Phóng sự - Ghi chép

Chuyện về những người giữ rừng nơi biên cương Tổ quốc - Bài 1: Giữ 'báu vật xanh' - Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán

Nguyễn Liên - Minh Quân 04/09/2024 - 08:12

Từ xưa đến nay, trong lòng những người con dân đất Việt đều trân quý lá phổi của cuộc sống. Để bảo vệ những lá phổi to lớn ấy, các anh – những người Kiểm lâm phải sống một cuộc sống khác, khó khăn, gian khổ nhưng vẫn luôn tràn ngập tiếng cười và niềm tin... Báo Công lý trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài ghi chép về những cống hiến của lực lượng Kiểm lâm tỉnh Hà Giang.

Từ thành phố Hà Giang theo quốc lộ 4C về hướng biên giới phía Bắc hơn 150km, đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) vào một ngày cuối tháng 8/2024, trước mắt chúng tôi là những người cán bộ kiểm lâm ướt sũng mồ hôi sau một ngày đi tuần tra trở về, nhưng trên gương mặt họ luôn tràn đầy niềm vui.

74aa9efd024ca612ff5d.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán còn đảm nhiệm vai trò duy trì nguồn nước cho toàn bộ thị trấn Mèo Vạc.

Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán là khu rừng đặc dụng, nằm trải dài trên 5 xã và thị trấn, gồm các xã (Tả Lủng, Lũng Chinh, Sủng Máng, Nậm Ban, Tát Ngà và thị trấn Mèo Vạc) có tổng diện tích 5.453,9 ha; trong đó diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 4.409,98 ha. Căn cứ vào điều kiện lập địa có thể chia khu bảo tồn ra làm hai khu vực, đó là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Chí Sán khu vực núi đất (theo tên gọi cũ thuộc khu giáp ranh 5 xã, thị trấn là: Nậm Ban, Tát Ngà, Tả Lủng, thị trấn Mèo Vạc và khu vực rừng núi đá thuộc các xã Tả Lủng, Sủng Máng, Lũng Chinh).

Để tổ chức quản lý tốt diện tích rừng và đất rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán được chia làm 4 tổ gồm: Tổ bảo vệ rừng Phố Mỳ - xã Tả Lủng; Tổ bảo vệ rừng Tò Đú - thị trấn Mèo Vạc; Tổ bảo vệ rừng Sán Tớ - thị trấn Mèo Vạc; Tổ bảo vệ rừng Nà Dầu của xã Tát Ngà.

Yêu rừng, sống với rừng dù đồng lương từ “nghề” giữ rừng này thật chẳng đáng là bao. Nguồn kinh phí hiện tại là sử dụng kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán của tỉnh Hà Giang cấp hàng năm để chi trả lương cho nhân viên hợp đồng lao động làm nhiệm vụ công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng (BVR) Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán và Khu bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng.

to-du.jpg
Một ngày đi tuần tra của Đội bảo vệ rừng khu Tò Đú, Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán.

Khi thành lập, lực lượng trong tổ mỏng, đa số là người dân tại địa phương sống giáp khu vực, nhưng đến nay, số này còn rất ít vì đa phần đã lớn tuổi. Bình quân mỗi chốt có từ 3-5 người ăn ngủ tại chỗ để “trực chiến".

Tổ bảo vệ rừng Tò Đú là một trong 4 Tổ của Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán. Tuy nằm ở thị trấn Mèo Vạc, nhưng hiểm nguy vẫn luôn rình rập, nhiều khó khăn đặt ra mà cả lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc và anh em trong Tổ BVR khu vực biên giới này phải đối mặt và phải khắc phục từng bước.

Trong căn nhà nhỏ ven rừng, anh Giàng Mí Sính, người dân sinh sống gần Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán kể với chúng tôi: “Bà con trong thôn Tò Đú tất cả đều BVR, rừng không riêng gì của ai. Bà con trong thôn họp bàn thống nhất với nhau chỉ vào rừng lấy cỏ về cho bò, nếu ai vi phạm (vào rừng lấy gỗ) sẽ báo Kiểm lâm và xử phạt theo hương ước của thôn”.

“Ngày trước khi tôi còn bé, lúc đó người dân vẫn chưa có ý thức về việc BVR. Giờ đây, nhờ có các ngành chức năng, cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền nên nhận thức, ý thức BVR của cộng đồng dân cư thôn, bản xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán được nâng lên. Qua đó, người dân được hưởng lợi từ việc BVR; tiền dịch vụ môi trường rừng được bà con dùng để làm đường bê tông đi các xóm, đến các hộ gia đình và sửa chữa điểm trường, nhà văn hóa...” - anh Sính nói thêm.

