Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL
Ngày 20/9 tới đây, tại TP Cần Thơ, Báo Công lý sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL".
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; là ngành kinh tế quan trọng và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác…
Thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, ngành du lịch ĐBSCL nói riêng đã nỗ lực không ngừng, kịp thời khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, đưa du lịch tiếp tục phát triển và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, có diện tích khoảng 40.000 km2 với dân số gần 18 triệu người, có 4 dân tộc anh em (Kinh, Khmer, Hoa, Chăm) sống chan hoà tình cảm, nghĩa tình và mến khách.
Với những phong tục tập quán sinh hoạt cộng đồng độc đáo từ nhiều thế kỷ qua, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những sản phẩm chủ đạo là: du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; biển, đảo; du lịch lễ hội văn hoá, lịch sử; ẩm thực và du lịch MICE… ĐBSCL được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của quốc gia và là điểm đến an toàn, có sức hấp dẫn du khách gần xa.
Thời gian qua, ngành du lịch ĐBSCL đã nỗ lực phấn đấu vươn lên và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhưng tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, trong đó có những hạn chế và khó khăn nhất định về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thực thi pháp luật về du lịch.
Việc xây dựng sản phẩm, công tác tổ chức, liên kết hợp tác, vận hành hoạt động cung cấp dịch vụ đến du khách còn bộc lộ nhiều hạn chế. Mục tiêu đặt ra là cần tập trung xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng nói chung và nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch nói riêng; hoàn thiện và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch.
Báo Công lý - Cơ quan ngôn luận của TANDTC phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL”.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà quản lý; các chuyên gia, các viện, trường đại học, cao đẳng du lịch và các tổ chức kinh doanh du lịch tại ĐBSCL trong việc đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL.
Hội thảo sẽ ra vào ngày 20/9/2024, tại khách sạn Mường Thanh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ với sự tham dự của lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Sở quản lý về du lịch; lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia...
Ban tổ chức trân trọng cám ơn các đơn vị đồng hành cùng hội thảo:
1. Công ty TNHH Thẩm mỹ Linh Anh Sai Gon
2. Tập đoàn Vingroup-Công ty CP
3. Công ty cổ phần Thương Mại Dịch vụ Kim Thủy Lâm
4. Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu
5. Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank)