Chuyện về những người giữ rừng nơi biên cương Tổ quốc - Bài 2: Giữ màu xanh cho tương lai
Có những nỗi niềm rất riêng của mỗi người khi họ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng (BVR), sống cuộc đời gắn bó với màu xanh đại ngàn, thế hệ nối thế hệ giữ cho màu xanh ấy không mất đi. Đó cũng là cách họ giữ lại tương lai cho đời sau qua những cánh rừng tươi mát.
Với người giữ rừng trên tuyến biên giới ở Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) rừng được chăm sóc, bảo vệ như chính cuộc sống, tài sản của họ. Để có diện tích rừng tự nhiên phong phú, đa dạng các loài động thực vật được bảo tồn, phát triển như ngày hôm nay, ẩn đằng sau đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, lực lượng Kiểm lâm huyện Đồng Văn, thậm chí các anh còn hy sinh hạnh phúc cá nhân, thầm lặng suốt nhiều năm để đổi lấy những cánh rừng bạt ngàn màu xanh…
Tiếp chuyện chúng tôi là người đàn ông ngoài 50 tuổi có làn da đen sạm, nhưng ánh mắt lúc nào cũng toát lên niềm vui. Rót ly nước chè nóng mời khách, anh Phạm Văn Đồng, Kiểm lâm viên bắt đầu câu chuyện: “Quê ở Nam Định, sinh ra và lớn lên ở Đồng Văn, bố, mẹ đều công tác trong ngành lâm nghiệp. Nghề đầu tiên là anh Đồng chọn là đi công nhân công trường làm đường, sau đó mẹ anh động viên đi theo ngành của mẹ”.
Anh Đồng kể: “Năm 1986, tôi vào lâm trường làm công tác trồng rừng, đến năm 1987 lâm trường giải thể. Từ đó, tôi chuyển sang làm Kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Văn. Tôi xác định đã vào đâu làm cũng phải yêu ngành, có yêu ngành thì mình mới hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước phân công. Từ đó đến nay, tôi luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cố gắng làm sao để giữ gìn được phẩm chất của người Kiểm lâm Việt Nam. Tuyệt đối không làm việc gì làm ảnh hưởng đến đơn vị, đến cơ quan, đến ngành”.
“Công việc thường ngày xây dựng kế hoạch, hẹn bà con để đi tuyên truyền ở các thôn. Việc đi tuyên truyền là thường xuyên, thậm chí hôm nay vừa đi qua, ngày mai lại phải đi qua. Khi đi tuần gồm có dao, balo, đồ bảo hộ... Đi lên rừng tuần tra thì đi theo tuyến, chỗ nào có rừng là mình đi để xác định diện tích rừng xem có bị chặt phá hay không, hoặc trong rừng sâu xem dân ở khu vực giáp ranh họ có vào rừng tự nhiên xẻ gỗ không” – anh Đồng chia sẻ.
Khi được hỏi, có bao giờ anh nghĩ trong một khoảng thời gian nào đó mình sẽ thôi làm Kiểm lâm không(?). Anh Đồng vừa cười vừa nói: “Cũng có những lúc mà mình có những suy nghĩ như thế đấy, bời vì ngành Kiểm lâm rất nguy hiểm, đi thì đi nhiều, thậm chí có những lúc không có đồng chí, đồng nghiệp nào, chỉ một mình. Có những buổi đi tuần tra thì đi theo đoàn, nhưng khi đến rừng thì chẳng còn ai, chỉ còn có một mình mình. Chỉ có mình đối mặt với lâm tặc thôi”.
Anh Đồng kể: “Thời còn làm Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Văn kiêm Phó ban quản lý và BVR, công việc kiêm nhiệm cả hai mảng nên rất nhiều việc, có những đêm thức trắng để làm văn bản tham mưu cho huyện, cho ngành. Những lúc như vậy vợ con bảo thấy vất vả quá thì anh xin miễn nhiệm không làm Hạt phó nữa. Sau 11 năm làm Hạt phó thì mình cũng nghe vợ con động viên, mình xin thôi chức vụ Hạt phó. Đến năm 2006, sau 4 lần làm đơn thì tỉnh cũng cho miễn nhiệm chức Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Văn”.
Câu chuyện mà anh Đồng nhớ nhất đó là vào năm 2008, anh Đồng từng bị lâm tặc bổ một nhát cưa máy vào vai. “Hôm đấy (không nhớ ngày) vào khoảng 19h tối, lâm tặc đi lấy trộm cây thông trong rừng. Sau khi nắm được thông tin, tôi đã huy động thêm 3 cán bộ Kiểm lâm đi cùng, tôi là người đi trước, còn 3 cán bộ kia đi sau. Sau đó tôi túm được một người lấy trộm cây, nhưng mà đứa con của người đó mang cưa đi ngay sau lưng tôi và bổ trộm một nhát vào vai trái...”, - anh Đồng kể lại.
