Bão số 3 - "bài kiểm tra" cho chất lượng công trình
Siêu bão Yagi (bão số 3) thực sự là một bài kiểm tra nghiêm khắc đối với chất lượng các công trình chung cư, nhà cao tầng.
Cuối tuần vừa qua, siêu bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân. Nhiều nơi, nhà cửa đã rơi vào cảnh tan hoang khi cơn bão ập tới.
Siêu bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... với gió mạnh kèm mưa lớn đã khiến nhiều cao ốc, căn hộ tưởng chừng rất kiên cố cũng bị bung vách kính, kính vỡ vụn, hay nước tràn ngập nhà…
Không chỉ các căn hộ chung cư, gió bão cũng gây hư hại cho nhiều công trình trụ sở, khách sạn tại nhiều địa phương. Tại Quảng Ninh, nhiều khách sạn cao cấp bị sức gió lớn gây vỡ kính, thậm chí có công trình cả tấm vách kính bao mặt đứng bị gió bão làm đổ sập.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết nguyên nhân khách quan của hiện tượng trên đến từ cường độ cơn bão. Bởi Yagi có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam. Đây cũng là cơn bão hiếm hoi đổ bộ trực diện Hà Nội nên không tránh khỏi tác động đến các công trình xây dựng, nhất là những tòa chung cư, khu nhà đã hoạt động hơn chục năm, có sức chịu gió bão kém.
Tuy nhiên, Chủ tịch VACC nhìn nhận nhiều tòa chung cư mới hoạt động 4-6 năm cũng "đổ cả mảng kính, sập trần nhà, hỏng lan can" khi cơn bão đi qua cho thấy chất lượng thi công hoặc trang thiết bị, vật liệu "có vấn đề". Việc thi công không đảm bảo quy trình, làm việc thiếu trách nhiệm ở một số dự án thuộc về trách nhiệm của nhà thầu. Còn chất lượng đầu vào của trang thiết bị, vật liệu thuộc về phía chủ đầu tư khi bàn giao cho cư dân.
Còn theo ông Lê Văn Thịnh - nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, các sự cố này đều do công trình thi công không đúng quy chuẩn, chứ không phải do quy chuẩn đã lỗi thời".
Ông Thịnh cho biết, cửa và vách kính là những kết cấu bao che có vai trò rất quan trọng trong công trình. Đơn vị thiết kế kết cấu cần phải tính toán chi tiết với các áp lực gió, bao gồm độ dày, số lớp kính và cấu tạo kính phù hợp; đồng thời, cần đảm bảo liên kết chắc chắn giữa khung vách hoặc khung cửa với kết cấu chịu lực xung quanh. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại là nhiều đơn vị thiết kế bỏ qua bước này, để nhà thầu tự lựa chọn, dẫn đến chất lượng không đảm bảo
Bão số 3 vừa qua là lời cảnh báo về chất lượng thi công hiện nay. Để giảm thiệt hại trong mưa bão, các bên phải thực hiện đúng trách nhiệm, từ thiết kế, chọn vật liệu đến thi công, giám sát và nghiệm thu.
Nhiều cư dân chưa biết cách gia cố, bảo quản nhà cửa cũng là một nguyên nhân khiến căn nhà hư hỏng nặng hơn khi gặp bão lớn, theo KTS Huỳnh Xuân Hải, Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt. Đơn cử, khi có gió to, nhiều người không biết nên đóng kín cửa sổ hay "mở hé". Chuyên gia cho biết cách tốt nhất để bảo vệ không gian sống là đóng kín cửa nhà gồm cửa ra vào và cửa sổ. Với các cánh cửa yếu, cư dân có thể dùng ván ép đóng bít lại để ngừa sức gió luồn vào nhà làm tăng áp suất bên trong, làm đổ vỡ, hư hỏng nội thất, cửa kính, ban công...
Các chuyên gia nhìn nhận sự cố thiên tai này có thể góp phần thay đổi quan niệm "căn hộ đẹp" của nhiều người dân. Trước đây, các căn ở vị trí góc, có nhiều vách kính, tầng cao thường được ưu tiên lựa chọn nên có giá bán nhỉnh hơn các căn khác cùng tòa. Tuy nhiên, căn hộ góc ở một số dự án cũng có nhược điểm nằm ở vị trí hút gió. Chưa kể, căn hộ sử dụng quá nhiều vách kính thường không an toàn trong tình huống thiên tai như gió bão, động đất xảy ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bão lớn đã lộ rõ những chung cư kém chất lượng, từ đó giá có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại những khu chung cư cao cấp, chất lượng tốt được khẳng định sau bão thì sẽ được nhiều người mua lựa chọn.
"Bão Yagi chính là "phép thử" cho chất lượng thi công công trình xây dựng, nhất là chung cư, ở các đô thị hiện nay", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhìn nhận.