Xã hội

Thu thập mống mắt trong làm căn cước công dân là cần thiết

Chu Phương - Kim Sáng 23/08/2024 - 17:17

Ngày 23/8, Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã chủ trì Hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2024.

z5759518460329_28f9151b9a6a687d51303dd22eb043df.jpg
Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an TPHCM luôn quan tâm, chỉ đạo công tác cải cách hành chính. Đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình để triển khai các quy định về cải cách thủ tục hành chính.

Qua đó, công tác cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở thành phố.

z5759518479270_2a84668b6dcbd3668b6acfe70cba006a.jpg
Người dân tham gia đặt câu hỏi

Tại hội nghị, nhiều đại biểu người dân đã quan tâm và đặt câu hỏi liên quan đến Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1-7-2024.

Chị Nguyễn Thị Mai Duyên (quận 11) hỏi: Theo Luật Căn cước 2023 có nhiều điểm mới, trong đó có điểm mới là cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi. Như vậy, việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi có cần thiết hay không? Công an có bắt buộc hay không?

Một người dân khác hỏi: Luật Căn cước 2023 có bước bắt buộc là thu thập mống mắt. Việc thu thập mống mắt có ảnh hưởng gì đến mắt hay không?

z5759518498185_eac8fed3f331e7d33d9f074f12e481b5.jpg
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM, trả lời người dân

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM cho biết, theo Luật Căn cước 2023 có điểm mới là cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi. Việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi theo nhu cầu không bắt buộc, luật chỉ bắt buộc đối với người trên 14 tuổi.

“Thẻ căn cước có nhiều tín năng tiên tiến. Trẻ có thẻ căn cước sẽ thuận tiện hơn trong việc đi lại (máy bay, tàu hỏa...) học tập, khám chữa bệnh (không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiêm chủng...) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hằng ngày. Nếu cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của trẻ thấy có nhu cầu có thể đưa trẻ đi làm căn cước để sử dụng trong cuộc sống”, Thượng tá Hải nói.

Thượng tá Hải thông tin, thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước là mối quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là vấn đề an toàn đối với mắt. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước và thu thập mống mắt, Công an TP đã trang bị những thiết bị chuyên dụng, đảm bảo an toàn cho người thực hiện.

Những thiết bị này - thiết bị thu thập mống mắt đã được các cơ quan y tế kiểm nghiệm nhiều lần mới đưa vào sử dụng. Vì vậy, thiết bị thu nhập mống mắt không ảnh hưởng đến mắt của người dân khi làm thẻ căn cước.

“Tính đến nay, Công an TP đã thu nhận trên 200 ngàn trường hợp trong đó có trên 10 ngàn trẻ dưới 6 tuổi đã thu nhận mống mắt để làm thẻ căn cước”, Thượng tá Hải cho biết.

Do điều kiện lịch sử và hoàn cảnh kinh tế, nhiều người Việt Nam đã di chuyển đến những khu vực biên giới giáp ranh với nước khác trên thế giới. Họ chưa được xác định quốc tịch nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch cũng như trong cuộc sống.

Về vấn đề này, Thượng tá Hải thông tin, bên cạnh cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, Luật Căn cước 2023 còn có điểm mới là cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Việc được cấp giấy chứng nhận căn cước, người chưa xác nhận quốc tịch đã đảm bảo được tính nhân văn của đảng và nhà nước, đảm bảo quyền con người đối với mỗi công dân sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.

Chu Phương - Kim Sáng