Kỳ 2: “Một dải biên thùy giữ vững nước non”
Trước đây, khi nhắc đến vùng biên giới Cao Vều ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), người ta thường liên tưởng đến một nơi “thâm sơn, cùng cốc”. Thế nhưng, hôm nay, vùng biên viễn này đã “khoác” lên mình “chiếc áo” mới, tươi đẹp, no ấm hơn. Sự đổi thay đó công lớn là nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phúc Sơn. Các anh không chỉ là “lá chắn thép” giữ vững “phên dậu” quốc gia, mà còn có nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ đồng bào, dệt nên bức tranh tươi đẹp trên dải đất biên cương còn đầy khó khăn, gian khổ…
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phúc Sơn không chỉ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới, mà còn làm tốt công tác dân vận, công tác vận động quần chúng, luôn bám sát địa bàn, bám dân, bám bản làng, trở thành điểm tựa giúp bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị trên quê hương thứ 2 của mình.
Trên con đường độc đạo tỉnh lộ 534C, thẳng hướng cửa khẩu Cao Vều, vượt qua những cung đường đồi núi quanh co, với nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi mới đến được Đồn Biên phòng Phúc Sơn.
Nắng đầu Thu vàng ươm như rót mật, trải dài trên những triền núi cao, không khí vùng biên ải vô cùng trong lành, mát mẻ và dễ chịu. Đồn nằm vững chãi dưới dãy núi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Vừa đến cổng đơn vị, chúng tôi gặp Thiếu tá Lê Văn Giang, Chính trị viên phó của Đồn đang cùng 3 cán bộ, chiến sĩ tay cuốc, tay xẻng xuống địa bàn giúp dân.
Sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, Thiếu tá Giang hồ hởi nhận làm hướng dẫn viên, đưa chúng tôi đi thăm thú dọc biên giới vùng Cao Vều. Vừa đi, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phúc Sơn quả quyết: Có rất nhiều giải pháp trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới, nhưng giải pháp được coi là căn cơ, gốc rễ xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo được sự đồng sức, đồng lòng, đoàn kết “muôn người như một” được Đồn xác định là dân vận khéo.
Mặc dù cán bộ và chiến sĩ ở đây đến từ rất nhiều miền quê khác nhau, nhưng tất cả đều thật sự coi mảnh đất giáp biên này là quê hương, mỗi người đều tận tâm, tận lực cống hiến hết vì nhiệm vụ chung, quan trọng hơn họ còn giúp đỡ người dân bằng những việc làm rất thiết thực, góp phần ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho bà con.
Chúng tôi tìm đến gia đình chị Loan, là hộ gia đình dân tộc Thái thoát nghèo và điển hình trong phát triển kinh tế nhờ mô hình dân vận khéo “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” của Đồn.
Được biết, năm 2019, gia đình chị Loan được Đồn biên phòng Phúc Sơn hỗ trợ 2 con lợn giống và 100 con gà, đồng thời phân công đảng viên phụ trách. Từ số con giống được hỗ trợ cùng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Đồn về kỹ thuật chăn nuôi, gia đình chị đã phát triển kinh tế rất hiệu quả, đến nay chị đã xuất bán được 5 lứa lợn thịt với gần 50 con.
“Khi đã có nguồn vốn, gia đình tôi lại đầu tư trồng hơn 1 ha chè công nghiệp, 5 sào sắn nguyên liệu, mở rộng chăn nuôi bò, lợn, gà. Vào cuối năm 2022, vợ chồng tôi đã xin ra khỏi hộ nghèo để dành các chế độ hỗ trợ cho gia đình khác khó khăn hơn. Công ơn của các anh bộ đội biên phòng vợ chồng tôi suốt đời không quên”, chị Loan phấn khởi nói.
Chỉ tay về Thiếu tá Hồ Quốc Việt, Cán bộ Đội vận động quần chúng đang ngồi đối diện, Chính trị viên phó cười tươi giới thiệu: Công lớn nhất là của đồng chí Việt, hơn 20 năm gắn bó với nghiệp nhà binh, bước chân anh đã trải khắp các vùng biên cương xa xôi từ huyện Kỳ Sơn, Tương Dương rồi cả những năm tăng cường vào các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc…
Anh Việt tiếp lời: Tất cả những việc làm của chúng tôi đều xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, sự thấu hiểu, sẻ chia với cuộc sống còn nhiều khó khăn của bà con vùng biên giới. Mỗi địa phương, vùng miền có đặc thù riêng về địa lý, văn hóa, nhưng ở bất cứ đâu anh vẫn luôn gần gũi với dân, hiểu dân và dựa vào dân theo đúng phương châm “3 bám, 4 cùng” (Bám dân, bám địa bàn, bám cấp ủy, chính quyền địa phương; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào)”.