“Hôm đấy nếu là dao thì chắc chắn vết thương sẽ rất nặng. Sau sự việc đó, tôi luôn nhắc nhở những đồng nghiệp trong đơn vị rằng “Đã đi là đi phải đi cùng, đi gần nhau để bảo vệ đồng chí, đồng nghiệp. Đối với những người giữ rừng ở vùng cao thì trước hết đi đâu mình cũng phải giữ được phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ Kiểm lâm” - anh Đồng chia sẻ.
Địa bàn do anh Đồng quản lý gồm 3 xã, trong đó có 1 xã biên giới; diện tích rừng của 3 xã là gần 2.000 ha. Rừng ở đây gỗ quý hiếm giờ không còn, do trước thời chiến tranh tàn phá hết rồi. Giờ gỗ quý hiếm chỉ còn Thông đỏ, Bách vàng, Bách xanh, Tùng la hán... “Hơn 30 năm gắn bó với công tác BVR, tôi cảm nhận thấy bà con càng ngày càng quan tâm đến việc giữ rừng. Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai rộng khắp, tôi thấy rừng càng ngày càng phát triển, bà con càng quan tâm đến lĩnh vực quản lý BVR. Sau khi có tiền bảo vệ dịch vụ môi trường rừng mình cũng tuyên truyền đến bà con là “Tất cả rừng là tiền, tiền là rừng, nếu chúng ta không bảo vệ hết rừng là hết tiền”, anh Phạm Văn Đồng nói.
Gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn nơi miền đá xám là niềm vui chung của hầu hết Kiểm lâm viên. Một kiểm lâm viên còn rất trẻ vui vẻ nói với chúng tôi rằng, đã vào nghề là phải chấp nhận khó khăn.
Kiểm lâm viên Hoàng Văn Thượng chậm rãi nói: “Tháng 2/2024, khi được tổ chức phân công lên Đồng Văn công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện. Mình cũng có một chút buồn lòng vì từ Đồng Văn về đến nhà phải đi quãng thời gian 8 giờ đồng hồ, khoảng cách quá xa, vợ còn trẻ nên có xu hướng phản đối một chút. Khi đó mình cũng chỉ biết động viên thôi, vì tổ chức phân công rồi thì mình phải thực hiện và cũng hứa với vợ khi ổn định công việc sẽ đưa vợ con lên cùng và có thể lập nghiệp tại huyện Đồng Văn. Hiện nay thì mình đã mở cho vợ một cửa hàng nhỏ để bán hàng ăn sáng”.
“Lần đầu tiên khi đặt chân lên huyện Đồng Văn, mình cũng có cảm giác bỡ ngỡ vì không có ai quen biết, rất may là có các anh, chị đồng nghiệp ở đây động viên giúp đỡ, đến nay cơ bản đã nắm bắt và quen dần với công việc” - Hoàng Văn Thượng chia sẻ.
Hiện nay, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 24.874 ha, chủ yếu rừng tự nhiên và rừng mới tái sinh trên núi đá, các cây trồng chính là Thông và Sa mộc; rừng phòng hộ chiếm hơn 16 nghìn ha. Diện tích rừng vành đai biên giới 4.142 ha, trải dài qua 9 xã, thị trấn; trong đó, nhiều địa bàn có diện tích rừng giáp biên lớn như: Lũng Cú, Má Lé, Phố Là, Phố Cáo, Phố Bảng…
Ở Đồng Văn đa phần là người H’Mông, cán bộ Kiểm lâm đi xuống bản tuyên truyền, tuần tra, hỏi thăm về tình hình bảo vệ rừng thì ngôn ngữ là rào cản lớn nhất. Do đó, trong công tác tuyên truyền các Kiểm lâm viên luôn cố gắng chắt lọc những nội dung gần gũi nhất với bà con để đưa ra tuyên truyền, đồng thời nhờ các bác trưởng thôn, phụ trách thôn nhắc lại bằng tiếng dân tộc cho bà con nắm rõ hơn về các chính sách BVR.
Những kiểm lâm viên từng ngày từng giờ chiến đấu để giữ rừng, từng phút đối diện với hiểm nguy, với các đối tượng lâm tặc hung hãn và cả với những tai nạn bất ngờ giữa rừng sâu khi đi tuần tra... Những điều đó chỉ có họ mới hiểu thấu được. Lực lượng kiểm lâm nơi đây không chỉ đổ mồ hôi mà cả máu để bảo vệ cây rừng.
Rừng là những tài nguyên vô giá được thiên nhiên ban tặng mà các thế hệ đi trước đã giữ gìn. Chúng không thể sinh sôi mà chỉ dần bị gặm nhấm và mất đi nếu không được bảo vệ. Đó là những giá trị xanh của sự sống mà không công trình nhân tạo nào thay thế được.
Giữ được thiên nhiên tươi đẹp thì mới có cơ sở để phát triển du lịch bền vững - ngành kinh tế không khói cực kỳ hấp dẫn và là một trong những trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Bởi vậy, dù có khăn, vất vả, điều giữ họ lại với cái nghề này là tình yêu với rừng và những mong ước gửi thế hệ tương lai. Với những thôn, bản một đời gắn bó với rừng, còn rừng là còn làng, còn văn hoá và bản sắc. Đó mới là những giá trị cốt lõi để văn hóa làng được tiếp nối cho thế hệ sau.