Nửa đầu năm, ít nhất 30.000 cửa hàng F&B đã đóng cửa
Tính tới hết tháng 6, có khoảng hơn 300.000 cửa hàng F&B trên toàn quốc, giảm 3,9% so với năm ngoái. Như vậy, ít nhất 30.000 cửa hàng đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế.
iPOS vừa công bố báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tổng giá trị doanh thu ngành ẩm thực và đồ uống (F&B) nửa đầu năm nay chạm mốc 404.000 tỷ đồng, đạt hơn 68% doanh thu của cả năm 2023.
Tính tới hết tháng 6 có khoảng hơn 300.000 cửa hàng F&B trên toàn quốc, giảm 3,9% so với năm ngoái. Như vậy, ít nhất 30.000 cửa hàng đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế.
Cụ thể, có tới hơn 43% doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng 2; tháng 3 tăng trưởng nhẹ và sau đó giảm đều tới giữa năm. Tính tới tháng 6, đã có tới hơn 44% doanh nghiệp thừa nhận mức doanh thu giảm. Nhiều đơn vị không đạt được mức thu nhập kỳ vọng trong nửa năm vừa qua và dự đoán xu hướng giảm doanh thu sẽ tiếp diễn trong các tháng kế tiếp.
Theo khảo sát, khoảng 61% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi đó, trên 34% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. So với khảo sát cùng kỳ năm ngoái, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới gần 52%.
Theo khảo sát người tiêu dùng của iPOS.vn, các mức tần suất cao đi ăn uống (3-4 lần/tuần hoặc hàng ngày) đều gần như không thay đổi so với năm 2023. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1-2 lần/tuần tăng lên 4,1% so với năm trước. Nhìn chung, nhóm khách hàng trung thành vẫn duy trì thói quen ăn uống như trước đây, cho thấy sức hút của ngành F&B vẫn rất lớn.
Song, đáng chú ý, mức chi cho việc "đi cà phê" đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024, tần suất cũng giảm đáng kể. Mặc dù mức giá từ 41.000 đến 71.000 đồng/ly nước trở nên phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỷ lệ người lựa chọn, nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường đồ ăn, các doanh nghiệp đang tìm kiếm mọi cách để thu hút và giữ chân khách hàng. Sự sáng tạo không ngừng trong việc phát triển sản phẩm cũng đã mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới lạ, thu hút đông đảo thực khách.
Một phần tư cửa hàng được khảo sát cho rằng chương trình khuyến mãi là một công cụ hiệu quả để tăng lượng khách hàng đến quán. Chương trình khuyến mãi đang dần được doanh nghiệp F&B đặt ra thông minh hơn.
Bên cạnh đó, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến đang có sức cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trước sức ép đang dần trở nên khốc liệt, iPOS.vn cho biết, các nhà kinh doanh trên ứng dụng giao đồ ăn đang nỗ lực chuyển đổi để cân bằng bài toán chi phí vận hành và doanh thu để có thể bám trụ và khai thác tiềm năng thị trường.