Tản mạn Tết quê

Đời sống - Ngày đăng : 18:57, 26/01/2017

Vậy là Xuân đã về sau những ngày đợi chờ đến cháy lòng. Ngoài kia, giọt sương mai e ấp nép mình bên sắc hồng của cánh đào đang độ xuân thì. Trong tiết trời se lạnh, trên con đường làng, những đứa trẻ đỏ hây hây đôi má đào, xúng xính áo mới đón xuân.

Tết của nội, của mẹ và của con

Một năm có bốn mùa nhưng mùa Xuân là mùa được mong đợi nhất và giây phút giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng. Ngày Tết về nơi Hà Tĩnh quê tôi, người dân đón Xuân có thể không được đủ đầy nhưng luôn ngập tràn tiếng cười, ấm áp bên bữa cơm đoàn viên.

Ngày còn nhỏ, cứ mỗi lần về thăm nội là y như rằng chúng tôi xúm lại, vừa ăn kẹo lạc vừa đòi nội kể chuyện Tết xưa. Người tò mò nhất phải nói đến anh Ngọc con bác Tuấn, một khi đã hỏi là đòi nội giải thích ra ngô ra khoai. Cũng có đứa ngồi im nghe nội kể, thi thoảng khóe mắt cay cay như cái Mai nhà chú Toàn.

Tết của nội là những ngày được ăn cơm trắng. Là có bánh chưng - thức quà mỗi năm chỉ thấy một lần. Với nội, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết niềm vui khi cùng cụ gói bánh chưng. Những hạt gạo nếp to tròn, trắng ngần cùng lá hành tăm xanh mướt sao đẹp lạ. Nhà nào khá khẩm hơn thì gói bánh bằng lá dong, có dăm ba hạt lạc làm nhân. Hồi đó, cụ gói bánh bằng lá chuối và nhân bánh chỉ có hành lá.

Tản mạn Tết quê

Niềm vui cả gia đình quây quần gói bánh chưng ngày Tết - Ảnh: Internet

Đến Tết của mẹ khá hơn một chút vì được ngoại mua cho áo mới. Ngày đó, mỗi chiếc áo vải “xoan hoa” có giá từ 3.000 - 4.000 nghìn đồng. Nhà ngoại có 7 người con nên ai được áo mới thôi quần mà được quần thì thôi áo. Mỗi năm, ngoại chỉ có thể mua đồ mới cho các con vào năm học mới và Tết nên ai cũng đếm lùi ngày đợi. Nếu Tết của nội chỉ có vài chiếc bánh chưng cúng gia tiên thì đến Tết của mẹ, ngoại đã làm được 7-8 chiếc. Ngoại bảo: “Cho dù khó đến mấy cũng phải chắt chiu làm đủ cho mỗi đứa một cái bánh chưng” mà tôi rưng rưng nước mắt.

Sống một đời vất vả nên cả nội, bố mẹ luôn cố gắng lo cho các con được no đủ. Ngày chị em tôi sinh ra không phải ăn ngô, sắn thay cơm và Tết đã có bánh chưng gói thịt mỡ dưa hành, quần áo mới. Mấy tháng giáp Tết, tôi hỏi mẹ riết sao bố đi làm về muộn, sao không ở nhà ăn cơm cùng con mà không hề biết bố đang làm thêm nhiều việc để con có cái Tết bằng bạn bằng bè.

Ngày mưa, khi đội thợ xây không có việc, bố cùng đàn ông trong làng đạp xe vào núi Mồng Gà hái lá dong về bán. Hai chị em tôi ở nhà chơi ô ăn quan, đánh đáo đợi bố về. Nghe tiếng bố đầu ngõ, hai chị em chạy ào xuống đón, vừa đẩy xe vừa ríu rít hỏi chuyện. Sau này, bố kể lại những lúc mệt mỏi, nụ cười con trẻ như liều thuốc thần kỳ.

Trọn vẹn tết đoàn viên

Có lẽ, điều mà lũ trẻ chúng tôi chờ đợi nhất là chợ phiên ngày Tết. Chợ Tết có nhiều thức quà, quần áo đẹp mà ngày thường không có. Như mọi năm, mấy chị em tôi lên vườn nội hái trầu, xếp thành từng liễn mang đi chợ Tết. Trầu Tết là trầu dành riêng cúng gia tiên, thổ công nên lá nào lá nấy phải xanh và đẹp. Vào đêm 28 Tết, nội xếp các liễn trầu vào chiếc rổ tre để sáng mai gọi các cháu dậy đi kịp giờ.

Chợ quê ngày Tết đông không sao tả, người đi trước thi thoảng phải quay lại ới người đi sau một tiếng. Rắc rối nhất phải kể đến lũ trẻ con, chợ Tết là một cơ hội để thỏa sự tò mò nên chúng luôn tìm cách buông tay mẹ, tay chị. Nhiều đứa mếu máo giữa chợ vì thấy gì cũng đòi mặc cho mẹ dỗ dành. Lúc này, cô bán hàng đành chiều các cô cậu bằng cách vừa bán vừa mừng tuổi năm mới.

