Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời 7 vấn đề "nóng" nhất báo chí nêu
Chính trị - Ngày đăng : 13:24, 23/07/2016
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí, sáng 23/7
1. Nợ công: "Các phân tích cho thấy nợ công nhiều khả năng vượt giới hạn, nếu vượt thì ai chịu trách nhiệm, và bà sẽ làm gì để giảm nỗi lo của nhân dân trước vấn đề này?" phóng viên đặt câu hỏi với Chủ tịch Quốc hội .
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công. Tất nhiên trong vấn đề nợ công thì Quốc hội có trách nhiệm khi quyết định bội chi, phát hành trái phiếu. Còn khi thực hiện thì cơ quan chấp hành của Quốc hội là Chính phủ thực hiện trong điều hành.
Trước đây nợ công không quá 65% và hiện vẫn dưới 65% nhưng nợ Chính phủ vượt 0,3%. Quốc hội khoá này quyết tâm kiểm soát chặt chẽ nợ công và tính toán lại cách xác định nợ công cho đúng. Người ta có thể vượt 100%, 200% không sao nhưng Việt Nam 65% thì có an toàn hay không? Chính phủ sẽ có báo cáo nợ công riêng để Quốc hội thảo luận.
Hiện nay nợ nằm trong tầm kiểm soát, nhưng Quốc hội quan tâm không phải là dưới hay vượt 65% mà an toàn phải là vay thì đến hạn phải trả cho được, vay làm gì, thực hiện hiệu quả hay không mới là an toàn nợ công. Vay đúng mục đích và hiệu quả thì vay là cần thiết, nền kinh tế chịu được và đến hạn có tiền trả là an toàn. Nợ công hiện có vấn đề là vẫn mức kiểm soát nhưng đến thời hạn trả nợ có khó khăn, chưa có đủ nguồn lực để cân đối trả nợ đúng hạn, xảy ra vay để đáo hạn, tức vay mới trả nợ cũ.
Quốc hội có những điều chỉnh giảm áp lực bằng nghị quyết, như thay đổi cơ cấu nợ trong nước và nợ nước ngoài; cơ cấu vay ngắn hạn sang trung hạn và dài hạn để giảm áp lực trả nợ. Xu hướng này đang diễn ra cả nước.
Quốc hội quyết tâm để Việt Nam không giẫm lên vết xe đổ của quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ. Ta quy mô ngân sách nhỏ, quốc gia đang phát triển nên cần vay nhưng quyết tâm không đi theo vết xe đổ nên Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ.
Cơ quan Quốc hội khi thẩm tra là kiểm soát nợ công, không để bội chi tăng lên mà dần kéo xuống. Khoá trước cố gắng nhưng chưa làm được thì khoá này sẽ nỗ lực đưa về quỹ đạo an toàn.
2. Chống tham nhũng: "Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn Quốc hội chống mọi biểu hiện quan liêu tham nhũng tiêu cực. Cá nhân bà sẽ làm gì để Quốc hội đạt được điều này?", phóng viên đặt câu hỏi.
"Khi tuyên thệ, chúng tôi không nói cụ thể chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng nói trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp thì có nghĩa phải chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.
Và để chống thì trước hết phải làm luật pháp cho tốt, rà soát cho chặt chẽ, minh bạch, công khai, rõ ràng để không ai lợi dụng khe hở, khoang trống luật pháp để thực hiện hành vi tham nhũng. Còn quan liêu thuộc phạm trù gắn với đạo đức công vụ, quá trình từ chính sách đến con người. Quốc hội sẽ làm luật cho đảm bảo khả thi, sau đó phải giám sát xem vận dụng, thực hiện pháp luật có đúng hay không.
Khi quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, để chống tham nhũng, tiêu cực thì vấn đề được đặt ra nghiêm túc. Như dự án sân bay Long Thành, ngay từ chủ trương đã được rà soát kỹ, xem có nên làm hay không, vì sao làm, quy mô ra sao, làm ở đâu, ai làm, đụng tới bao nhiều cuộc sống người dân...? Tức khi quyết định thì phòng tránh tiêu cực tham nhũng từ khâu chủ trương, còn khi triển khai thì giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan Quôc hội và Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội trả lời.
3. Formosa: Phóng viên đề nghị Chủ tịch Quốc hội cho biết ý kiến cá nhân về phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cho rằng cần lập uỷ ban điều tra về Formosa.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay chưa có chủ trương lập uỷ ban lâm thời. Để có kết luận về Formosa, Chính phủ đã rất cố gắng, tổ chức gây ra đã nhận lỗi và cam kết khắc phục, đó là thắng lợi bước đầu.
"Dân nói là chậm, nhưng không nhanh được đâu, vì cần phải có bằng chứng khoa học thì người ta mới thừa nhận. Chưa đặt ra vấn đề về lập Ủy ban lâm thời, nhưng sẽ giám sát. Bộ Chính trị đã có nhiều phiên họp và chỉ đạo chặt chẽ, mới có kết quả như vừa qua", bà Ngân nói.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, không chỉ Chính phủ, các cơ quan chức năng mà Quốc hội cũng đang có nhưng giám sát độc lập riêng để đánh giá đầy đủ, khách quan. Hiện tại chưa cần thiết đặt vấn đề lập ủy ban lâm thời để giám sát xử lý vụ Formosa như có ĐBQH đề xuất mà Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện các kết của Formosa và có các biện pháp giám sát phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Hiến pháp đã nêu rõ nhân dân được quyền sống trong một môi trường trong lành, bất cứ cá nhân tổ chức nào làm cho môi trường sống của cá nhân không trong lành thì phải chịu trách nhiệm. Vụ Formosa là bài học, kinh nghiệm đắt giá để chúng ta đánh giá lại, xem xét môi trường đầu tư, thu hút đầu tư thời gian tới”.
