Những Tòa án giữa trùng khơi

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 29/01/2017

Tôi đã từng đi qua nhiều đảo nổi, đảo chìm xa xôi, cách trở bậc nhất Việt Nam, đã từng đặt chân đến nhiều Tòa án huyện nằm giữa trùng khơi.

Ở những nơi sóng to gió cả, nhọc nhằn như thế, tôi đều thấy sáng lên cái tinh thần vượt khó của những người cán bộ TAND. Họ không chỉ làm những việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân phân công, giao phó mà hơn thế nữa, họ đã và đang có rất nhiều trăn trở với sự phát triển chung của cộng đồng. 

Thiếu khó bủa vây

Tuy là một trong 4 huyện đảo của cả nước được đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng toàn diện theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ, lại được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá và là nơi đầu tiên thí điểm phát triển tàu đánh cá và dịch vụ hậu cần vỏ thép, tăng cường khả năng bám biển cho ngư dân nhưng Lý Sơn vẫn còn phải đối mặt với vô vàn cam khó. Bởi, từ thuở “khai thiên lập địa” cho đến khi được chia tách ra khỏi Bình Sơn để thành lập một huyện riêng của tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1993, Lý Sơn vẫn còn hoang vu, khuất nẻo đến tột cùng. Sợi dây duy nhất nối đất liền với Lý Sơn là những tờ chiếu dụ của các triều đại vua chúa về việc cử trai phu đi lính Trường Sa.

Do được hình thành sau quá trình trào phun rồi đồng kết của 5 ngọn núi lửa từ hàng ngàn, hàng triệu năm về trước nên giờ trên khắp đảo chỉ toàn đá với bời bời cát trắng. Hoang vu như thế, đất đai trơ khấc bạc màu như thế nên cuộc sống của người dân cũng như những cán bộ công tác ở đây từ xưa đến nay chưa bao giờ thôi khốn khó. Trong đó, có tập thể cán bộ, công chức TAND huyện Lý Sơn...

Chánh án TAND huyện Lý Sơn Phạm Văn Biểu cho biết: “TAND huyện Lý Sơn được thành lập từ ngày 1/1/1993. Khi đó, huyện mới chia tách, lại nghèo, nên trụ sở Tòa án chỉ là căn nhà cấp 4 mượn tạm của Hợp tác xã An Hải, xập xệ, dột nát. Bàn ghế, trang thiết bị làm việc thiếu thốn trăm bề. Ban đầu đơn vị chỉ có 3 cán bộ được tăng cường từ đất liền ra, mãi những năm sau mới bổ sung thêm. Hồi đó, phần lớn anh em đều phải ở nhờ nhà dân, chứ đến trụ sở còn phải đi mượn, lấy đâu nhà công vụ? Phải mãi tới tháng 8/2012, tức là sau gần 20 năm thành lập, Tòa án huyện mới được cấp trên đầu tư, cấp kinh phí xây dựng trụ sở mới ở xã An Vĩnh, gần trung tâm huyện”.

Từ ngày chuyển sang trụ sở mới, không còn phải lo mỗi khi trời mưa gió, nhưng anh em trong đơn vị Tòa án huyện vẫn còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khác như địa bàn phụ trách rộng, một số xã đảo nằm tách biệt hẳn với trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thụ lý và giải quyết các loại án của Tòa án huyện.

Nhưng ám ảnh nhất đối với phần lớn anh em trong đơn vị là việc thiếu nước ngọt và chuyện đi công tác trong đất liền. Tính đến giờ, ngoài thứ Bảy, Chủ nhật và những dịp đặc biệt thì mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến tàu cao tốc ra Lý Sơn và ngược lại. Muốn có mặt trên chuyến tàu đó, từ Bí thư, Chủ tịch huyện đến bà buôn thúng bán bưng đều phải xếp hàng mua vé từ 4,5 giờ sáng. Ra muộn hết vé, hoặc khi gia đình có việc gì cần kíp thì chỉ còn cách duy nhất là đi nhờ tàu cá của ngư dân.

