Đời sống

Lũ sông Hoàng Long, sông Đáy lên cao, khẩn trương di dời người dân

Thanh Phương 11/09/2024 - 16:41

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, tính đến chiều 11/9, tình hình lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy tỉnh Ninh Bình đang lên cao. Nguy cơ gây ngập úng nhiều khu vực dân cư, người dân cần chủ động di dời tài sản lên khu vực cao hơn.

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, tính đến 14h00 chiều 11/9/2024, tình hình lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy tỉnh Ninh Bình như sau: Lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu đang biến đổi chậm; sông Đáy tại Ninh Bình đang lên chậm.

nuoclen.jpg
Nước lũ trên các sông ở Ninh Bình đang lên

Mực nước lúc 14h ngày 11/9/2024 tại Bến Đế là 4,47m (trên BĐ3: 0,47m), tại Gián Khẩu 4,20m (trên BĐ3: 0,50m); sông Đáy tại Ninh Bình 3,94m (trên báo động 3: 0,44m).

Dự báo trong 12-24h giờ tới: Mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục biến đổi chậm; trưa nay (11/9) đỉnh lũ tại Bến Đế 4,48m (trên báo động 3: 0,48m); tại Gián Khẩu lên mức 4,20-4,40m (trên báo động 3 từ:0,50-0,70m).

chaylu.jpg
Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời tài sản của người dân lên khu vực an toàn

Mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng vùng bãi ven sông và các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh; 02 điểm trường tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (ngoài đê) huyện Gia Viễn; vùng trũng thấp khu vực dân cư trên địa bàn các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong thuộc huyện Nho Quan, TP Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, TP Tam Điệp.

lualencaonb.jpg
Chủ động di chuyển tài sản lên khu vực cao hơn

Lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn; nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thấp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và nhiều vùng dân cư của địa phương; có thể gây nguy hiểm đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân và các hoạt động kinh tế-xã hội...

tiepte.jpg
Đảm bảo nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân khu vực bị ảnh hưởng

Lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn; nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thấp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và nhiều vùng dân cư của địa phương; có thể gây nguy hiểm đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân và các hoạt động kinh tế-xã hội...

Phát huy tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, nhất là trong những thời điểm khó khăn, mưa gió, bão lụt, thiên tai, dịch bệnh, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông công..., phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện xuống các địa bàn cơ sở, phối hợp cùng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tổ chức làm tốt công tác chống mưa, lũ. Tổ chức di dời người, tài sản, vật dụng phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt đến nơi an toàn; giúp đỡ các trường hợp người bị bệnh, người già, người neo đơn, gia đình chính sách…

Lực lượng Công an toàn tỉnh, nhất là Công an các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn, Phòng Cảnh sát giao thông… đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, duy trì quân số thường trực tại hiện trường, vừa tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu, chủ thuyền, đò, người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, vừa tổ chức tuần tra, canh gác, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm việc mặc áo phao, chằng buộc phương tiện giao thông, tài sản khi qua sông, qua đò… góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Hiện nay lực lượng quân đội, dân quân tự vệ cùng với chính quyền địa phương đang khẩn trương di dời tài sản của người dân lên khu vực cao hơn để tránh ngập lụt, hư hỏng, thiệt hại về tài sản. Tại những nơi xung yếu, bố trí di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt sâu.

Thanh Phương