Gấp rút hoàn thiện Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân Hoa Lộc
Các đơn vị chức năng, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục để sớm đưa vào sử dụng Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Nơi đây sẽ là địa chỉ đỏ để tham quan, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh vẻ vang giành độc lập của dân tộc.
Tháng 6/1967, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc được thành lập gồm 14 nữ dân quân ở độ tuổi đôi mươi, chiến đấu tại trận địa Đông Ngàn (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Đây là đơn vị dân quân du kích đầu tiên của cả nước bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh, được Bác Hồ gửi thư khen. Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Năm 2023, huyện Hậu Lộc khởi công Dự án án Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc. Dự án nhằm tri ân và tôn vinh chiến công vẻ vang của Trung đội dân quân gái anh hùng xã Hoa Lộc. Xây dựng di tích trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân.
Toàn bộ dự án có diện tích 1,51 ha. Dự án gồm 4 khu chính là: Khu vực đối ngoại (gồm 2 bãi đỗ xe); Khu tái hiện mô hình trận địa Đông Ngàn: đặt tại vị trí nguyên gốc - khu vực gò cao. Khu vực này giữ nguyên cốt hiện trạng nhằm giữ lại vị trí diễn ra các trận đánh lịch sử. Bố trí các công sự chiến đấu, lán nghỉ, các lối đi bằng bê tông giả đất...
Khu vực tượng đài, gồm tượng đài và sân hành lễ; sân trải nghiệm (đường thần đạo giữa và sân hai bên, sân bê tông giả đất sau tượng đài, vườn cây...). Khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích gồm: cổng chính, biển giới thiệu di tích, nhà quản lý, đón tiếp, trưng bày, nhà vệ sinh công cộng, cổng phụ, giàn cây, vườn cây...
Trao đổi với PV, ông Đào Đức Độ, Ban dự án Đầu tư xây dựng huyện Hậu Lộc cho biết: Đến thời điểm này, các đơn vị nhà thầu đã hoàn thành cơ bản các hạng mục công trình. Chỉ còn chờ đá, tượng đúc xong phần âm bản, dương bản, vật liệu bằng composite để tiến hành lắp đặt nữa là hoàn tất. Dự kiến thời gian ngắn nữa là hoàn thiện.
Ngoài ra, để cho việc di chuyển vào khu di tích được thuận lợi, huyện đã quyết định đầu tư tuyến đường mới từ Quốc lộ 10 chạy thẳng vào chứ không phải đi vòng vèo qua khu dân cư như hiện trạng. Tuyến đường đang trong quá trình thi công phần nền, khả năng trước Tết sẽ đưa vào sử dụng.
Theo sử sách ghi lại, trong chiến lược "Chiến tranh cục bộ" từ năm 1964, đưa quân Mỹ vào miền Nam - Việt Nam, đồng thời đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân ngày càng khốc liệt. Ở Thanh Hóa, chúng tập trung đánh phá những khu vực kinh tế trọng điểm, khu vực đông dân cư, tuyến đường vận chuyển huyết mạch như: khu vực Lạch Trường và dọc sông Kênh De nhằm chặn tuyến giao thông đường thủy, cản trở việc tiếp tế lương thực và vũ khí từ miền Bắc hỗ trợ đồng bào miền Nam.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa phát động phong trào chiến tranh du kích, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở các địa phương. Lúc này, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hậu Lộc và chính quyền xã Hoa Lộc đã lựa chọn lực lượng nữ dân quân tham gia tập huấn súng máy PK 12,7 ly.
Ngày 1/6/1967, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc được thành lập gồm 14 cô gái, do cô gái Hoàng Thị Mợi làm Trung đội trưởng, với 3 khẩu đội súng máy PK 12,7 ly và súng trường, xây dựng trận địa tại khu vực Đông Ngàn. Những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, có người còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng vì độc lập, tự do của dân tộc, họ đã gác lại mọi ước mơ để nhận nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, kho thóc và tuyến đường huyết mạch từ Bắc vào Nam.
Với tinh thần "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", những "bông hồng thép" đã làm nên chiến công vang dội đầu tiên vào ngày 16/6/1967. Những cô gái dân quân Hoa Lộc đã bắn rơi máy bay ném bom A4Đ của đế quốc Mỹ - đây cũng là đơn vị dân quân du kích đầu tiên của cả nước bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh.
Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 2/11/1967, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc tiếp tục bắn rơi máy bay ném bom A3J và ngày 30/7/1972 bắn rơi máy bay F4H. Chiến công của những "bồng hồng thép" ở xã Hoa Lộc đã đóng góp lớn vào chiến công chung của quân và dân cả nước, được Bác Hồ gửi thư chúc mừng và khen ngợi.
Tiếng vang của những cô gái Hoa Lộc đã được báo chí trong nước và quốc tế ca ngợi và coi đây là biểu tượng của tinh thần phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Vinh dự hơn, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Năm nay đã tuổi 79, nhưng bác Trịnh Thị Cần, Trung đội phó Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc vẫn còn nhớ như in về kỷ niệm một thời oanh liệt. Bác Cần kể lại: "Ngày ấy, sau khi bắn rơi máy báy Mỹ, chị em chúng tôi vui mừng đến mức chỉ biết ôm nhau mà khóc nức nở!
Khoảng 15h chiều ngày 16/6/1967, trong khi cả Trung đội đang luyện tập thì trên bầu trời bất ngờ xuất hiện hai tốp máy bay của địch, bay vòng vào trận địa. Ba khẩu súng đồng loạt nhả 21 viên đạn. Chiếc máy bay A4D trúng đạn, vùi xác dưới đáy biển ở khu vực đảo Nẹ, cả làng hô hoán hò reo. Cả tốp máy bay Mỹ quay đầu tháo chạy ra biển, còn chị em chúng tôi vui không tả siết. Giờ nhà nước quan tâm đầu tư khu di tích chúng tôi càng vui hơn”.