Tôi nhớ mãi hình ảnh chiếc bánh chưng đầu tiên mình gói. Như thành lệ, đúng hôm 28 Tết, nội tôi qua từng nhà gói bánh cho các con. Lá dong xanh được rửa sạch, cắt gọn; gạo nếp vo trắng tinh để ráo nước; thịt ba chỉ trộn với dưa hành, tiêu cùng đỗ xanh đãi sạch vỏ. Có điều, nội tôi gói bánh chưng chỉ cần duy nhất một chiếc đũa. Đôi tay nội vừa nhanh nhẹn vừa tỉ mỉ, khéo léo, để chiếc bánh được đầy đặn bốn góc, nom đẹp nhất.

Thấy tôi chăm chú nhìn, nội hỏi cháu gái rằng muốn học gói bánh không. Chỉ chờ có vậy, tôi gập đầu cái rụp. Tôi cẩn thận xếp lá dong, đong gạo và lấy đỗ, thịt ba chỉ, dưa hành làm nhân. Chiếc bánh chưng đầu tiên của tôi không thật vuông vắn nhưng được nội khen khéo tay. Từ đó, Tết năm nào tôi cũng xung phong gói bánh cùng nội. Khi nội không còn, bố giao hẳn nhiệm vụ gói bánh cho tôi. Đến bây giờ, tuy đi học xa nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, tôi vẫn gói bánh chưng giúp bố mẹ.

Tản mạn Tết quê

Phiên chợ quê ngày Tết là điều những đứa trẻ chờ đợi nhất - Ảnh: Internet 

Bánh đã gói xong, bếp lửa cũng sẵn sàng, chị em tôi kháo nhau tối nay ai là người đi ngủ trước. Cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng kể về một năm đã qua. Dù Tết đã cận kề nhưng mẹ tôi luôn có những nỗi lo riêng. Năm đó, mẹ lo tôi thi đại học và lo cả việc làm thế nào để nuôi khi đỗ. Tuy động viên ba mẹ con nhưng sâu trong ánh mắt bố là cả một nỗi lo lớn.

Ngày Tết ở quê tôi, bọn trẻ thường rủ nhau ra sau đồi chặt cây thông non về trang trí. Hôm đó, thằng Nhật con chú Đông tham chọn cây nhiều cành sum suê nên lúc về không vác nổi phải hò mấy đứa đỡ cùng. Chúng tôi quy ước ngầm với nhau rằng cây thông Tết phải có đèn nhấp nháy đỏ vàng, bóng bay hình hoa mai. Thế nên, trước Tết cả tháng nhiều đứa đã nghĩ cách nịnh bố mua đèn nhấp nháy, dụ dỗ em gái đòi mẹ mua bóng bay.

Đón giao thừa là giây phút chờ đợi nhưng sau một ngày nghịch ngợm lũ trẻ không thức nổi. Sợ bị ngủ quên, tôi dặn mẹ gọi hai chị em dậy trước giao thừa một tiếng ngồi bếp lửa cho tỉnh táo. Cúng giao thừa xong, bố gọi hai con ra thắp hương xin gia tiên phù hộ năm mới học giỏi, nhiều sức khỏe. Sau đó, hai chị em cùng nhau viết chữ khai bút đầu Xuân.

Sáng mồng 1 Tết, tôi gọi em gái dậy từ sáng sớm mặc quần áo mới, cài lên mái tóc tơ chiếc nơ hồng mua hôm chợ phiên. Trên nhà nội, các bác, các chú cùng con cháu đã cùng nhau về đầy đủ. Cành đào chị em tôi xin ông cụ Tam làng bên nay đã nở hoa đúng dịp. Đầu ngõ, cái Thủy con bác Bình, cái Mơ con chú Tuấn… đã í ới gọi nhau khoe áo mới. Bên hiên nhà, bố bảo mẹ rằng bình hương năm nay cuốn vòm quăn đẹp, hi vọng một năm ăn nên làm ra.

Học trò chúng tôi hẹn nhau mồng 3 đạp xe đi chúc Tết thầy cô. Mẹ gói sẵn túi bánh, đôi cam mừng tuổi cô giáo và dặn dò đủ điều. Hồi đó, thăm nhà cô giáo là thích nhất bởi có nhiều kẹo ngon lại được mừng tuổi. Ra mồng 4, chúng tôi đi thăm nhà nhau. Nhiều đứa xe hỏng giữa đường và lúc đó bố, anh trai bạn học lại trở thành sợ sửa xe khéo tay. Tôi nhớ mãi hình ảnh cái Thanh giận dỗi bạn trong chiều muộn vì không kịp vào thăm nhà.

Sang mồng 5 Tết, đàn ông, trai trẻ trong làng hò nhau đi cày vỡ đầu Xuân. Trên cánh đồng, lũ trẻ con chân trần đuổi bắt dế, hít hà chật căng lòng ngực mùi của đất. Vậy là, một vụ mùa mới sắp bắt đầu, người nông dân lại tất bật với những lo toan nhưng hạnh phúc vì đã đón một cái Tết trọn vẹn. 

Phan Huyền