4. Võ Kim Cự: "Trong vụ Formosa, báo chí rất khó tiếp cận các đại biểu có liên quan, như nguyên Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự, xin Chủ tịch Quốc hội bình luận", phóng viên đặt vấn đề.
“Cụ thể với trường hợp của ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nếu đúng như báo chí phản ánh về việc đại biểu Quốc hội này né tránh báo chí, tôi sẽ gặp gỡ ông Võ Kim Cự để nhắc nhở.
Tất nhiên trả lời báo chí hay không là quyền của đại biểu nhưng đã là đại biểu Quốc hội thì phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, không né báo chí, nhất là khi mình là lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp liên quan đến giai đoạn cấp phép cho Formosa. Trong các sinh hoạt của Quốc hội, tôi sẽ đề nghị các đại biểu Quốc hội cung cấp thông tin cụ thể” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
5. Bổ nhiệm cán bộ ồ ạt: Phóng viên nêu về vấn đề giám sát đối với việc bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ, như ở Bộ Công Thương vừa qua, với trường hợp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
"Trong giám sát, không phải lúc nào cũng đổ hết lỗi cho Chính phủ cả. Quốc hội cũng phải chịu trách nhiệm với hoạt động giám sát của mình, nếu ở đâu đó có sai phạm. Quốc hội vì vậy phải tăng cường thêm trách nhiệm với chính mỗi đại biểu", Chủ tịch Quốc hội trao đổi.
6. Chủ quyền biển đảo: Phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề chủ quyền biển đảo tại Quốc hội khóa XIV sẽ được đặt ra thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Việt Nam nhất quán lập trường và không có gì thay đổi từ trước tới nay, chủ quyền là điều thiêng liêng, phải bảo vệ. Người dân Việt Nam hơn ai hết yêu hòa bình, có biện pháp kể cả đấu tranh chính trị, ngoại giao và thực địa để bảo đảm chủ quyền của chúng ta, trên cơ sở tôn trọng hòa bình, ổn định trong khu vực để có hoà bình, ổn định để phát triển.
Chúng ta không hiếu chiến, đề nghị các nước không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực. Không phải cứ hô hào thật to, kích động là có được chủ quyền. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ, nhưng chưa làm gì cho đất nước, chỉ nói và kích động làm rối tình hình. Chúng ta muốn giữ được biển đảo và vẫn giữ hòa bình. Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế.
Vừa rồi, Việt Nam không phải là một bên vụ kiện ở Biển Đông nhưng có lợi ích liên quan. Chúng ta phải theo dõi và đã lên tiếng. Người phát ngôn nói thì phải có chủ trương nhất quán, quan điểm nhất quán, xuyên suốt. Chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, xem có lời lẽ, cái gì động chạm tới lợi ích của chúng ta để lên tiếng.
Chúng ta luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, là một thành viên có trách nhiệm. Vụ việc giàn khoan Hải dương 981, chúng ta kiên cường trong 75 ngày đêm. Tàu chúng ta thì bé, lại ít, trang thiết bị chưa hiện đại, nhưng không giờ phút nào không có mặt ở thực địa để đấu tranh. Thậm chí bị vòi rồng, bị đâm cho vỡ tàu nhưng mang về sửa rồi tiếp tục đưa chiếc khác ra, liên tục như thế. Trên đấu tranh chính trị thì chúng ta có ý kiến, đề nghị không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế. QH gửi thư đề nghị tôn trọng chủ quyền. Ngoại giao nhân dân, đoàn công tác đi ra ngoài vận động quốc tế ủng hộ. Chúng ta tổ chức đưa 40 nhà báo nước ngoài, Việt nam ra thực địa. Tóm lại, lập trường không có gì thay đổi, QH khóa XIV không có gì thay đổi so với trước.
7. Luật Biểu tình: Quyền biểu tình của công dân đã được hiến định từ bản Hiến pháp đầu tiên, nhưng đến nay Quốc hội vẫn "nợ" dân. Liệu Quốc hội khoá 14 có trả "món nợ" này hay không?, phóng viên hỏi.
"Luật Biểu tình liên quan đến quyền của công dân, việc lùi là để nghiên cứu căn cơ thấu đáo phù hợp với tình hình của đất nước. Đất nước ta ổn định, trong khi nhiều nơi tình hình cho thấy rất lo lắng, nên việc ban hành luật phải phù hợp tình hình, bảo đảm lợi ích của đất nước, bảo đảm quyền của người dân, nhưng không làm rối loạn đất nước", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết, Luật Biểu tình sẽ được Quốc hội khoá 14 nghiêm túc xem xét sau khi Chính phủ trình, chứ không lùi vô thời hạn.