Nỗi niềm những lao động nghèo không về quê đón Tết
Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 23/01/2017
Làm thêm ngày Tết để gửi tiền về phụ giúp gia đình
“Cứ thấy anh em trong xóm trọ hồ hởi thu dọn đồ, mua sắm quà, tíu tít gọi nhau về quê đón Tết là mình lại thấy buồn”, đó là tâm sự của Phan Trường ( 23 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình) khi anh không thể về quê cùng đón Tết với gia đình.
Trường sinh ra trong một gia đình thuần nông, quanh năm lam lũ ruộng đồng, cuộc sống có nhiều vất vả. Bố Trường không may mắc bạo bệnh rồi qua đời, lúc đó Trường mới học lớp 7. Thương mẹ mình vất vả, học hết cấp 2, Trường đã xin nghỉ học, ở nhà đi làm phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống gia đình.
Vì còn chưa đến tuổi lao động nên Trường nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi mà không có công ty nào nhận. Nghe theo lời người quen giới thiệu vào trong miền Nam kiếm việc sẽ dễ dàng hơn, thu nhập lại cao nên Trường cũng xin mẹ để theo người họ hàng đó vào Nam lập nghiệp.
Nghĩ lại những ngày đầu “chân ướt chân ráo” vào thành phố xin việc, Trường kể: “Ngày đầu vào đây xin việc, mình lớ ngớ lắm, cũng xin việc nhiều nơi nhưng người ta không nhận. Nộp đơn xin việc vào đâu người ta cũng chê mình ít tuổi, vóc dáng lại nhỏ bé sợ không đủ sức khoẻ làm việc. Cuối cùng may mắn có người quen giới thiệu, mình được nhận vào làm bưng bê cho một quán cơm với mức lương 2 triệu đồng và được nuôi ăn. Với thu nhập đó mình cũng tằn tiện chi tiêu hàng tháng và có tiền gửi về phụ giúp mẹ được đôi phần”.
Đến nay, Trường đã vào Sài Gòn được 7 năm. Anh đã trải qua rất nhiều công việc từ làm nhân viên bưng bê quán ăn, đến làm phụ bếp cho một nhà hàng uy tín...Hiện nay, anh đang làm phụ quay cho một đoàn làm phim trong đó với mức lương 6 triệu đồng/ tháng.
Trong 7 năm đó, anh mới về quê được 2 lần. Mặc dù đã quen với việc xa nhà, nhưng mỗi lần “năm hết Tết đến”, anh em cùng làm với anh náo nức gọi nhau về quê, Trường lại cảm thấy nhớ nhà da diết. Anh nhớ những ngày nhỏ được cùng mẹ ngồi canh nồi bánh chưng, bữa cơm tất niên đầm ấm với gia đình và những lời chúc thân thương mọi người trong gia đình anh dành cho nhau.
“Cứ thấy tiếng tivi của nhà chị hàng xóm mở những bài hát rộn ràng đón Tết là mình lại thấy nao nao trong lòng. Tết năm nào mẹ mình cũng gọi hỏi có về quê không? Nhưng vì chi phí đi lại khá đắt, mình không về quê là có thể tiết kiệm được một khoản tiền gửi về cho mẹ dưỡng bệnh. Không về được quê mình cũng thấy day dứt lắm, nhớ gia đình, nhớ bạn bè. Hoàn cảnh gia đình éo le, quần quật cả năm mưu sinh nhưng cũng không khá giả gì nên mình đành ngậm ngùi ở lại. Năm ngoái ông ngoại mình mất mình cũng không ở nhà được lâu, nhiều lúc tự cảm thấy bản thân có lỗi nhưng không biết làm sao cả…”, Trường cười, che giấu giọt nước mắt đã trực nơi khoé mi.
Để thay đổi không khí trầm buồn, Trường cười lớn: “Mọi năm trong này đón Tết mình thường lượn xe đi thăm phố phường, xem pháo hoa rồi mua ít đồ nhắm về liên hoan cùng những người bạn trong xóm trọ cũng có hoàn cảnh như mình. Ở những nơi đất khách quê người, tình cảm anh em lao động dành cho nhau cũng rất chân thành, đó cũng là động viên lớn đối với mình. Mấy năm nữa làm ăn ổn định mình sẽ đón mẹ vào đây cùng mình, xa quê chỉ thương mẹ già côi cút một mình”.
Cũng tương tự như hoàn cảnh của Trường, Thu Hương (21 tuổi, Lý Nhân-Nam Định) được người quen giới thiệu vào Sài Gòn để xin việc. Công việc của Hương là làm công nhân tại một xưởng may. Hương mới vào Nam làm việc được 4 tháng nên năm nay chính là năm đầu tiên cô ăn Tết xa nhà.
Phan Trường tranh thủ ở lại Sài Gòn làm thêm để kiếm tiền gửi về cho gia đình
“Được mọi người trong gia đình động viên nên mình cũng thấy ấm lòng. Nói thật, mình nhớ nhà lắm. Gọi điện về cho mẹ, hai mẹ con chỉ sụi sùi khóc làm mình chỉ muốn bỏ hết công việc về nhà với mẹ. Năm nay mình không được ở cùng gia đình đón Tết, không được cùng mẹ đi chợ lựa hoa về trang trí ngôi nhà, không được cùng bố gói những đồng bánh chưng, không được đi chúc Tết cùng với các em mình", Hương tâm sự.
