Nông dân vùng “rốn” lũ và những mong ước đầu Xuân

Đời sống - Ngày đăng : 13:03, 28/01/2017

Phải hứng chịu 2 đợt mưa lũ lớn vào cuối năm 2016, nhiều bà con nông dân ở Quảng Nam phút chốc trở thành kẻ “trắng tay”. Trong những ngày đầu Xuân 2017, họ có những mong ước cho một năm mới Đinh Dậu tươi sáng hơn.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn UBND tỉnh Quảng Nam, sau trận mưa lũ vào hồi tháng 12/2016, số hoa màu thiệt hại trên toàn tỉnh là hơn 3.000 ha, tập trung ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn, Nông Sơn, Đông Giang... Trong đó bị thiệt hại nặng nhất là vùng “rốn” lũ huyện Đại Lộc với 2.200 hoa màu. Liên tiếp phải hứng chịu 2 đợt mưa lũ lớn vào cuối năm Bính Thân, đã khiến bà con nông dân nơi đây “trắng tay” sau một đêm.

Bà Nguyễn Thị Bảy (62 tuổi, trú thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc) cho biết, theo kinh nghiệm người dân truyền tai nhau bao đời nay, qua ngày 23/10 âm lịch thì sẽ không có mưa lũ nữa. Lúc đó bà con sẽ xuống giống trồng rau để bán trong dịp Tết Nguyên Đán.

“Thế nhưng năm nay dù đã đến nửa tháng 11 âm lịch rồi mà vẫn còn lũ. Không chỉ một mà đến hai trận mưa lũ liên tiếp khiến người dân không kịp trở tay. Thời tiết khắc nghiệt, lũ về bất ngờ, cộng với nhiều thủy điện cùng xả lũ đã làm rau màu của bà con chúng tôi hư hại hoàn toàn”, bà Bảy nói trong xót xa.

Nông dân vùng “rốn” lũ và những mong ước đầu Xuân

Trong những ngày đầu Xuân, bà con nông dân Quảng Nam cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà để yên tâm sản xuất và phát triển kinh tế

Mất trắng sau 2 trận mưa lũ lớn, trong những ngày đầu năm mới, bà Bảy rất hoang mang cho vụ mùa sắp đến. “Với thời tiết bất thường và nhiều thủy điện xả lũ cùng lúc như thế này, chúng tôi rất hi vọng các ngành chức năng có định hướng hay cảnh báo kịp thời về tình trạng mưa lũ để bà con nông dân có biện pháp xuống giống vào thời điểm thích hợp, tránh tình trạng bị thiệt hại nặng nề như trận mưa lũ vừa qua. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn chính quyền các cấp, quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí, cây giống… cho bà con khắc phục thiệt hại sau lũ để tiếp tục canh tác trong năm tiếp theo”, bà Bảy bày tỏ.

Cùng quan điểm với bà Bảy, ông Huỳnh Chín (55 tuổi, trú thôn Bàu Tròn) chia sẻ, đợt mưa lũ cuối năm Bính Thân đã có nhiều tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, làm chết nhiều gia súc, gia cầm, thuỷ sản và cây trồng… gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhân dân. Việc sản xuất hiện nay vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đầu xuân Đinh Dậu, người nông dân không mong gì hơn, cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình.

Sơn Tùng