Xử lý vi phạm đất đai: Không để sót hành vi, đối tượng liên quan
Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 31/08/2024
Bổ sung nhiều biện pháp xử phạt, khắc phục
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan soạn thảo), Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có 4 chương, 36 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai).
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể 22 nhóm hành vi vi phạm hành chính về đất đai, trên cơ sở kế thừa các quy định trước đây, và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đã tăng mức xử phạt, bổ sung xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với nhóm hành vi sử dụng đất sai mục đích; hủy hoại đất; lấn đất, chiếm đất; không sử dụng liên tục đất trồng cây hằng năm, lâu năm, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng; không tuân thủ các quy định chuyển nhượng quyền sử dụng, cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2024; vi phạm về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất; vi phạm về cung cấp thông tin đất đai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai, vi phạm điều kiện về hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai…
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy nhận định, những sai phạm và những hành vi vi phạm về đất đai đang diễn ra hết sức phức tạp và việc xử phạt về những hành vi vi phạm này hiện nay là chưa tương xứng.
Vì vậy, việc xây dựng và sớm banh hành Nghị định là hết sức cần thiết với yêu cầu đặt ra là phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm về đất đai; thúc đẩy phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định đã bỏ quy định xử phạt đối với một số hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trồng trọt, Luật Kinh doanh bất động sản.
Các nội dung liên quan đến thẩm quyền xử phạt đã được rà soát để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra và các luật khác có liên quan nhằm đảm bảo không có sự chồng chéo trong xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, bổ sung thẩm quyền của Chánh Thanh tra tỉnh, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận về một số vấn đề cơ quan soạn thảo xin ý kiến.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có hành vi vi phạm trước ngày 15/10/1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định tại Nghị định này.
Trường hợp bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hành vi vi phạm về đất đai là tổ chức đã giải thể, phá sản, cá nhân đã chết mà không có người thừa kế hoặc chuyển đi nơi khác không xác định được địa chỉ và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi thì không xử phạt bên nhận chuyển nhượng mà chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Từ thực tế tại địa phương, lãnh đạo, đại diện các địa phương như: Quảng Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bắc Giang… đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung lớn liên quan đến dự thảo Nghị định này về đối tượng áp dụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; xác định diện tích đất vi phạm và tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; các mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm; thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành; chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện theo quy định;…
Ngoài ra, các đại biểu đã góp ý về trách nhiệm của địa phương trong việc xác định các trường hợp cụ thể không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi hủy hoại đất; thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cung cấp dịch vụ đất đai; tiêu chí xác định hành vi vi phạm hành chính về đất đai…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định, nhất là những nội dung liên quan đến khung xử phạt vi phạm; thẩm quyền xử phạt của UBND cấp xã; hình thức xử phạt bổ sung; xác định số lợi bất hợp pháp; xử phạt hành vi lấn đất và chiếm đất;…
"Sau khi được ban hành, Nghị định sẽ là công cụ đắc lực, hiệu quả trong công tác quản lý, xử lý vi phạm về đất đai với những quy định mang tính phòng ngừa, răn đe cao", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Đi đến cùng trong xác định hành vi vi phạm
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị định phải bám sát nguyên tắc, quy phạm được quy định bởi pháp luật đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm bao quát, không để sót hành vi vi phạm, các đối tượng liên quan.
Phân tích ý nghĩa quan trọng của việc xác định đúng hành vi vi phạm, Phó Thủ tướng nêu thực tế một hành vi vi phạm có thể cấu thành từ nhiều hành vi vi phạm trước đó, cũng như các đối tượng khác ngoài người sử dụng đất như cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực đất đai…
Cơ quan soạn thảo phải đi đến cùng trong xác định hành vi vi phạm, chế tài sắc bén, phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
"Nghị định cần thiết kế theo hướng chính quyền các cấp đều có trách nhiệm phát hiện, xử lý, phòng ngừa các hành vi vi phạm đất đai", Phó Thủ tướng nói và đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý và chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến đất ven sông, ven biển, bãi bồi, đất lấn biển…
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về áp dụng điều khoản chuyển tiếp đối với các hành vi vi phạm có yếu tố lịch sử cần tuân theo pháp luật về đất đai, xử lý vi phạm hành chính, theo hướng "không chỉ xử lý mà phải khắc phục" bảo vệ lợi ích cho người sử dụng đất; thẩm quyền ban hành các quyết định xử phạt và xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục; phương án xử lý hành vi vi phạm tại nhiều thửa đất trong một dự án trên địa bàn một hoặc nhiều đơn vị hành chính; giao chính quyền địa phương quy định cụ thể các hành vi hủy hoại đất đai và cách thức xử lý; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các biện pháp quản lý đất đai, hoạt động tư vấn, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực đất đai…