TANDTC đề xuất cơ chế xem xét đơn đề nghị kháng nghị quyết định mở, không mở thủ tục phá sản
Theo TANDTC, Luật Phá sản hiện hành không quy định cách thức xử lý hoặc cơ chế để xem xét lại quyết định của Tổ Thẩm phán của Tòa án cấp trên trực tiếp trong trường hợp xảy ra sai sót khi giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, dẫn đến một số trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan bị ảnh hưởng.
Tại dự thảo Báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản (LPS) 2014, TANDTC cho rằng: Thời hạn quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản khoản 1 Điều 42 LPS 2014 quy định thời hạn Thẩm phán ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu là quá ngắn, đặc biệt với những doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) có quy mô lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực thì cần nhiều thời gian để xem xét toàn bộ hồ sơ, tài liệu, báo cáo tài chính, từ đó mới có căn cứ xác định DN, HTX có ở trong tình trạng mất khả năng thanh toán hay không; hoặc, trường hợp doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản của nước ngoài, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vắng mặt tại Việt Nam, Tòa án nhiều lần thông báo, niêm yết giấy triệu tập đến làm việc nhưng đều vắng mặt do đang ở nước ngoài.
Về giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (Điều 44), Điều 43 của LPS 2014 quy định Tòa án phải đăng quyết định mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX mất khả năng thanh toán trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án và thông báo có các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, Luật này lại không quy định Tòa án phải thực hiện tương tự khi có quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản dẫn đến gây ảnh hưởng đến uy tín của DN, HTX.
Việc xử lý tiền tạm ứng chi phí phá sản trong trường hợp Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX chưa được quy định, nên khi người nộp đơn yêu cầu được hoàn trả tiền tạm ứng chi phí phá sản đã nộp thì Tòa án không có căn cứ để giải quyết.
LPS 2014 không quy định cách thức xử lý hoặc cơ chế để xem xét lại quyết định của Tổ Thẩm phán của Tòa án cấp trên trực tiếp trong trường hợp xảy ra sai sót khi giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, dẫn đến một số trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan bị ảnh hưởng.
LPS 2014 không quy định thủ tục xử lý trong trường hợp Tổ Thẩm phán Tòa án cấp trên trực tiếp đang giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản thì Viện kiểm sát rút kháng nghị.
Về chỉ định, thay đổi Quản tài viên (QTV), doanh nghiệp quản lý (DNQL), thanh lý tài sản (TLTS) (Điều 45 và Điều 46), LPS 2014 không quy định rõ số lượng QTV được chỉ định cho mỗi vụ việc, cơ chế phân công nhiệm vụ, quyền hạn giữa các QTV, trách nhiệm của từng QTV trước Chấp hành viên, Thẩm phán.
Tình trạng QTV từ chối tham gia giải quyết phá sản xảy ra không ít; một số địa phương số lượng QTV không nhiều, có địa phương chỉ có từ 1-2 QTV, thậm chí không có DNQL, TLTS, gây khó khăn, lúng túng cho Thẩm phán khi giải quyết vụ việc, DN, HTX mất khả năng thanh toán dễ lợi dụng cơ hội để tẩu tán tài sản.
Thực tiễn có một số trường hợp QTV, DNQL, TLTS không đồng ý tiếp tục thực hiện công việc và yêu cầu thay đổi QTV, DNQL, TLTS cũng xảy ra do bất đồng quan điểm với Thẩm phán trong giải quyết vụ việc nhưng đây không phải là căn cứ thay đổi QTV, DNQL, TLTS nên đã gây khó khăn trong giải quyết phá sản.
Về ủy thác tư pháp trong việc giải quyết phá sản, việc thực hiện các trình tự, thủ tục trong các vụ việc phá sản mà có chủ nợ, người mắc nợ, người liên quan ở nước ngoài mất nhiều thời gian từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các thời hiệu trong việc tiến hành thủ tục phá sản.
LPS 2014 không quy định trường hợp sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, thì người yêu cầu rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Tòa án ra quyết định và xử lý đối với tiền lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản như thế nào.