung tuyên án tại bản án hành chính phúc thẩm, Văn bản số 1808/2024/CV-TACC nêu rõ : “Như vậy theo quyết định của bản án phúc thẩm nêu trên thì TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Điệp; huỷ Quyết định số 153/ QĐ- UBND-SHNN ngày 03/11/2009 của UBND TP. Hồ Chí Minh”. Từ đó, TAND cấp cao tại TP HCM đề nghị UBND thành phố căn cứ bản án hành chính, căn cứ Công văn số 2305/ CV-TACC và văn bản này để thực hiện.
Như vậy, có thể nói, bản án hành chính có hiệu lực từ năm 2021 và hai lần TAND cấp cao tại TP. HCM giải thích bản án. Đến đây, mọi vấn đề về pháp lý của vụ án hành chính đã được sáng tỏ, giờ chỉ còn chờ lãnh đạo UBND TP. HCM chỉ đạo việc thi hành.
Hy vọng vụ việc đi đòi lại tài sản cho mượn kéo dài gần nửa thế kỷ này sẽ sớm khép lại, quyền lợi hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ có hiệu quả trên thực tế .