2971f1a96d18c9469009.jpg
Anh Giàng Mí Sính (mặc áo đen), người dân sinh sống gần Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán kể chuyện BVR

Kể từ khi thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán cho đến nay, những người được giao nhiệm vụ giữ rừng này vẫn luôn cần mẫn với rừng. Rừng thiêng nước độc, lâm tặc hoành hành, cũng có lúc sợ hãi, dao động nhưng rồi các thành viên trong đội vẫn hoàn thành nhiệm vụ, không một phút lơ là, mất cảnh giác. Hằng ngày, các thành viên chia nhau tuần tra trong rừng, từ phía ngoài vào tận sâu bên trong. Mặc cho cây rừng cào xước da, rách áo hay lạnh buốt xương mỗi khi mùa Đông đến, họ vẫn đi tuần tra cả ngày và đêm. Lực lượng tuần tra mỏng, nhưng khi phát hiện “vụ việc”, cả đội tập trung lại, góp sức giải quyết kịp thời.

Anh Vàng Mí Tủa - Đội trưởng Đội bảo vệ rừng khu Tò Đú, cho biết: “Anh em chúng tôi gắn bó với khu rừng này từ năm 2021 đến nay. Cũng vì lẽ đó mà chúng tôi luôn xem rừng là nhà, quyết tâm giữ rừng, gìn giữ màu xanh ở mảnh đất biên cương này. Công tác phòng cháy chữa cháy cũng được đội bảo vệ rừng chú trọng. Vì vậy, những năm qua đội chưa để xảy ra bất kỳ vụ cháy rừng nào”.

“Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm làm sao để thu nhập của những người làm nhiệm vụ quản lý và BVR được ổn định hơn, ngoài việc trang trải cho cuộc sống hằng ngày, anh em còn có thể lo cuộc sống cho gia đình, con cái và toàn tâm toàn ý với rừng...” - anh Tủa nói.

“Không chỉ có vậy, các thành viên trong Tổ BVR còn kiêm thêm nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân trong thôn, trong xã cùng BVR, chăm sóc rừng. Mỗi ngày một chút, qua đó nhận thức người dân đã bắt đầu được nâng cao, các hộ trước đây sống bằng nghề rừng và săn bắt động vật hoang dã nay đã bắt đầu chuyển sang nghề khác. Các hộ dân sống gần rừng bắt đầu xem rừng như một phần tài sản của mình. Đã có nhiều trường hợp người vùng khác đến khai thác rừng bị nhân dân phát hiện và báo với đội bảo vệ ngăn chặn kịp thời. Điều đáng mừng là các vụ vi phạm ngày càng một giảm dần”, - anh Vàng Mí Tủa cho biết thêm.

Yêu rừng, sống với rừng dù đồng lương từ “nghề” giữ rừng này thật chẳng đáng là bao. Nguồn kinh phí hiện tại mỗi người được hơn 5 triệu đồng/tháng, tạm đủ để anh em trong đội trang trải cuộc sống thường nhật, còn nhà cửa vợ con thì hầu như chẳng giúp được gì. Tuy hằng ngày phải đối mặt với không ít khó khăn từ sốt rét, rắn rết, tai nạn... đến việc phải đối phó với đủ mọi chiêu thức trộm cắp tài nguyên Quốc gia của bọn lâm tặc, nhưng với tình yêu rừng và tinh thần trách nhiệm, họ vẫn bám trụ...

fd2a6e0beb784c261569.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán được chăm sóc và bảo vệ nghiêm ngặt.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Xuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc, cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn Chí Sán, tháng 3/2015, UBND tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán.

“Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán có vai trò quan trọng; do vậy, Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thông qua các buổi họp thôn, chợ bằng tiếng Mông và tiếng phổ thông. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm địa bàn còn hướng dẫn các thôn lập nhóm Zalo và chuyển các file dữ liệu tuyên truyền BVR đến các nhóm; giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin tuyên truyền một cách nhanh chóng ở mọi lúc, mọi nơi.

Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các địa phương cho người dân ký cam kết về BVR; không mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật; xây dựng các mô hình dòng họ tự quản gắn với công tác BVR. Song song với công tác tuyên truyền, Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là các khu rừng trọng điểm, rừng tự nhiên và Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán”.

Rừng ở Mèo Vạc có vai trò vô cùng quan trọng, nó không chỉ tạo sinh kế cho người dân, mà còn góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Đây là nơi sinh sống và trú ngụ của hàng trăm loài động, thực vật, trong đó có hơn 50 loài thực vật và trên 20 loài động vật quý hiếm nằm trong danh sách Đỏ của Việt Nam, như: Lan kim tuyến, Bách vàng, Thông đỏ, Khỉ vàng, Cầy bạc má, Cu ly… Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán còn đảm nhiệm vai trò duy trì nguồn nước cho toàn bộ thị trấn Mèo Vạc.


Nguyễn Liên - Minh Quân