Năm 2019 khi được phân công về Đồn biên phòng Phúc Sơn, được Đảng ủy đơn vị phân công phụ trách giúp đỡ 6 hộ gia đình ở khu vực biên giới, anh cứ đắn đo, suy nghĩ làm thế nào để giúp cho bà con có cuộc sống tốt hơn. Bởi đa phần các hộ anh phụ trách là hộ nghèo, sức khoẻ yếu, không có vốn đầu tư phát triển kinh tế lại thiếu kiến thức trong sản xuất.
Từ đó, anh đã đến tận từng gia đình tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh họ để đề xuất với Đảng uỷ, Ban Chỉ huy đơn vị có những phương án và cách thức hỗ trợ con giống phù hợp. Nhờ đó đến nay có 3 gia đình anh nhận giúp đỡ thoát được nghèo, bà con dành tình cảm quý mến anh như người thân trong gia đình.
Giải thích rõ hơn về mô hình dân vận khéo này, thiếu tá Lê Văn Giang, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Phúc Sơn, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, Đồn biên phòng Phúc Sơn đã triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” gắn với các chương trình “Ngân hàng lợn giống”, “Đàn gà sinh kế” để giúp đỡ bà con nhân dân các bản vùng biên giới có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trên địa bàn 2 xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn và Thanh Đức huyện Thanh Chương, đơn vị đã phân công 26 đảng viên phụ tránh 121 hộ. Hiện nay đã hỗ trợ 8 hộ gia đình là hộ nghèo, có hoàn cảnh khỏ khăn, mỗi hộ 2 con lợn giống, 50 con gà và tiền hỗ trợ mua thức ăn, với tổng trị giá hơn 25 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các đảng viên của Đồn còn trực tiếp xuống địa phương cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân và rất tích cực trong việc phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng, kết nạp Đảng viên mới.
Gần dân, trọng dân, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ dân là phương châm hành động mỗi ngày, mọi lúc, mọi nơi của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phúc Sơn. Dạo khắp các bản làng biên giới Cao Vều, được mắt thấy tai nghe, mới hiểu được tình cảm của các anh dành cho dân bản.
Đó là hình ảnh thân thương, cảm động khi các anh ngâm mình dưới dòng nước chảy xiết để bắc cầu, cõng người dân qua dòng nước lũ; là những ngày hè nắng cháy da vẫn gặt lúa, sửa chữa nhà giúp dân; là những đêm mưa đông giá rét vẫn băng rừng vượt suối khám bệnh cho những trường hợp cấp thiết hay tận tỉnh hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng, vật nuôi...
Đã hơn 5 năm nay, bà con 4 bản biên giới Cao Vều, xã Phúc Sơn rất thuận tiện trong công tác khám chữa bệnh, bởi đã có trạm quân dân y của Đồn biên phòng Phúc Sơn. Tại bản Vều 2, nơi đặt “ Tủ thuốc biên cương” bất cứ khi nào không kể ngày hay đêm, bà con đều có thể đến khám bệnh và được phát thuốc miễn phí.
Là một trong những người gắn bó với Trạm quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Phúc Sơn ngay từ những ngày đầu thành lập, thiếu tá Nguyễn Bá Lương - bác sĩ quân y của trạm luôn coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình, bà con ở đây giống như những người thân ruột thịt của mình.
Không kể ngày đêm, mưa gió, cứ lúc nào bà con cần là anh sẵn sàng lên đường, đã có rất nhiều bệnh nhân được anh cứu chữa kịp thời, thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Thiếu tá Lương cho hay, năm 2018, khi đơn vị thành lập trạm quân dân y kết hợp và triển khai mô hình “Tủ thuốc biên cương”, nhiệm vụ đầu tiên của anh em trong tổ là phải kết hợp với già làng, trưởng bản, tích cực vận động người dân mỗi khi đau ốm phải ra trạm thăm khám.
Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Trạm đã khám cấp thuốc và điều trị miễn phí cho hơn 600 lượt bệnh nhân là nhân dân trong khu vực, với tổng giá trị tiền thuốc lên tới trên 27 triệu đồng. Ngoài việc thăm khám bệnh, tổ còn phối hợp với chính quyền địa phương, mạng lưới y tế thôn bản tích cực tuyên truyền cho người dân các chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, cách phòng chống các bệnh thường gặp.
Hoạt động hiệu quả của mô hình “Tủ thuốc biên cương” đã có sức lan tỏa, đóng góp vai trò rất lớn trong việc thay đổi nhận thức, nâng cao sức khỏe cho người dân, xứng đáng là cánh tay nối dài của y tế cơ sở vùng biên giới, Thiếu tá Lương cho hay.
Đồng chí Thượng tá Hoàng Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết: Giúp dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đó là cách “dân vận khéo”mà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã và đang thực hiện. Thực hiện phương châm “gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”, đã có nhiều công trình, phần việc ý nghĩa được các anh thực hiện có hiệu quả, dấu chân các anh in dấu trên khắp các bản làng.
Thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường”, Đồn biên phòng Phúc Sơn và Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An hiện đang nhận đỡ đầu cho 11 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, mức hỗ trợ 500 ngàn/01 em/tháng. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã phối hợp với MTTQ các cấp kêu gọi hỗ trợ được 450 triệu đồng; cử cán bộ, chiến sỹ giúp trên 200 ngày công làm 15 nhà “Đại đoàn kết” tặng các hộ nghèo của 2 xã biên giới, từ đó đã gắn kết được tình cảm quân dân, góp phần giữ vững “phên giậu” quốc gia.
Già làng Lê Văn Việt, ở bản Vều 1, xã Phúc Sơn là người chứng kiến những đổi thay từng ngày trên mảnh đất miền biên viễn này nhớ lại những ngày gian khó, miệng không ngớt lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhất là cảm ơn các anh bộ đội biên phòng.
“Các anh đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng bà con chúng tôi đúng nghĩa tình quân dân như cá với nước. Giờ lúa nước cấy hai vụ đủ ăn; rừng keo, rừng tràm tốt tươi, gà lợn đầy chuồng, bà con dân bản “no cái bụng, ấm cái nhà” ai cũng ưng cái bụng lắm! Tất cả là nhờ có Đảng chỉ lối, soi đường, đưa bộ đội đến giúp đỡ mà bản làng ta có đời sống khấm khá như ngày nay đó”, già Việt vui sướng kể.
Nhìn về đỉnh núi Cao Vều cao hơn 1.300m xa xa dưới tầng mây phủ, Đồng chí Thượng tá Hoàng Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho hay, nơi đó chính là 26,474 km đường biên mốc giới do Đồn quản lý, với 7 cột mốc từ mốc 441 đến mốc 447 thuộc địa bàn 3 xã, gồm Phúc Sơn huyện Anh Sơn; Thanh Đức huyện Thanh Chương và xã Môn Sơn huyện Con Cuông (Nghệ An) tiếp giáp với cụm bản Phôn Mường - Mường Chăm, huyện Xay Chăm Pon, tỉnh Bôlykhămxay, nước bạn Lào.
Do khu vực đồn quản lý kéo dài trên địa bàn của 3 huyện nên địa hình phức tạp, chia cắt, chủ yếu là đường mòn, có nhiều núi cao, rừng rậm, khe suối sâu. Riêng ở 4 bản biên giới Cao Vều xã Phúc Sơn có gần 90 % là người dân tộc Thái, trình độ dân trí lạc hậu, hiểu biết pháp luật hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Chính vì vậy, tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên biên giới cũng diễn biến phức tạp, khó lường. Đây cũng là một trong những khó khăn cho cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Phúc Sơn trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới và truy quét tội phạm, giữ bình yên cho thôn bản...
Trước những khó khăn đó, Cấp ủy, Ban chỉ huy đồn biên phòng Phúc Sơn đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng kế hoạch, phương án và công tác chuyên môn phù hợp tình hình và thực tiễn tại địa phương.
Không quản ngại khó khăn, không kể mưa hay nắng, ngoài nhiệm vụ cầm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ chiến sỹ biên phòng Phúc Sơn còn chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bám, nắm địa bàn và thường xuyên phối hợp với lực lượng dân quân địa phương tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, khép chặt đường biên, mốc giới và các khu vực trọng điểm.
Những năm gần đây, Đồn đã xác lập hàng trăm chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm an ninh trật tự trên khu vực biên giới, giữ vững bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Điển hình như trong năm 2023, Đồn Biên phòng Phúc Sơn và bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đồng chủ trì đã triệt phá đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới vào nội địa tiêu thụ, bắt giữ 1 vụ, 1 đối tượng, tang vật thu giữ 05 kg ma tuý tổng hợp dạng đá; xử lý vi phạm hành chính 2 vụ, 2 đối tượng có hành vi sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản trái phép, thu giữ 2 bộ kích điện…
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Phúc Sơn có công rất lớn đối với bà con biên giới Cao Vều. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới, Đồn đã xây dựng, triển khai rất nhiều mô hình dân vận khéo, hướng về nhân dân, cùng bà con 4 bản Cao Vều xã Phúc Sơn xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng bản làng ngày càng ấm no...”.
Ông Hoàng Đình Mỹ, Trưởng ban dân vận huyện Anh Sơn
Giữa bạt ngàn đồi núi ở khu vực biên cương miền Tây Nghệ An, ngày ngày, những người lính quân hàm xanh Đồn biên phòng Phúc Sơn vẫn bám trụ cầm chắc tay súng, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, họ vẫn luôn tự hào với nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Với họ, mỗi luống rau xanh tươi tốt, mỗi ruộng lúa trĩu bông vào mùa thu hoạch, mỗi người dân được chữa bệnh, mỗi bản làng ngày một khang trang, no ấm... chính là những cột mốc yêu thương. Những cột mốc yêu thương đó cùng với những cột mốc trên đường biên sẽ được cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Phúc Sơn giăng thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc nơi biên cương Tổ Quốc.