Đời sống

Người dân lo lắng vì sạt lở nghiêm trọng bờ sông Chu

Thanh Phương 29/08/2024 - 08:22

Những ngày gần đây, hàng trăm người dân ở Thọ Hải (Thọ Xuân, Thanh Hóa) như ngồi trên đống lửa bởi tình hình sạt lở nghiêm trọng bờ sông Chu uy hiếp tới bãi bồi, hoa màu và khu vực dân cư. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có biện pháp can thiệp, xử lý thì diện tích đất bị cuốn xuống dòng nước ngày một lớn.

satlo.jpg
Bờ sông Chu qua Thọ Hải bị sạt lở nghiêm trọng

Đứng thở dốc sau khi cuống cuồng vơ vội ít cỏ và cây ngô khỏi bị sạt lở xuống sông Chu, bà Lê Thị Toàn (68 tuổi), thôn Hải Thành (Thọ Hải) nói không ra hơi. Lau đi những giọt mồ hôi và trấn tĩnh lại, bà Toàn xót của: “Các chú thấy đấy, bao nhiêu đất đai, hoa màu của gia đình tôi bị cuốn xuống sông cả. Chiều nay dù mệt nhưng tôi phải chạy ra cắt lấy ít cỏ, xem cây ngô nào còn thì nhặt nhạnh khỏi bị “hà bá” cướp đi.

batoan.jpg
Bà Toan hết sức lo lắng vì tình trạng sạt lở cuốn trôi hoa màu, đất đai

Những năm gần đây, do dòng nước xoáy mạnh nên khi có mưa to là phía bên này bị xói lở nghiêm trọng, từng mảng đất lớn bị cuốn xuống sông. Do đất cát nên dòng nước xiết đẩy phăng đi rồi lại ngạm vào bên trong. Từ khu vực sạt lở này chỉ có vài chục mét là tới nơi ở của dân làng nên ai cũng lo lắng. Mong sao chính quyền, các cấp sớm có biện pháp xử lý cho dân an tâm".

Nằm gần khu vực sạt lở nhất là hộ gia đình bà Lê Thị Hải (56 tuổi, thôn Hải Thanh). Nhà bà Hải cách sông khoảng 50m về phía Đông. “Mấy năm qua, năm nào bờ sông bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do mưa lớn, dòng chảy mạnh, xoáy sâu vào bờ khiến tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng hơn. Đêm đêm nằm xuống giường còn nghe được tiếng đất sạt lở ầm ầm mà lo lắm. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chẳng mấy chốc, mà sạt lở vào khu vực nhà ở", bà Hải nói.

khoangcahgan.jpg
Từ điểm sạt lở tới khu dân cư chỉ có vài chục mét

Theo tìm hiểu, thôn Hải Mậu và Hải Thành có 53 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu sống gần khu vực sạt lở. Vị trí khu vực sạt lở cách khu dân cư 2 thôn nói trên khoảng 60m. Người dân gần khu vực sạt lở đều tranh thủ thu hoạch cỏ, ngô dù còn non về cho trâu, bò ăn.

Nhận được thông tin về tình hình sạt lở, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, đo đạc, cắm dây cảnh báo và báo cáo cấp trên. Theo đó, từ năm 2019 đến năm 2023, do ảnh hưởng của mưa lũ và kết cấu đất cát pha nên khu vực bãi sông Chu thuộc địa phận thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải (từ K10+480 - K10+750) đã xảy ra tình trạng sạt lở tại 2 vị trí với tổng chiều dài khoảng 180m, lấn vào đất sản xuất của nhân dân từ 8-12m, thành bờ sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 10m.

danlolang.jpg
Người dân hết sức lo lắng vì sạt lở ngày một nghiêm trọng

Vị trí khu vực sạt lở các khu dân cư thôn Hải Mậu và thôn Hải Thành của xã Thọ Hải khoảng 60 m. Xung quanh khu vực sạt lở không có mỏ cát. Diễn biến sạt lở mới: Do diễn biến mưa lớn ngày 18/8, hai vị trí nêu trên tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở mới hình thành cung dài khoảng 320m, lấn thêm vào đất sản sản xuất của nhân dân từ 25-30m, thành bờ sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 15 - 16m và cách khu dân cư gần nhất thôn Hải Mậu 50m.

kiemtra.jpg
Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Hoàng Văn Đồng chỉ đạo khắc phục tạm thời tại điểm sạt lở

Ngoài ra, qua quan sát thực tế thì khu vực dọc bãi sông Chu trên địa bàn xã Thọ Hải (ứng với đê từ K9+800-K10+950 Hữu sông Chu) dài 1.150m có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng nếu mưa lũ tiếp tục diễn ra.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và đất sản xuất của các hộ dân thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải, UBND huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo UBND xã Thọ Hải thực hiện cắm mốc, căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm trong khu vực đang có diễn biến sạt lở và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của 2 địa phương, nghiêm cấm người dân không canh tác, chăn thả gia súc và lại gần khu vực sạt lở.

Sạt lở bờ sông Chu

Tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống gần khu vực sạt lở, có nguy cơ mất an toàn và sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý tạm thời sự cố như khẩn trương thu hoạch cây cối hoa màu trên đất; có biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ 24/24h diễn biến sạt lở và báo cáo kịp thời về UBND huyện Thọ Xuân khi có tình huống xấu xảy ra.

Chiều ngày 28/8, kiểm tra khu vực sạt lở, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Hoàng Văn Đồng cho hay: Qua kiểm tra thực tế, tình hình sạt lở bãi sông Chu thuộc địa phận thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải nêu trên diễn biến rất nghiêm trọng và đang tiếp tục phát triển, có nguy cơ đe doạ đến tính mạng, tài sản của người dân và đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã nếu không kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả.

Trước mắt, huy động máy móc bạt mái, ép cọc và phủ bạt để hạn chế dóng nước xoáy trực tiếp vào bờ gây sạt lở. Về lâu dài, huyện đang báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư xử lý cấp bách làm kè bãi sông ứng với đê từ K9+800- K10+950 hữu sông Chu để bảo vệ khu dân cư thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu xã Thọ Hải an toàn trong công tác phòng chống thiên tai.

Để bảo vệ tài sản, hoa màu và khu vực dân cư đang sinh sống từ nhiều đời nay, các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa cần sớm xem xét, ban bố tình trạng khẩn cấp, bố trí kinh phí đầu tư kè kiên cố để người dân an tâm trước sự biến đổi ngày càng khó lường của thiên tai.

Thanh Phương