Vì thời gian nghỉ Tết cũng khá dài nên Hương còn tranh thủ làm thêm để kiếm thêm thu nhập và cũng đồng thời để giết thời gian cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Ngoài thời gian đi làm may, Hương còn nhận thêm công việc bán hàng theo thời vụ tại một cửa hàng quần áo gần nhà. Hương chia sẻ, những ngày gần Tết, ngày nào cô cũng nghỉ rất muộn nhưng lại có thể thêm một phần thu nhập kha khá gửi về cho gia đình.
Khác với cảnh mọi người rộn ràng mua sắm đón xuân, hay chuẩn bị về quê đoàn tụ cùng gia đình, căn phòng trọ nhỏ của Minh Sơn (24 tuổi, sinh viên năm cuối trường ĐH Bách Khoa, quê Đại Từ-Thái Nguyên) lại vô cùng yên ắng, vì mọi người trong xóm trọ của cậu đã về quê ăn Tết hết cả.
Năm nay Sơn quyết định ở lại Hà Nội đi làm mấy ngày Tết để kiếm tiền nộp học. Lương của những ngày Tết thường gấp ba lần ngày thường nên cậu tranh thủ thời gian này để đi làm thêm.
Nhìn dòng người đi lại tấp nập, không khí vui tươi, Sơn tâm sự : “Mẹ mình năm nay mới phải làm phẫu thuật tại bệnh viện trên đây với chi phí khá lớn, em gái thì mới lên đại học cần nhiều khoản chi tiêu, chăn nuôi năm nay của gia đình lại không thu được lợi nhuận như mọi năm nên mình quyết định tranh thủ mấy ngày này kiếm tiền gửi về cho gia đình đón Tết và trang trải nợ nần. Tết năm nay chắc sẽ là trải nghiệm mới mẻ nhất với mình vì mình chưa bao giờ ăn Tết xa nhà. Mình dự định đêm giao thừa sẽ dạo quanh thành phố, ngắm phố phường rồi cùng đám bạn ở lại làm liên hoan. Sinh viên chỉ mấy chai bia, vài lon nước ngọt rồi mấy cái nem là xong cái Tết”.
Mong ước của những người con xa quê
Khi tiếng hát chào xuân vang lên tưng bừng khắp phố phường, nhà nhà người người xúm xít bên mâm cơm tất niên, thì đâu đó trên mảnh đất quê người xa lạ lại có những bóng người mòn mỏi trông về phía quê hương.
Lần đầu ăn Tết xa nhà, Minh Sơn mới thấm thía nỗi nhớ nhà da diết, thấy nhớ bóng bố mình tần tảo nơi những đồi chè bát ngát, thấy nhớ nụ cười của mẹ bên nồi canh nghi ngút khói, thấy nhớ cô em gái nũng nịu thuở nhỏ tranh giành đồ chơi với mình.
“Mình càng trưởng thành thì bố mẹ mình lại càng già đi. Có xa nhà mình mới thấm thía tình yêu thương vô bờ của bố mẹ dành cho mình, mới cảm nhận được hai chữ “gia đình” thiêng liêng mà gần gũi. Mình mong bố mẹ luôn mạnh khoẻ, năm mới bình an cho cả gia đình”- Sơn nghẹn ngào.
Minh Sơn (áo đen) tranh thủ những lúc nghỉ lao gọi điện về chúc Tết gia đình
Cũng giống như tâm sự của Minh Sơn, Phan Trường cũng không thể kìm lòng được khi nghĩ về người mẹ đang một mình ở quê. Anh ước gì có thể chạm tay vào cái Tết quê hương, ước gì khoảng cách không gian có thể thu ngắn lại để anh được nhìn thấy nụ cười của mẹ.
Trường chia sẻ lòng mình: “Nỗi nhớ gia đình cứ nhân lên khi thời khắc giao thừa gần tới. Cái thời điểm chuông đồng hồ vang lên báo hiệu những giây phút đầu tiên của năm mới, khắp không gian xung quanh mình đang sống rộn ràng tiếng pháo hoa, là giọt nước mắt mình lại rơi xuống. Có cái gì đó nghẹn đắng nơi cổ họng, mình cảm thấy có chút gì đó tủi hờn lại xen vào đó là cay đắng, là day dứt trong lòng. Năm mới mình mong sao mọi người trong gia đình mình luôn mạnh khoẻ, vui vẻ. Mình mong sao hai mẹ con mình sớm được đoàn tụ bên nhau. Một mong muốn nữa của mình là mong cho tất cả mọi người luôn hạnh phúc, có công việc ổn định, những hoàn cảnh “tha phương cầu thực” như mình có thể nhanh chóng được về quê sum họp cùng gia đình”.
Ngày Tết đoàn viên có giá trị tinh thần vô giá mà không một giá trị vật chất nào có thể ngang giá. Người không về chạnh lòng một, thì người ở nhà cũng mong mỏi mười. Thu Hương chia sẻ, cô thấm thía nỗi buồn khi xa quê dù được mọi người trong đây quan tâm an ủi.
“Nhiều bạn trẻ còn chưa nhận ra được hạnh phúc khi được sống no đủ bên mái ấm gia đình thân thương. Buồn cho mình không được về quê, mình lại thấy thương những hoàn cảnh lang thang, không có gia đình cũng đang gồng mình để trang trải miếng cơm manh áo. Năm mới đã đến rồi, mình mong sao những buồn đau, tủi khổ của năm cũ mau chóng qua đi, mọi người ai cũng được vui vẻ. Mình mong những người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người vô gia cư lang thang có thể tìm được mái ấm, những bạn trẻ chưa nhận ra được giá trị lớn lao của gia đình sẽ trưởng thành và suy nghĩ đúng đắn hơn..”.