Những Tòa án giữa trùng khơi

Chánh án TAND huyện Lý Sơn Phạm Văn Biểu

Khó khăn chất chồng như thế nhưng vì nhiệm vụ cấp trên giao phó và trên hết là vì muốn xua đi những phong tục tập quán, những thói quen cổ hủ, lạc hậu của người dân xứ đảo, nên anh em trong Tòa án huyện luôn động viên, giúp đỡ lẫn nhau để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “Lý Sơn là huyện đảo, xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu làm nghề biển, quanh năm đánh bạn với sóng nước, ít có điều kiện học hành và tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên mọi kiến thức nói chung, cũng như nên trình độ nhận thức về pháp luật của họ còn rất nhiều hạn chế. Nhiều khi mâu thuẫn phát sinh từ những lý do hết sức đơn thuần. Nếu mình tìm cho được nguyên nhân chủ yếu phát sinh mâu thuẫn ấy để kịp thời vận động, thuyết phục thì khả năng hòa giải thành sẽ rất cao”, anh Vũ Ngọc Thông, Thẩm phán TAND huyện Lý Sơn tâm sự.

Cũng chính vì cái phương châm làm việc “gần dân, hiểu dân” ấy nên mỗi khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, anh Thông cũng như các cán bộ trong đơn vị luôn chủ động đi sâu, đi sát xuống địa bàn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng liên quan tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời đưa ra hướng xử lý. Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi như thế nên trong nhiều năm liền, tỷ lệ giải quyết án của TAND huyện Lý Sơn luôn đạt rất cao, vừa góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, vừa từng bước xóa đi những “khoảng trống về pháp luật” cho người dân trên đảo.

Giữ gìn công lý nơi đầu sóng

Cũng công tác nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng những khó khăn mà anh em trong TAND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) gặp phải lại khác nhiều, nếu không muốn nói là ngược lại so với những đồng nghiệp ở Lý Sơn. Nếu như ở Lý Sơn, mọi khó khăn đều xuất phát từ giao thông cách trở, kinh tế, hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, thiếu thốn thì ở Phú Quốc, khó khăn của anh em trong Tòa án huyện lại bắt nguồn từ sự sự phát triển quá “nóng” của hòn đảo được mệnh danh là Đảo Ngọc của Việt Nam. Bởi, cùng với sự phát triển với tốc độ chóng mặt ấy thì Phú Quốc phải đối mặt với nhiều hệ lụy, tác động không nhỏ đến đời sống, xã hội.

Trong những năm gần đây, Phú Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, đời sống dân sinh đã có những đổi thay rõ rệt. Hàng loạt các đại dự án đã và đang triển khai đi vào hoạt động, tốc độ xây dựng và kết nối hạ tầng diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Dự báo trong tương lai không xa, đảo Phú Quốc sẽ trở thành Trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước và khu vực. Song, đi cùng với sự phát triển về kinh tế ấy, tình trạng vi phạm pháp luật và các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp về đất đai không ngừng gia tăng và diễn ra ngày càng gay gắt.

Những Tòa án giữa trùng khơi

Trụ sở làm việc của Tòa án huyện Phú Quốc ngày càng xuống cấp

Thẩm phán Trương Quốc Triều, Chánh án TAND huyện Phú Quốc cho biết, những năm gần đây, các tranh chấp dân sự chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai chiếm xấp xỉ 80% số lượng án thụ lý. Để giải quyết các tranh chấp này mất rất nhiều thời gian và công sức. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đặc thù của Phú Quốc là huyện đảo nên phần lớn nguồn gốc đất gần như do người dân tự khai phá, kê khai. Bên cạnh đó, chính sách quản lý đất đai trước đây còn nhiều lỏng lẻo, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập.

Ở Phú Quốc, người dân mua bán chuyển nhượng đất chủ yếu là viết giấy tay. Đó là chưa kể đến tình trạng những người mua bán, chuyển nhượng phần lớn là người trong đất liền, thậm chí có người ở tận Hà Nội, Nam Định, Thái Bình... Khi thụ lý giải quyết các tranh chấp, Tòa án huyện phải mất rất nhiều thời gian và công sức làm thủ tục ủy thác cho các đơn vị thực hiện. Mặt khác, đơn vị còn gặp phải nhiều khó khác trong việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến đất đai do chưa có sự đồng bộ, còn nhiều vướng mắc trong cơ chế phối hợp.

  Hơn nữa, do giá đất cao, mâu thuẫn lợi ích vật chất ngày càng trầm trọng nên trong quá trình giải quyết tranh chấp, cán bộ Tòa án huyện gặp rất nhiều trở ngại từ phía các đương sự. Điều đó dẫn đến tỷ lệ hòa thành đạt thấp. Còn trong việc giải quyết án kinh doanh thương mại, nhiều đương sự cố tình trốn tránh, không hợp tác. Thậm chí có đương sự thuê nhà làm trụ sở hoạt động nhưng khi bị khởi kiện thì trả nhà và không để lại địa chỉ, gây mất thời gian trong việc giải quyết án. Những đương sự trong các vụ án này thường ở nhiều địa phương khác nhau, nên việc triệu tập lấy lời khai, cung cấp chứng cứ rất khó khăn.

Những Tòa án giữa trùng khơi

Hàng tháng mỗi cán bộ TAND huyện Phú Quốc phải mất thêm 2-3 triệu tiền vé tàu ra đảo

Chỉ tính riêng trong năm 2016, trong số 1008 vụ, việc mà TAND huyện Phú Quốc thụ lý thì số vụ, việc liên quan đến đất đai chiếm đến gần 800 vụ. Với tình hình biến động đất đai trên địa bàn Phú Quốc diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là giá đất ngày càng “sốt” thì phát sinh tranh chấp sẽ không dừng lại. Trong khi đó, đơn vị hiện nay chỉ có 9 Thẩm phán/20 cán bộ. Tính trung bình mỗi Thẩm phán phải thụ lý và giải quyết gần 120 vụ, việc/năm. Đây quả là áp lực đối với đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của Tòa án huyện Phú Quốc.

Bên cạnh đó, anh em trong Tòa án huyện đảo của tỉnh Kiên Giang này còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác, đó là trụ sở chật hẹp, xuống cấp, trang thiết bị làm việc vừa thiếu, vừa yếu, nhưng đặc biệt là khó khăn về giao thông đi lại. Cả đơn vị có 20 cán bộ, công chức thì có đến 2/3 là người gốc gác đất liền. Vậy là cứ mỗi tuần, anh em đều đặn phải mất hai lượt đi và về bằng tàu cao tốc. Giá vé đồng hạng 340 ngàn/một lượt, vị chi cả tháng mất chòm chèm 2-3 triệu đồng. Vậy là ngoài chuyện phải chịu giá cả leo thang do các mặt hàng trên đảo đều cao hơn ở đất liền do công vận chuyển, đồng lương, đồng phụ cấp của anh em lại phải cõng thêm khoản vé tàu. Xa xôi, cách trở là thế nên nhiều khi gia đình có công việc đột xuất như vợ ốm, con đau, không mua được vé tàu, anh em cũng đành phải chịu.

    Dẫu đã và đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn như thế, nhưng trong nhiều năm qua, anh em trong Tòa án huyện vẫn luôn động viên nhau, cố gắng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Giờ, điều mong mỏi nhất của toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị là được cấp trên đầu tư thêm trang thiết bị làm việc, tăng cường Thẩm phán và bổ sung nguồn ngân sách hoạt động. Được như thế, chắc chắn đơn vị TAND huyện Phú Quốc sẽ ngày càng lớn mạnh, đóng góp chung vào sự phát triển trên hòn Đảo Ngọc của Việt Nam. 

PV