TAND và Công an TP.HCM ký kết quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh trật tự tại Tòa án
Sáng 9/9, TAND TP.HCM và Công an TP.HCM tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở TAND. Quy chế phối hợp không chỉ là văn bản pháp lý mà còn là minh chứng cho cam kết về trách nhiệm và quyết tâm của hai ngành trong việc bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ sự công bằng, minh bạch trong hệ thống tư pháp.
Đến dự lễ ký kết có ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Trưởng ban Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM; ông Lê Thanh Phong, Thành ủy viên, Chánh án TAND TP.HCM; Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM; các Pho Chánh án, lãnh đạo các Phòng, Tòa và TAND 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức; lãnh đạo các Phòng, Công an 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Quy chế phối hợp được ký kết nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự các phiên tòa và an ninh trật tự tại trụ sở Tòa án.
Về công tác phối trong công tác đảm bảo an ninh tại các phiên tòa, quy chế quy định đối với phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình có tính chất phức tạp cần có sự bảo vệ của lực lượng Công an thì Tòa án có trách nhiệm gửi lịch xét xử và công văn đề nghị bảo vệ phiên tòa đến Công an TP.HCM trước 05 ngày làm việc để Công an TP.HCM chủ động phân công lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự các phiên tòa.
Đối với phiên tòa xét xử các vụ án lớn, trọng điểm, xâm phạm an ninh quốc gia, án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và những vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc số lượng người tham gia tố tụng lớn, dễ dẫn đến tình huống tập trung đông người gây mất an ninh trật tự thì TAND TP.HCM có trách nhiệm gửi công văn yêu cầu, kèm kế hoạch xét xử trong đó nêu rõ đặc điểm, tính chất vụ án, số lượng người tham dự đến Công an TP.HCM trước 07 ngày làm việc để Công an TP.HCM có thời gian khảo sát thực tế vị trí, địa điểm xét xử, nắm chắc tình hình ANTT, xây dựng kế hoạch và xử lý tốt các tình huống có thể phát sinh phức tạp.
Công an TP.HCM phân công lực lượng bảo vệ các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình có tính chất phức tạp theo đề nghị của TAND TP.HCM.
Đối với phiên tòa xét xử các vụ án lớn, trọng điểm, xâm phạm an ninh quốc gia, án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và những vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, Công an TP.HCM có trách nhiệm phân công, chỉ đạo các lực lượng thuộc các phòng nghiệp vụ nắm tình hình, phân công lãnh đạo, chỉ huy trao đổi và làm việc trực tiếp với lãnh đạo Văn phòng TAND TP.HCM để thống nhất phương án, kế hoạch để kiểm soát chặt chẽ an ninh người vào tham dự, đảm bảo tuyệt đối an toàn phiên tòa.
Đối với phiên tòa xét xử trực tuyến, TAND TP.HCM có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Công an TP.HCM trước 03 ngày làm việc để chuẩn bị các trang thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến, đảm bảo yêu cầu về đường truyền, hệ thống an ninh, chống lộ lọt thông tin.
Về nội dung phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở Tòa án, quy chế quy định TAND TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và truyền thông thường xuyên tổ chức họp báo, cung cấp thông tin để người dân nắm về thời gian, lịch tiếp công dân, tổ chức phiên tòa, triệu tập người bị hại tham dự và theo dõi phiên tòa... nhằm ngăn ngừa việc người dân tự ý kéo đến trụ sở Tòa án tụ tập, gây rối, đòi tham dự phiên tòa hoặc làm mất trật tự khi giải quyết những việc hành chính liên quan.
Đồng thời, chủ động phối hợp với Công an địa phương nơi đặt trụ sở để xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở Tòa án; phòng chống tội phạm, tệ nạn, buôn bán hàng rong trước cổng và xung quanh khu vực trụ sở TAND TP.HCM.
Khi phát sinh các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự tại trụ sở, TAND TP.HCM thông tin về Công an TP.HCM để Công an TP.HCM huy động lực lượng, triển khai phương án phù hợp nhằm ngăn chặn ngay, dứt điểm hành vi gây mất an ninh, trật tự tại trụ sở Tòa án.
Phát biểu tại lễ ký kết, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, Công an TP.HCM đã phân công trên 41.000 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối 2.751 phiên tòa xét xử các cấp, trong đó có nhiều phiên tòa có nhiều bị cáo, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Công an TP.HCM đã phối hợp tốt với TAND TP.HCM trong việc chuẩn bị, từ đó các phiên tòa diễn ra thuận lợi, rút ngắn thời gian xét xử và đã được lãnh đạo Thành ủy, UBND, Ban Nội chính TP.HCM và Bộ Công an đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp còn phát sinh một số hạn chế, Công an và TAND TP.HCM đã họp rút kinh nghiệm. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Công an và TAND TP.HCM xây dựng kết quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở TAND.
Quy chế phối hợp là cơ sở để gắn kết hơn nữa mối quan hệ công tác, tạo cơ chế phối hợp nhịp nhàng, phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước khắc phục những sơ hở, thiếu sót giữa hai cơ quan.
Sau buổi ký kết, Công an TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch thực hiện quy chế phối hợp và chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương khẩn trương triển khai thực hiện, phối hợp với các TAND cấp huyện thực hiện các nội dung đã ký kết.
Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong bày tỏ niềm phấn khởi, cảm ơn sự chủ động của Công an TP.HCM trong việc xây dựng quy chế phối hợp. Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của lực lượng Công an TP.HCM, TAND hai cấp TP.HCM đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử.
Theo Chánh án Lê Thanh Phong, hiện nay việc gây rối trật tự không chỉ diễn ra tại phiên tòa mà còn trên không gian mạng. Đây là một hành vi mới, chúng ta cần phải quán triệt để cùng nhau giữ gìn trật tự xã hội, trị an trên không gian mạng.
Ngoài ra, để hỗ trợ quy chế này thực hiện đạt hiệu quả, chúng ta vận dụng Luật An ninh mạng, Pháp lệnh số 02//2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Thông qua quy chế này, sắp tới có sự phối hợp giữa hai cơ quan sẽ cụ thể hơn để làm sao đảm bảo thời gian tiến hành phiên tòa đúng quy định, nhất là các TAND quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Sự phối hợp hiệu quả giữa Tòa án và Công an là một trong những yếu tố then chốt giúp cho tình hình an ninh trật tự tại các phiên tòa ngày càng tốt hơn, trong bối cảnh hoạt động tư pháp ngày càng trở thành trung tâm, cải cách mạnh mẽ như hiện nay.
Chánh án Lê Thanh Phong đề nghị TAND hai cấp TP.HCM tập trung nghiên cứu kỹ, nắm vững nội dung quy chế, nhất là các quy trình liên quan, trách nhiệm phối hợp.
Việc triển khai quy chế phải thực hiện đồng bộ, nghiêm minh tại các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Công an TP.HCM trong mọi tình huống, đặc biệt trong các phiên tòa trọng yếu, đảm bảo trật tự trước, trong và sau phiên tòa.
Các đơn vị Tòa án thường xuyên rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy chế, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để có phương án xử lý hiệu quả.
Đồng thời, thường xuyên trao đổi với Công an TP.HCM để đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện quy chế và thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế phù hợp với tình hình thực tế.
Chánh án Lê Thanh Phong khẳng định, quy chế phối hợp giữa Tòa án và Công an TP.HCM không chỉ là văn bản pháp lý mà còn là minh chứng cho cam kết về trách nhiệm và quyết tâm của hai ngành trong việc bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ sự công bằng, minh bạch trong hệ thống tư pháp.