Vấn đề quan tâm

Cần xử lý nghiêm hành vi đăng thông tin thất thiệt lên mạng xã hội

Đ. Việt 10/09/2024 - 18:27

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều tỉnh thành phố phía bắc đang phải gồng mình với mưa lũ do hoàn lưu bão và nước sông dâng cao. Tuy nhiên, lợi dụng mạng xã hội, nhiều đối tượng lan truyền thông tin thất thiệt về vỡ đê ở gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm.

Trong những ngày vừa qua, khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Bắc Bộ, trực tiếp là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình… gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản.

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều tỉnh thành phố phía bắc, trong đó có Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ đang phải gồng mình với mưa lũ do hoàn lưu bão và nước sông dâng cao. Tuy nhiên, lợi dụng mạng xã hội, nhiều đối tượng lan truyền thông tin thất thiệt về vỡ đê ở Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Việc tùy tiện đăng tải, chia sẻ các thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật trên không gian mạng ngày càng trở nên phổ biến gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

vo-de-o-hai-duong.jpg
Nhiều đối tượng lan truyền thông tin thất thiệt về vỡ đê ở gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, sáng 10/9, mực nước ở hệ thống sông qua Hải Dương lên cao. Trước tình hình nước dâng nhanh, người dân nhiều vùng ven đê đã khẩn trương di chuyển tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng ngoài đê, tất cả các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Hải Dương không chỗ nào bị vỡ. Thế nhưng trên Facebook và một số hội nhóm trên Zalo lại lan truyền thông tin sai sự thật ở Hải Dương có sự cố vỡ đê ở TP Hải Dương; các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Cẩm Giàng.

Tin đồn thất thiệt khiến nhiều người dân Hải Dương hoang mang, lo lắng nhất là trong bối cảnh sóng di động, internet ở nhiều địa phương vẫn chưa có trở lại sau bão số 3. Tin đồn lan nhanh làm người dân nhiều nơi đổ xô đi mua đồ tích trữ. Rất nhiều hàng hóa, thực phẩm bị đẩy giá cao, khan hiếm đột ngột.

Tại Bắc Giang, Chi cục đê điều tỉnh Bắc Giang khẳng định thông tin vỡ đê ở tỉnh là sai sự thật. Trong hai ngày 9 đến 10/9, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập, lập hồ sơ xử lý hàng loạt trường hợp tung tin sai sự thật trên mạng xã hội về việc mưa lũ gây vỡ đê tại địa phương, gây hoang mang dư luận.

Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị người dân cảnh giác trước những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận liên quan đến tình trạng đê điều, lũ lụt tại Bắc Giang cũng như các địa phương trên cả nước. Người dân tuyệt đối không đăng tải, bình luận, chia sẻ những nội dung sai sự thật, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội để tránh bị xử phạt.

Tại Bắc Ninh, thông tin từ UBND tỉnh cho biết, các tin đồn thất thiệt được đăng tải trên mạng xã hội về việc vỡ đê trên địa bàn là không chính xác. Theo Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Bắc Ninh, do mưa lớn, lũ trên sông Cầu đang lên, khả năng ở mức xấp xỉ trên báo động số 3. Hiện nay, tất cả các lực lượng tham gia tuần tra, canh gác đang thực hiện nghiêm túc chế độ tuần tra, canh gác đê theo đúng cấp báo động và chưa có sự cố nào về đê điều xảy ra trên tuyến đê hữu Cầu.

Theo thống kê của Bộ Công an, mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật. Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân” để câu view…

Thời gian qua, cơ quan công an đã xử lý hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, thực trạng lợi dụng môi trường không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đang diễn ra hàng ngày, có nguy cơ phát triển nhanh, trên diện rộng gây nhiều hệ lụy xấu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức bị xâm phạm.

Pháp luật hiện hành đã có chế tài xử lý các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên không gian mạng. Theo đó, tùy mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Bên cạnh đó, tại điểm d, khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” là một trong các hành vi bị cấm.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Có những trường hợp thiếu hiểu biết mà đăng tải thông tin nhưng không lường trước được hậu quả xấu xảy ra nên có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Tuy nhiên nếu hành vi đăng tải thông tin sai sự thật mang tính “tái phạm”, có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại cho xã hội, cho nhà nước, cho tổ chức, cá nhân thì cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự những người vi phạm về tội "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015".

Một số luật sư có cùng quan điểm cho rằng, việc lan truyền, phát tát thông tin thất thiệt lên mạng xã hội gây rất nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, gây nhiễu loạn cuộc sống cần phải được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe.

Đ. Việt