Tòa tuyên án

Khai thác lâm sản trái phép, nhóm đối tượng lĩnh án

Văn Hà 10/09/2024 - 14:23

Ngày 10/9, tại Nhà văn hóa xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), TAND huyện Đăk Hà đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án “Hủy hoại rừng” đối với bị cáo Lê Võ Văn Khương, A Huk, A Khuy, A Toang, Y Nen.

Theo cáo trạng, vào khoảng đầu tháng 1/2024, do cần đất để trồng cây keo nên Lê Võ Văn Khương (SN 1972, trú tại Thôn Kon Mong, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) đã thuê các bị can A Huk (SN 1997, trú Thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) A Khuy (SN 1998 trú, tại xã Đăk Long, huyện Đăk Hà), A Toang (SN 1983, trú xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) và Y Nên (SN 1974, trú xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) đi chặt, phá cây rừng.

point-blur_sep102024_095303.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa.

Sau đó, Khương dẫn 4 người trên đến vị trí mà Khương chọn để chặt, phá rừng làm rẫy trồng cây keo tại khoảnh 9, tiểu khu 325 do hộ ông A Hlim và A Lip quản lý thuộc xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Quá trình thực hiện công việc A Huk, Y Nen, A Khuy, A Toang dùng dao chặt phá các cây rừng là tre, nứa, lồ ô, cây gỗ có đường kính thân nhỏ, còn các cây gỗ có đường kính thân lớn thì Khương dùng cưa máy (loại cưa xích cầm tay) để cắt hạ, chặt phá.

Tổng diện tích phá là 22.019,2 m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

fb_img_1725936747791.jpg
Thông qua phiên tòa lưu động, HĐXX đã tuyên truyền pháp luật đến với người dân.

Hành vi của Lê Võ Văn Khương, A Huk, A Khuy, A Toang, Y Nên là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, xâm phạm đến sự ổn định bền vững môi trường sinh thái, môi trường tự nhiên được pháp luật hình sự bảo vệ. Do đó, đã phạm vào tội Hủy hoại rừng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Võ Văn Khương 45 tháng tù, A Huk 15 tháng tù, A Khuy 19 tháng tù, A Toang 15 tháng tù và Y Nên 12 tháng tù về tội danh trên.

Phiên tòa xét xử lưu động lần này cũng đã thu hút nhiều người dân địa phương tham gia. Qua phiên tòa, HĐXX đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân địa phương, đặc biệt là người đồng bào DTTS nhằm hạn chế phá rừng, vi phạm pháp luật.

Văn Hà