Văn hóa - Du lịch

Khai hội truyền thống Đền thờ Khúc Thừa Dụ

PV 27/08/2024 - 07:35

Ngày 26/8 (tức 23 tháng 7 Âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền thờ Khúc Thừa Dụ, UBND huyện Ninh Giang tổ chức Lễ hội truyền thống Đền thờ Khúc Thừa Dụ năm 2024.

Theo ban tổ chức, Lễ hội truyền thống Đền thờ Khúc Thừa Dụ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 24/8 đến 26/8 (tức 21 đến 23 tháng 7 năm Giáp Thìn), tại Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền thờ Khúc Thừa Dụ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Trong lễ hội diễn sẽ ra các nghi lễ truyền thống như lễ khai quan tịnh đền, lễ cáo yết, dâng lễ vật, dâng hương, lễ tạ. Phần hội sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao hấp dẫn như hội thi bánh chưng, cờ tướng, pháo đất, bóng chuyền hơi...

Trước đó, vào tối ngày 24 và 25/8, vào lúc 19h30-21h, Đoàn cải lương Hoa Mai (TP. Hà Nội) biểu diễn vở cải lương "Khúc Tiên Chúa" của tác giả Tiến sĩ Khúc Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Khúc Việt Nam và chương trình giao lưu văn nghệ với các tiết mục ca múa nhạc của Hội đồng gia tộc họ Khúc Quảng Ninh và xã Kiến Quốc.

Trong khuôn khổ lễ hội, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề của các xã, thị trấn trong huyện cung được trưng bày, giới thiệu đến du khách và nhân dân.

den-tho-khuc-thua-du-1.jpg
Tiết mục văn hóa nghệ thuật biểu diễn tại lễ hội.

Lễ hội truyền thống Đền thờ Khúc Thừa Dụ năm 2024 tổ chức nhằm tưởng niệm 1.117 Ngày mất và tri ân công lao của người Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, người đã có công đầu thiết lập nền móng quyền tự chủ ban đầu cho đất nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào dân tộc. Lễ hội năm nay được tổ chức nâng tầm cao hơn so với mọi năm.

Theo đại diện Ban tổ chức, các thư tịch cổ ghi nhận anh hùng Khúc Thừa Dụ quê ở trang Cúc Bồ, đất Hồng Châu (nay là xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) là một hào trưởng, thuộc dòng họ lớn, lâu đời có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội thời đó.

Khi biết tin triều đại nhà Đường sụp đổ, Khúc Thừa Dụ đã tập hợp lực lượng tập luyện ngày đêm, tích trữ lương thực chuẩn bị cho việc giành quyền quyết định vận mệnh cho đất nước ta.

Năm 905, sau khi tên Tiết độ sứ Độc Cô Tốn, một quan chức nhà Đường được giao đô hộ nước ta tại đất Giao Châu bị triệu hồi về nước. Ngay sau đó, Khúc Thừa Dụ đã đem toàn bộ lực lượng lấy lại thành Tổng Bình (Đại La; tức Hà Nội ngày nay), tự xưng là Tiết độ sứ, rồi dần dần khiến chính quyền đô hộ nhà Đường ở các địa phương lần lượt tan rã.

Năm 906, không còn cách nào khác, vua Đường buộc phong cho ông chức Tĩnh Hải Tiết độ sứ, chức quan cao nhất ở ngoại biên, có quyền thay triều đình quyết định mọi việc.

Sau khi nắm quyền trong tay, ông nhanh chóng sắp xếp quan lại nắm giữ chức vụ chủ chốt ban hành nhiều chính sách tiến bộ để xây dựng, trị vì đất nước. Đây là dấu son tạo nên nền móng quyền tự chủ ban đầu cho đất nước ta. Năm Đinh Mão (năm 907), Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ qua đời, con trai ông là Khúc Hạo lên kế tục sự nghiệp của cha.

den-tho-khuc-thua-du-2.jpg
Đông đảo đại biểu, nhân dân và du khách về dự lễ hội.

Để tri ân công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, tỉnh Hải Dương và huyện Ninh Giang đã quan tâm đầu tư xây dựng khu di tích gắn với cuộc đời sự nghiệp của ông trở nên khang trang, bề thế.

Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương hiện thờ 3 vị anh hùng dân tộc họ Khúc là Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo, Khúc Thừa Mỹ. Năm 2015, Khu Di tích đẫ được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

PV