Giáo dục

Hà Nội: Học sinh nghỉ học từ 7/9 cho đến khi bão tan

Minh Lý 06/09/2024 - 18:07

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thành phố Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc 3061/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 06/9/2024 gửi các phòng GD-ĐT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trực thuộc về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi) trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả cơn bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị, nhà trường triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, lưu ý các phòng GD-ĐT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các trường học trực thuộc, học sinh toàn thành phố nghỉ học (bao gồm học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa) từ ngày 7/9 (thứ bảy) cho đến khi bão tan. Yêu cầu nhà trường tổ chức ứng trực 24/24 giờ; triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt và thông tin kịp thời, đầy đủ đến giáo viên, phụ huynh và học sinh để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Các đơn vị, nhà trường cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết để chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.

chu-dong-ung-pho-voi-con-bao-so-3-yagi-tren-dia-ban-thanh-pho.-anh-minh-hoa-..png
Chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi) trên địa bàn Thành phố. (Ảnh minh họa).

Các đơn vị, nhà trường cần chủ động rà soát, sẵn sàng các kế hoạch triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với điều kiện nhà trường. Đồng thời, rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường, nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gẫy, đổ thì phải báo cáo để xử lý kịp thời; trường hợp chưa thực hiện ngay được thì phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, phương án báo cáo các đơn vị có thẩm quyền, bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và công trình trường học; di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, tài liệu, sách vở… đến nơi không có nguy cơ ngập úng, nhất là tại các trường có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, sạt lở đất; bảo đảm không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Trước đó, để chủ động ứng phó với bão số 3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra nghiêm túc triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ứng trực 24/24 giờ; giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra, thực hiện phương châm "4 tại chỗ".

Minh Lý